Thừa Thiên Huế chưa phải đã vượt qua hết thách thức, rào cản trong việc cải thiện môi trường, giảm rác thải nhựa (RTN). Tuy nhiên, bằng các chương trình, dự án, phong trào thiết thực, sáng tạo song hành với tinh thần yêu Huế đã “ngấm” và “thấm” vào mỗi người dân, mối bận tâm về RTN sẽ không còn là vấn nạn đối với môi trường sống trong tương lai không xa.
Chủ trương, chính sách đã có, nhiều chương trình, dự án, phong trào thiết thực cũng đang đồng hành cùng địa phương để hạn chế rác thải nhựa (RTN) ra môi trường. Vậy nhưng, Huế hiện vẫn còn gặp những rào cản cần phải tìm ra được “chìa khóa” để mở “chốt”, đảm bảo duy trì bền vững, lâu dài.
Cùng với nỗ lực chung, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản quan trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống RTN, không sử dụng đồ nhựa một lần giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó đến nay, kế hoạch này được các cơ quan, đơn vị, công sở... và nhiều người dân địa phương hưởng ứng tích cực. Bắt đầu từ năm 2021, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung” đã tạo luồng sinh khí mới hỗ trợ triển khai nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, góp phần giảm RTN ở địa phương, cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và môi trường.
|
Trao túi lưới lưu trữ RTN tại lễ mittinh phát động giảm RTN và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới do UBND tỉnh tổ chức
|
Qua khảo sát sơ bộ, tuy chưa phải toàn diện, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị, công sở từ tỉnh đến cơ sở đã hạn chế sử dụng túi ni lông để đựng tài liệu, hạn chế in phát tài liệu bằng giấy mà thay vào đó đã được số hóa trên môi trường mạng, thiết bị điện tử thông minh... Các tờ rơi, áp phích tuyên truyền bằng ni lông, nhựa mỗi dịp hưởng ứng ngày lễ, ngày kỷ niệm cũng không còn xuất hiện nhiều. Phần lớn người dân ở khu vực đô thị bắt đầu làm quen với việc sử dụng các sản phẩm đồ dùng sinh hoạt thân thiện môi trường. Các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại đã sử dụng bao túi đựng sản phẩm, hàng hóa... bằng giấy, chất liệu dễ phân hủy và có chương trình ưu đãi đối với những trường hợp lựa chọn sản phẩm không đóng gói bằng túi ni lông, hộp nhựa dùng một lần.
Tuy nhiên, những thay đổi văn minh kể trên chưa phải hoàn toàn được phổ cập. Bởi hiện vẫn còn rất nhiều hàng quán bán đồ ăn, thức uống ở TP. Huế, các huyện, thị dùng đồ nhựa, túi ni lông để phục vụ khách hàng. Từ các quán trà sữa, cà phê bán cho khách mang đi, đến cửa hàng tạp hóa, quán ăn, chợ quê vẫn sử dụng phổ biến bao túi đóng gói bằng vật liệu nhựa, nhất là túi ni lông.
|
Nhiều hoạt động của tổ chức, cá nhân để giảm RTN ra môi trường
|
Ngay việc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung” ở TP. Huế dù cùng đồng hành tuyên truyền vận động, hỗ trợ thùng lưu chứa rác đến các phường, xã, tổ dân phố, nhưng việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn gặp khó khăn, thực hiện chưa hiệu quả. Việc phân loại rác tại nguồn không phải chỉ mới triển khai, mà từ 1-2 thập niên về trước, nhiều chương trình, dự án trong, ngoài nước đã hỗ trợ cho một số địa phương ở TP. Huế, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc..., nhưng sau đó đã “chết yểu” giữa chừng. Lý do, phần nhiều người dân chưa quen với việc phân loại rác tại nguồn, trong khi công tác tuyên truyền, vận động chưa đủ độ “ngấm và thấm” và không có cơ chế ràng buộc rõ ràng giữa các bên để tạo động lực giúp người dân tham gia, duy trì.
|
Vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn
|
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, mô hình phân loại rác tại nguồn ở TP. Huế hiện nay có nhiều thuận lợi, nhưng nếu không quyết tâm tìm được “điểm chung” giữa chính quyền và người dân thì sẽ không mang hiệu quả. Truyền thông nâng cao ý thức người dân về việc phân loại rác tại nguồn cũng như giảm RTN là cần thiết, nhưng tạo sự bền vững còn cần những cơ chế chính sách thưởng phạt, nhằm tạo động lực, thậm chí “áp đặt” để người dân tham gia.
|
Những hoạt động thường xuyên ở các địa phương vì môi trường không RTN
|
Thực tế, nhiều người cũng có chung nhận định, không dễ để ngăn cấm việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần trong kinh doanh, dịch vụ do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Việc thiếu các quy định, chế tài khiến mục tiêu giảm RTN khó đạt như kỳ vọng. Trong khi nhiều tổ chức, đoàn thể ra sức tuyên truyền, vận động thì không ít hộ gia đình, hàng quán, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng vật liệu nhựa một lần thải ra môi trường.
|
|
Những cảnh báo ô nhiễm RTN là thách thức lớn nhất mà các địa phương phải đối mặt. Không riêng Việt Nam mà từ nhiều thập niên về trước, trên thế giới đã có hành động giải pháp chống RTN. Nhưng xem ra, đây là cuộc chiến dài hơi và không hề đơn giản. Cũng trong nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực tiên phong trong cả nước đẩy mạnh phong trào giảm RTN. Trong đó có dấu ấn rất mới từ sự đồng hành của Tổ chức WWF-Việt Nam hỗ trợ thông qua Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa khu vực miền Trung”. Đến thời điểm này, dù còn gặp khó khăn, rào cản nhưng hoạt động chống RTN vẫn luôn mang một “khí thế” và “tinh thần Huế” để xây dựng vùng đất Cố đô xanh, sạch, sáng.
|
Tuyên truyền, cam kết vì môi trường Huế không RTN
|
Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với kinh phí thực hiện gần 2.000 tỷ đồng. Đây được xem là một “cương lĩnh” pháp lý quan trọng để quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương và hạn chế RTN gây ảnh hưởng đến môi trường. Trên cơ sở bản “cương lĩnh” này, các ban, ngành chức năng địa phương tiếp tục chung tay hành động vì mục tiêu hướng đến: Huế không còn RTN. Mỗi địa phương, cơ quan, đoàn thể, đơn vị... đặt ra mệnh đề: Giảm RTN - khó từ đâu, nguyên nhân, giải pháp khắc phục tháo gỡ...
Trong các cuộc hội nghị, hội thảo tham vấn hoạch định chính sách về môi trường được tổ chức tại Thừa Thiên Huế, nhiều chuyên gia cũng bàn luận khá kỹ về câu chuyện chống RTN - một bài toán nan giải đặt ra không chỉ ở cấp độ địa phương, mà mang tầm quốc gia và quốc tế.
|
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân thu gom RTN
|
Không riêng ở Thừa Thiên Huế, vấn đề nan giải nhất là thói quen khó bỏ của người dân khi vẫn đang dùng đồ nhựa một lần, nhất là lạm dụng bao túi ni lông mọi lúc, mọi nơi. Do đó, với những thành quả chống RTN vừa qua, các cấp, ngành, đơn vị địa phương tiếp tục đẩy mạnh vận động tuyên truyền để làm sao mỗi người dân “được ngấm, được thấm” về tác hại của RTN đang ảnh hưởng lên thế hệ hôm nay và con cháu sau này. Chỉ tuyên truyền thôi đương nhiên chưa đủ, mà tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương tùy tình hình thực tế để vận dụng các phong trào, chương trình hành động phù hợp. Hành động phải đi đôi với cam kết, đưa vào kế hoạch, chi tiêu, đánh giá xếp loại hàng quý hàng năm ở mỗi đơn vị, địa phương để hình thành “văn hóa từ chối” túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần và chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương tham quan, khích lệ các mô hình tái chế "Biến RTN thành tiền”
|
Trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và RTN, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý. Đáng kể nhất trong năm vừa qua, nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt đã, đang được đưa vào hoạt động, như: Nhà máy Điện rác Phú Sơn, công suất xử lý 600 tấn/ngày theo công nghệ đốt rác phát điện; các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại 2 khu xử lý tập trung: Phú Sơn (TX. Hương Thủy), Hương Bình (TX. Hương Trà), lò đốt chất thải rắn quy mô 20 tấn/ngày tại Lộc Thủy (Phú Lộc)…
Hiệu quả thấy rõ nhất khi Nhà máy Điện rác Phú Sơn đi vào hoạt động đã giải quyết triệt để một lượng rác thải sinh hoạt không nhỏ, trong đó có RTN. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn đang thiếu và yếu các cơ sở, doanh nghiệp tái chế RTN. Vì đây chính là đầu mối để “dọn đường” cho hành trình thực hiện phân loại rác tại nguồn. Những cơ sở tái chế, tái sản xuất sản phẩm từ RTN, vỏ lon, chai thủy tinh… có mặt và hoạt động mạnh tại một số tỉnh, thành đã giúp "tháo khóa" cũng như kích thích việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, biến RTN thành tiền. Vậy thì, Thừa Thiên Huế cũng cần sớm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên để mời gọi các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ mới và bắt tay liên kết giải quyết bài toán kinh tế tuần hoàn cho RTN ở địa phương.
|
Nhà máy điện rác Phú Sơn đã đi vào hoạt động ở Thừa Thiên Huế
|
Thêm một hướng mở cho hành trình phân loại rác tại nguồn, chống RTN khi mới đây, ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT xác nhận, đơn vị đã tham mưu đề xuất tỉnh triển khai quy định mới trong công tác PLRTN theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bao gồm giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý; đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ, cũng như xử phạt những trường hợp không phân loại rác tại nguồn và hành vi vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định…
Phá bỏ được những nút thắt, rào cản về cơ chế, ý thức, cơ sở hạ tầng…, chiến dịch chống RTN và phân loại rác ở địa phương sẽ không còn là bài toán nan giải. Nghĩ xa hơn, biết đâu Huế sẽ trở thành hình mẫu về chống RTN và phân loại rác tại nguồn để các nơi học tập, làm theo.
Nội dung: MINH THƯƠNG
Ảnh: SONG MINH - CTV
Clip: MINH THƯƠNG (nguồn WWF-VIỆT NAM)
Thiết kế: QUANG THIỀU