Mang trên mình nhiệm vụ, trọng trách đảm bảo an ninh, trật tự ngay từ cấp cơ sở, với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo bài bản, công an xã chính quy là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại cấp cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, giữ gìn bình yên cuộc sống của Nhân dân. Trong những nẻo đường dài thực hiện nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ công an cơ sở đã anh dũng ngã xuống. Sự hi sinh của các anh là tấm gương để đồng đội càng quyết tâm, vững bước trong cuộc chiến rất nhiều cam go, hiểm nguy, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là người lính trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc.
|
Vượt suối đưa đồng đội về nhà, dặn lòng không để đồng đội chạm đất, chạm nước |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng giữa thời bình, vẫn có những chiến sĩ Công an Nhân dân đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ, để lại mất mát đau thương không đong đếm và tiếc thương vô hạn. Sự hy sinh của các anh là tấm gương để đồng đội càng quyết tâm, vững bước trong cuộc chiến rất nhiều cam go, hiểm nguy, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Trước thềm mùa xuân mới, những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi trên mọi nẻo từ phố phường đến làng quê nồng nàn hương sắc của muôn hoa và những gương mặt hân hoan rạng rỡ, thì tại ngôi nhà ở kiệt 137 đường Trường Chinh (TP. Huế), có hai người phụ nữ “chết đi sống lại”, thất thần bởi nỗi đau xé nát tâm can. Đó là mẹ và vợ của Trung tá Trần Duy Hùng (SN 1983, Phó trưởng Công an phường Thủy Vân, TP. Huế), hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) địa bàn.
|
Lễ truy điệu Trung tá Trần Duy Hùng
|
Mất mát bất ngờ quá lớn, khiến đồng đội của Trung tá Hùng và người dân cũng bàng hoàng đau xót. Chiều tối 12/1/2024, trực ban Công an phường Thủy Vân tiếp nhận thông tin về việc đối tượng Nguyễn Tấn Sang (SN 1999, ngụ phường Thủy Vân, có dấu hiệu tâm thần) có hành vi chặn các phương tiện tham gia giao thông trên đường Lê Đức Anh thuộc phường Thủy Vân.
Trung tá Trần Duy Hùng, trực chỉ huy trong ngày, đã điều động tổ công tác 4 người đến hiện trường giải quyết; đưa đối tượng Sang về nhà, để kịp thời ngăn chặn hành vi trái pháp luật của đối tượng, bảo vệ an toàn tính mạng cho Nhân dân.
|
Thứ Trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trong lễ tang Trung tá Trần Duy Hùng
|
Tuy nhiên, sau đó đối tượng này quay lại khu vực trên với thái độ hung hăng, manh động hơn. Nhận báo cáo, Trung tá Hùng đến hiện trường. Trước hành vi nguy hiểm khi đối tượng Sang dùng dao tấn công, Trung tá Hùng cùng tổ công tác, áp sát khống chế đối tượng, tước hung khí. Quá trình khống chế đối tượng, Trung tá Hùng đã bị đâm vào cổ, ngực. Đối tượng Sang ngay sau đó bị bắt giữ, đồng thời Trung tá Hùng cũng được đưa đi cấp cứu. Dù được các y, bác sĩ hết lòng tận tình cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đến viếng, động viên gia đình Trung tá Trần Duy Hùng
|
Mẹ già nước mắt đã đặc quánh. Bên cạnh bà, người con dâu vật vã nỗi đau. Đứa cháu nội còn thơ dại, ngơ ngác trước di ảnh cha trên bàn thờ nghi ngút khói hương. Mới hôm trước, mâm cơm quây quần rộn rã tiếng cười. Bây giờ mẹ mất con, vợ mất chồng, đứa con nhỏ trở thành côi cút. Nhưng, cuối nỗi đau tận cùng ấy là niềm tự hào, vì con trai, chồng, cha của họ đã ngã xuống khi đang thực hiện nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó: đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ bình yên cho cuộc sống. Cũng như rất nhiều chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an đã vì cuộc sống bình yên, vì Nhân dân mà hy sinh cuộc đời mình.
Ngược lại thời gian, chúng tôi ngược dốc ngược đèo Sa Mù lên xã Hướng Việt, một xã biên giới xa xôi thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Đó là ngày cuối đông rét mướt, đèo Sa Mù trong màn sương mờ ảo, hai bên là những dãy núi chập chùng như chạm vào mây, hun hút. Trước những ngôi nhà sàn của người Bru - Vân Kiều nép bên đường, vài cây hoa đào đã hé những nụ hoa sớm báo hiệu mùa xuân sắp về. Những người đàn ông, phụ nữ mặt sạm nắng mưa, cõng gùi lên nương, rẫy, vẫn còn nhiều vất vả, nhưng tự tại, bình yên.
|
Trung tá Cao Sơn Hải, tổ trưởng tổ "mệnh lệnh trái tim" kể về hành trình gian nan, hiểm nguy đưa đồng đội về nhà
|
|
|
Cách đây hơn 3 năm, vào ngày 17/10/2020, để bảo vệ cuộc sống bình yên đó, Thượng úy Trương Văn Thắng (SN 1989, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình), công an xã Hướng Việt, đã ngã xuống ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cùng bao ước mơ, khát vọng, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn người dân đang trong lằn ranh sinh tử giữa thiên tai, bão lũ.
Nỗi đau xót, tiếc thương vẫn nguyên đầy trong lồng ngực Thiếu tá Đỗ Vi San, Phó Trưởng công an xã Hướng Việt; Đại úy Nguyễn Viết Quản (công an xã); vẫn nguyên đầy trong nước mắt nóng hổi cứ lặng lẽ lăn xuống, ướt nhòa mặt chị Nguyễn Thái Xuân, nhân viên trạm y tế xã trong lời kể nghẹn ngào đứt quãng của những đồng đội, cán bộ, Nhân dân đã cạnh bên người chiến sĩ công an, trong thời khắc anh hy sinh vì bảo vệ an nguy của bà con nơi này.
Hôm đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão lớn, trên địa bàn xã Hướng Việt đã có mưa tầm tã suốt mấy ngày không ngớt, nước sông suối dâng cao, chảy xiết, các ngọn núi trên địa bàn đã ngấm nước nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Chủ tịch UBND xã và anh em các lực lượng trực bão lụt, vừa mới đi tuần tra, kiểm tra các điểm xung yếu về, thì người dân đến báo có 3 người kẹt trên rẫy, gặp sạt lở, nguy cơ bị bùn, đá cuốn trôi. Chủ tịch UBND xã thống nhất phương án, các lực lượng triển khai ứng cứu. Người dân thôn bản cũng tham gia. Đội tìm kiếm cứu nạn đang dò đường, bất ngờ núi lở ầm ầm dội xuống. Thượng úy Thắng bị trọng thương.
|
Đồng đội vượt lũ dữ, đưa Thượng úy Trương Văn Thắng hy sinh ở xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) về nhà
|
“Chúng tôi đưa Thắng về bệnh xá bằng xe máy, tôi ngồi phía sau ôm. Lúc đó núi tiếp tục sạt, nổ như bom, rất nguy hiểm. Thắng bị gãy xương đùi, gãy xương sườn, nghi đâm qua phổi. Thắng kêu “Chị ơi em đau quá. Em khó thở không chịu được. Nhìn Thắng, tôi thương đứt ruột, vừa lo sợ tình huống xấu xảy ra. Bởi lúc đó, Hướng Việt bị lũ lụt, sạt lở chia cắt, cô lập hoàn toàn. Không điện. Không nước. Không sóng điện thoại, chẳng cách gì liên lạc với bên ngoài. Nhiều nhà dân bị tốc mái. Cảnh tượng tan hoang. Trong lúc nước lũ mỗi lúc càng dâng cao, mọi nhà tất bật chạy lũ, thì tầm 10 giờ đêm, Thắng ra đi mãi mãi”. Câu chuyện về sự hy sinh của người chiến sĩ công an, người mà chị Nguyễn Thái Xuân thương như đứa em trai ruột, đứt đoạn không biết bao lần bởi tiếng nấc nghẹn ngào. Không biết bao lần, nữ y tá nâng ống tay áo thấm bớt nước mắt.
|
Chị Nguyễn Thái Hương Xuân, y tá Trạm Y tế xã Hướng Việt khóc nghẹn khi nói về sự hy sinh của Thượng úy Thắng
|
|
|
Không riêng chị Xuân, cán bộ và người dân xã Hướng Việt đều dành cho Thượng úy Trương Văn Thắng tình cảm yêu thương, quý trọng. Hướng Việt là xã vùng sâu vùng xa khó khăn nhất của huyện miền núi Hướng Hóa. Khi đề án của Bộ Công an về điều động công an chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn được triển khai, Thượng úy Trương Văn Thắng (lúc đó đang công tác tại Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Hướng Hóa) đã xung phong tăng cường về xã Hướng Việt, nhận nhiệm vụ cùng sát cánh với đồng đội, chung lưng đấu cật với địa phương, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân tại những bản làng biên giới khó khăn này.
“Đến nhận nhiệm vụ tại Công an xã Hướng Việt tháng 3/2020, chúng tôi tập trung làm dữ liệu dân cư, vì trước đây công tác này bị sai sót rất nhiều, không đảm bảo. Anh em chúng tôi (lúc đó là Đại úy Đỗ Vi San, Trung úy Trương Văn Thắng, Thiếu tá Hải Hà, là những người từ Công an huyện, nhận quyết định tăng cường về xã Hướng Việt trong cùng một ngày), liên tục làm cật lực từ sáng sớm đến tầm 12- 13 giờ chiều, vẫn chưa nghỉ nấu cơm.
|
Ảnh trái: Đồng đội, gia đình, người dân đón liệt sĩ Thắng về với đất mẹ quê hương. Ảnh phải: Phủ cờ Tổ quốc trong lễ truy điệu liệt sĩ Thắng
|
Nhiều trường hợp dân không biết nên chúng tôi về nhà dân để thu thập thêm tài liệu, thông tin bổ sung vào hồ sơ điều tra cơ bản trên địa bàn quản lý. Vậy nên, giữa những cán bộ, chiến sĩ công an xã “mới toanh” và người dân địa bàn nhanh chóng xây dựng được tình cảm gần gũi. Một tháng trước khi Thắng hy sinh, cũng liên tục xảy ra mưa to gió lớn, nhiều nhà dân bị tốc mái; trận lũ quét khiến bùn ngập một số hộ gần khe suối, một số tuyến đường trọng yếu và đường trong thôn bản bị bùn vùi lấp. Cùng đồng đội trong đơn vị và các lực lượng, đoàn thể, Thắng là một trong những người tận tụy, tận tâm giúp sửa chữa nhà cho dân, chung sức nạo vét bùn đất, nhanh chóng “khơi thông” các tuyến đường, đảm bảo các hoạt động lưu thông trên địa bàn, để người dân sớm ổn định cuộc sống, thuận lợi trong đi lại, sản xuất”- Thiếu tá Đỗ Vi San xúc động nhớ lại.
“Từ ngày có Công an chính quy về xã, người dân rất tâm đắc, rất yên tâm vì sự an toàn trên địa bàn vì tất cả các tin báo, tố giác tội phạm xảy ra khi trình báo đều được cán bộ Công an xã tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật với tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, các anh luôn thực hiện tốt công tác dân vận, hết lòng giúp đỡ Nhân dân. Vào những lúc mưa gió, các anh có mặt khắp các địa bàn, đặc biệt là những địa bàn xung yếu được phân công. Chính vì vậy, khi có thông báo người dân bị kẹt lại trên rừng, anh Thắng, anh San, anh Hà là những người đầu tiên đi tìm dân, cứu hộ. Đó là trách nhiệm và tình thương!”- ông Trương Công Sơn, giáo viên Trường tiểu học & THCS Hướng Việt (người cũng vì thương, quý mà tự tay khâm liệm, khi Thượng úy Thắng hi sinh), bày tỏ.
|
Gian nan, nguy hiểm nhưng Công an huyện Hướng Hóa vẫn đi về phía đồng đội
|
Người dân Hướng Việt đã lưu giữ hình ảnh gần gũi, thân thương ấy của Thượng úy Trương Văn Thắng và đồng đội của anh. Vậy nên, khi hay tin anh Thắng vì thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn bà con Hướng Việt mà hy sinh, nhiều người đã òa khóc, dù lũ lụt đang hoành hành, cũng tìm cách đến trước anh linh của người đã vì dân mà nằm xuống, thắp nén tâm hương. Biết bao nhiêu nước mắt tiếc thương hòa cùng nước mưa, ướt những bản làng Hướng Việt.
Mắt anh thanh niên người dân tộc Bru - Vân Kiều, Hồ Văn Bài hoe đỏ, khi nhớ lại lúc đó, cùng một số thanh niên trong bản, tìm mấy cây gỗ to nhất bị cuốn về sau những trận sạt lở, cưa ván đóng “áo” cho Thượng úy Thắng. “Việc lấy gỗ lúc đó rất gian nan, vất vả. Trời vẫn mưa gió. Nước vẫn đang lên cao. Mọi người phải đi bộ, vượt qua những chặng bùn đất, cây cối đỗ gãy; phải lội suối… Nhưng Thượng úy Thắng đã vì dân, thì người dân chúng tôi cũng vì thương quý anh Thắng mà quyết tâm, cố gắng”- anh Bài bộc bạch. Khi nước dâng lên ngập trạm xá, trụ sở UBND xã, Công an xã, thi thể Thượng úy Thắng được di chuyển đến nhà dân, ở nơi cao nhất, trở về trong lòng dân.
|
|
Kính phục và kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ công an, vì cuộc sống bình yên, vì Nhân dân mà ngã xuống. Cũng kính phục và xúc động tận tâm can, khi lực lượng công an Nhân dân, vì đồng chí, đồng đội của mình mà bất chấp mọi hiểm nguy. Nước mắt cứ thế bất giác nhòa nhạt, khi chúng tôi xem lại clip đồng đội của Thượng úy Trương Văn Thắng - những chiến sĩ công an huyện Hướng Hóa và Công an xã Hướng Việt trong hành trình gian nan đưa đồng đội trở về với người thân ở quê nhà. Mang đồng đội trên vai, các anh dìu nhau nhích từng mét, qua những đoạn đường nguy hiểm, phía trên là sạt lở, phía dưới là vực sâu; khi vượt dòng suối đang hung dữ chảy xiết, một tay níu chặt dây cáp, tay kia giữ chắc, tự dặn lòng, bằng mọi giá không để thi thể đồng đội chạm đất, chạm nước.
|
Băng rừng giữa đêm để vào xã Hướng Việt đang bị sạt lở cô lập, nơi có đồng đội đã hi sinh
|
Trước chúng tôi là Trung tá Cao Sơn Hải, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Hướng Hóa (thời điểm đó anh là Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy), người từng là Tổ trưởng tổ công tác tình nguyện, tiếp cận Hướng Việt để đưa thi thể Thượng úy Thắng về nhà. Trên gương mặt dạn dày với những hiểm nguy, lắng đọng cảm xúc không thể diễn tả bằng lời, khi anh trải lòng trải dạ về chuyến đi đặc biệt- đi về phía đồng đội, dù bản thân mình cũng có thể hy sinh.
“Thời điểm đó, khắp nơi bão, lụt. Trước đó một ngày, tôi cũng làm tổ trưởng tổ cứu hộ gồm các cán bộ chiến sĩ do Công an huyện Hướng Hóa cử, cùng người dân, đào bới bùn đất do núi lở, vùi lấp nhà dân tại xã Húc, khiến toàn bộ 5 người trong gia đình thiệt mạng. Lúc vừa đưa được cả 5 người ra khỏi đống vùi lấp đổ nát, đang ngậm ngùi đau xót, thì bàng hoàng nhận thông tin đồng đội mình trong lúc đi tìm dân mà gặp nạn, có khả năng hy sinh tại Hướng Việt.
Khi xác định đúng Thượng úy Trương Văn Thắng đã hy sinh, Công an huyện Hướng Hóa có chủ trương lập tổ công tác tìm cách tiếp cận được với xã Hướng Việt; đồng thời lúc đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp đến thị sát tại hiện trường và chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn khắc phục bão lũ nói chung, trong đó đặc biệt khẩn trương đưa liệt sĩ Thắng ra.
|
Lễ truy điệu liệt sĩ Trương Văn Thắng, với biết bao xúc động, kính cẩn, yêu thương. Ảnh phải: Đại diện Bộ Công an dâng hương trong lễ truy điệu liệt sĩ Thắng
|
Hậu quả thiên tai khắc nghiệt, mọi ngã đường vào xã Hướng Việt đều bị cắt đứt vì sạt lở, mưa lớn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Bình thường, từ xã Hướng Phùng lên Hướng Việt chỉ 20 phút chạy xe. Nhưng lúc đó, phải từ Hướng Phùng vượt con sông nước lũ cuồn cuộn sang đất bạn Lào; tiếp tục men theo sông, ngược rừng trên đất bạn cả chục cây số, đến địa phận đối diện, lại một lần nữa vượt qua sông, mới tiếp cận Hướng Việt. Quá trình đi cũng đối mặt với núi sạt, đất lún, cũng tiềm ẩn hiểm họa chết người. Trước đó, nhiều tổ công tác của biên phòng và quân đội cũng đã triển khai, đi vào Hướng Việt, nhưng do nguy hiểm quá, không thể tiếp tục đi mà đã quay về.
Trung tá Cao Sơn Hải, Đại úy Nguyễn Khánh Thành và Thượng úy Nguyễn Quang Hợp (Công an huyện Hướng Hóa, những thành viên tổ công tác) vẫn nguyên nỗi xúc động khi nói rằng: Biết hiểm nguy là vậy. Đi là có thể sẽ không trở về. Nhưng đồng đội hy sinh là mất mát không gì bù đắp được. Cha mẹ, vợ con, gia đình của đồng đội phải gánh nỗi đau lớn nhất cuộc đời; đang từng giây từng phút ngóng con, chồng, cha. Bản Ka Tiêng ở xã Hướng Hóa là nơi tập trung người đồng bào Bru Vân Kiều sinh sống. Người đồng bào có tập tục phải đưa người đã khuất vào rừng ma sau khi mất 3 ngày. Nếu để chậm thêm, “đường về nhà” của liệt sĩ có thể phải mười năm sau, theo phong tục của đồng bào. Vậy nên vì trách nhiệm và yêu thương, các anh bằng mọi giá! Để sau 12 tiếng đồng hồ đi bộ, vượt qua những chặng đường tiềm ẩn vô vàn hiểm nguy, trong đêm tối, đến 12 giờ khuya, các anh đã tiếp cận được Hướng Việt, có mặt bên Thượng úy Trương Văn Thắng, để có một cuộc “gặp gỡ” đồng chí, đồng đội, giữa người đã ra đi và những người còn ở lại, tuôn đầy nước mắt.
|
Anh Hồ Văn Bài (áo đen) là dân xã Hướng Việt, vì thương và kính trọng liệt sĩ Thắng, đích thân tìm gỗ đóng "áo" quan cho liệt sĩ
|
“Nếu không dùng ý chí, tinh thần tự nguyện, tình yêu thương đồng đội từ trái tim và nỗ lực 200%, thì chắc chắn không bao giờ đi được. Vậy nên sau này, chúng tôi đổi tên “tổ tình nguyện” thành tên gọi “tổ mệnh lệnh trái tim” để ghi khắc chuyến đi đặc biệt này”- Trung tá Cao Sơn Hải trầm giọng.
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hướng Hóa, hàng chục trái tim yêu thương, đã xung phong và 13 đoàn viên thanh niên, đảm bảo sức khỏe được lựa chọn. “Quá trình đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi có sự chủ động, có thể đánh giá, dự đoán được (chủ động xây dựng kế hoạch; tổng hợp tình hình, phân tích, nhận định, đánh giá về đối tượng; dự kiến một số tình huống và phương án xử lý..., nên quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đảm bảo hiệu quả, an toàn). Tiếp cận Hướng Việt và đưa đồng chí đồng đội ra, là đi giữa trời đêm, trong thiên tai bão lũ, không biết lúc nào núi lở, đất sạt, có nhiều tình huống bất ngờ ngoài dự kiến không lường trước được, không thể biết lúc nào nguy hiểm. Nhưng vì đồng đội, chúng tôi quyết tâm đi.”- Đại úy Nguyễn Khánh Thành và Thượng úy Nguyễn Quang Hợp chia sẻ.
Xác định đi là có thể không trở về, có thể hy sinh cả tổ; sợ gia đình lo lắng, nên nhiều thành viên trong tổ giấu người thân; một số người âm thầm viết lá thư để lại. Trong hành trang mang theo là trái tim yêu thương và ý chí sắt đá “mang tên” vì đồng chí đồng đội. Cứ như vậy, các anh đã vượt qua vô vàn hiểm nguy: Nhiều đoạn đường trong vòng 1km có 6-7 điểm sạt lở, có điểm dài 100 mét. Cả quả núi đổ xuống, không có đường, phải mở đường mới mà đi trong rừng. Đường sụt, lún, phải chặt cây lót xuống. Nếu sơ sẩy có thể bị đất nhão “nuốt” .
“Quá trình đang di chuyển tại các điểm đó, chỉ cần núi lở là cả tổ công tác “đi” luôn. Nên tôi quy định giãn đội hình ra, mỗi người đi cách nhau một quãng. Nếu xảy ra tình huống xấu nhất, còn người để về báo tin. Có nhiều lần cả tổ đối mặt hiểm nguy, nhiều lắm. Nguy hiểm nhất là lúc vượt qua con sông mênh mông cuồn cuộn nước lũ, trong đêm tối. Nhưng vì tinh thần đồng chí đồng đội, đã từng sống, đồng cam cộng khổ, thực hiện nhiệm vụ bên nhau. Đồng đội đã vì dân mà quên mình, xây dựng tình cảm, niềm tin trong Nhân dân, chúng tôi cũng phải quyết tâm bằng cả một sự nỗ lực quên mình…”- Trung tá Cao Sơn Hải khẳng định. Thiếu tá Đỗ Vi San, một trong những cán bộ, chiến sĩ công an đã đưa Thượng úy Thắng về đến quê nhà Quảng Bình bày tỏ: “Đưa đồng đội về được với đất mẹ, trong nỗi buồn, tiếc thương, chúng tôi cũng yên tâm, nhẹ lòng; góp một phần nhỏ bé giúp gia đình, người thân của đồng đội vơi đi nỗi đau, vượt qua đau thương, mất mát này”.
|
Con trai hy sinh là mất mát đau thương lớn nhất, nhưng bố mẹ liệt sĩ vẫn tự hào vì Thắng đã vì dân mà ngã xuống
|
Trong buổi chiều nắng nhè nhẹ, chúng tôi theo chân ông Trương Minh Bưa và bà Trương Thị Tuyên, cha mẹ của liệt sĩ Thắng, đến nghĩa trang gia đình tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nơi liệt sĩ an nghỉ. Trước mộ phần, vẫn còn làn khói hương nhẹ nhàng, ấm áp. Cha mẹ liệt sĩ nói rằng, chắc là có ai đó, người dân trong thôn mới ghé thăm. Suốt 3 năm nay vẫn vậy, bà con vẫn thường ghé thắp cho Thắng nén hương nghĩa tình. Chợt nhớ những lời của bà con lối xóm: “Mất mát là đau thương, nhưng chúng tôi tự hào vì mảnh đất này có một người con như thế, một chiến sĩ công an đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giúp dân, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Nội dung: QUỲNH ANH - HÀ LÊ - HỒNG NHI
Ảnh: QUỲNH ANH - HÀ LÊ - HỒNG NHI
và Công an các tỉnh Thừa Thiên Huế,
Quảng Trị, Hà Tĩnh cung cấp
Trình bày: QUANG THIỀU
>> Kỳ 2: Canh giữ bình yên