Ai cũng mong muốn con của mình sinh ra được lành lặn, kháu khỉnh như bao trẻ em khác. Nhưng đâu đó vẫn có những trường hợp kém may mắn khi bị dị tật bẩm sinh. Và rồi, những đôi tay “thiên thần” như có phép màu, đã mang nụ cười trở lại trên môi các em, cho gia đình và cả xã hội.
Ngày biết tin mình mang thai sinh ba, cả gia đình chị Huỳnh T. M., ở Gia Lai vui mừng không kể xiết. Nhưng niềm vui đã không trọn vẹn khi kết quả sàng lọc lúc mang thai cho kết quả cả ba con đều mắc bệnh khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh. Những đêm dài, chị M. chỉ biết nuốt nước mắt vào trong vì các con không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Sinh ba đã hiếm, mà cả ba con đều bị mắc bệnh khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh có lẽ là trường hợp hy hữu không có trường hợp thứ hai.
|
Sau giây phút căng thẳng là niềm hạnh phúc vỡ òa |
Những ngày thăm khám thai, biết được thông tin Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế sẽ phối hợp với các tổ chức nước ngoài phẫu thuật cho các bệnh nhân bị mắc bệnh khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh, chị M. liền đăng ký cho các con, khi đang còn trong bụng mẹ. Lúc các con được 4 tháng tuổi, thời điểm đủ điều kiện về thời gian, cân nặng, các con được đưa vào phòng phẫu thuật. Đứng bên ngoài phòng phẫu thuật, người mẹ chỉ biết cầu nguyện cho ba con phẫu thuật thành công. Sau khoảng thời gian được xem dài vô tận đó, sau khi các con được đưa vào phòng hồi sức và chăm sóc đặc biệt, cả gia đình đã được vào thăm.
“Đó là cả sự ngỡ ngàng, không tin vào chính mắt mình. Trước khi vào phòng phẫu thuật, hình ảnh các con hoàn toàn khác, khi nhìn thấy con sau phẫu thuật, hai dòng nước mắt hạnh phúc cứ chảy mãi không ngừng. Vậy là các con đã có khuôn mặt bình thường như bao trẻ em khác. Tôi cứ nắm chặt lấy tay chồng, rồi quay sang hỏi chồng liên tục: Có thật là các con mình không anh?”, chị M. xúc động nhớ lại.
|
Cố lên con nhé! |
Lê T. T. N. (Thừa Thiên Huế) bị khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh. Lúc nhỏ đã được phẫu thuật 2 lần. Con của N. năm nay được 3,5 tuổi bị mắc bệnh giống mẹ và cũng đã tiến hành phẫu thuật 2 lần. Tuy nhiên, qua các đợt phẫu thuật, cả mẹ và con N. đều không đạt thành công, dị tật vẫn còn rõ và để lại nhiều vết sẹo trên khuôn mặt. Ngày đưa con đến khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế theo chương trình hợp tác nước ngoài, thấy người mẹ cũng bị dị tật, nên các bác sĩ đã tư vấn phẫu thuật cho cả hai mẹ con.
Sau 3 tháng, tình cờ gặp gia đình N. cùng dạo chơi trong những ngày nắng đông ấm áp của tháng 12 tại đồi Vọng Cảnh. Cả gia đình nói cười vui vẻ, hạnh phúc làm sao. Vậy là ca phẫu thuật cho hai mẹ con đã thành công mỹ mãn. Giọng nói của N. giờ đã rõ ràng. Mỗi khi thấy cô gái này nhìn cậu con trai cười, khuôn mặt lộ rõ sự tươi tắn, dễ thương dưới cái nắng chiều chiếu qua khuôn mặt ấy.
Sau gần 3 tháng kể từ ngày phẫu thuật, nụ cười đã xuất hiện, quay trở lại và sẽ tiếp diễn vào mỗi ngày trong nhiều ngôi nhà nhỏ. Nơi mà chỉ ít tháng trước thôi, còn đó không khí nặng nề, đôi lúc đến nỗi ngột ngạt. Tương lai đã thêm một lần nữa được mở ra đối với các em. Tương lai ấy có một phần được chắp nối bởi những đôi tay “thiên thần” của các bác sĩ Việt Nam cùng với các bác sĩ nước ngoài.
|
Bác sĩ nước ngoài ân cần trấn an bệnh nhi trước khi phẫu thuật |
Qua âm thanh từ điện thoại, có thể nghe rõ mồn một tiếng khóc đòi mẹ của các con chị Huỳnh T. M. Sau khi dỗ dành con xong, chị M. chia sẻ, gia đình tôi ở tận Gia Lai, kinh tế cũng không khá giả lắm. May mà toàn bộ chi phí phẫu thuật, nằm viện trong khoảng thời gian ở Huế đều được miễn phí hoàn toàn. Gia đình chỉ biết nói lời cảm ơn tận đáy lòng những bác sĩ, các tổ chức, bệnh viện hỗ trợ, đã mang nụ cười trở lại cho các con. Mong rằng, sẽ có thêm thật nhiều những trường hợp bị dị tật khác cũng được phẫu thuật miễn phí như các con chị.
Đại diện Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế cho biết, trong năm 2023, nhà trường và bệnh viện trường đã phối hợp với các tổ chức tiến hành 2 đợt phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng cho các bệnh nhân. Trong tháng 9/2023 là phối hợp với tổ chức Operation International và Design Capital Asia phẫu thuật cho 40 trẻ được chẩn đoán khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh, cũng như các khiếm khuyết sau phẫu thuật như sẹo xấu môi, biến dạng môi mũi đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trước đó, trong tháng 7/2023, đơn vị phối hợp với đoàn chuyên gia từ Trường đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc và các Trường đại học và cơ sở điều trị nha khoa đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành phẫu thuật cho hơn 30 trẻ bị các dị tật.
|
Nhiều kỹ thuật mới được áp dụng đã mang lại hiệu quả cao sau phẫu thuật |
TS. Mai Bá Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu khoa học - Đối ngoại - Đào tạo, Bệnh viện Trường đại học Y – Dược nhớ lại, đợt phẫu thuật trong tháng 9/2023, điều đặc biệt là đã triển khai phẫu thuật sớm cho các trẻ nhỏ 10 tuần tuổi theo tiêu chuẩn phẫu thuật quốc tế cho trẻ bị khe hở môi - vòm miệng, nhiều kỹ thuật phẫu thuật mới được áp dụng đã mang lại kết quả thẩm mỹ tốt cho trẻ. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã phẫu thuật thành công cho trường hợp hy hữu 3 trẻ sinh ba cùng bị dị tật trong một gia đình; phẫu thuật cùng lúc cho cả mẹ và con. Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bệnh nhân sau phẫu thuật đều phục hồi tốt, mang lại nụ cười, niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến cho các trẻ không may mắn, gia đình trẻ, cũng như cho chính đội ngũ nhân viên y tế.
|
Lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế gặp gỡ các chuyên gia trong dự án hợp tác |
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế khẳng định, những hợp tác để phẫu thuật cho các bệnh nhân dị tật hở môi - vòm miệng vừa qua là nền móng cho sự hợp tác lâu dài trong tương lai của trường, bệnh viện trường, không chỉ là phẫu thuật về bị khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh, mà còn là các chuyên ngành khác, như Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực, Tiết niệu, Tiêu hóa, Thần kinh, Tim mạch… Đó như là sứ mệnh và sứ mệnh ấy sẽ được tiếp tục để mang lại lợi ích cho thêm các bệnh nhân, cộng đồng. Đó cũng là sứ mệnh của những người thầy thuốc phải làm.
Nội dung: ĐỨC QUANG
Ảnh: QUANG SANG - BV Trường đại học Y - Dược
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN