Được mệnh danh là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của cả nước, Thừa Thiên Huế hiện còn lưu giữ hàng vạn hiện vật, cổ vật trong đó có nhiều cổ vật đặc biệt quý hiếm được xếp hạng bảo vật quốc gia. Thế nhưng một thực tế đáng buồn khi việc đầu tư cho bảo tàng – một thiết chế văn hóa quan trọng vẫn còn sơ sài dẫn đến rất nhiều khó khăn, trở ngại trong phát huy giá trị của hiện vật, cổ vật.
Trong số những bảo tàng công lập tại Huế hiện nay, phần nhiều rơi vào cảnh ở nhờ, thậm chí có bảo tàng đến nay vẫn chưa có không gian trưng bày dù đã thành lập khá lâu, với số lượng hiện vật được các chuyên gia đánh giá rất giá trị, tạo nên bản sắc của vùng đất kinh đô xưa.
Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với Huế đã đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và đề nghị: Lập dự án xây dựng bảo tàng, trả lại không gian cho di tích.
|
|
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện "tạm trú" tại di tích điện Long An |
Tính đến thời điểm hiện tại, Huế có 5 bảo tàng công lập. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có trụ sở đáp ứng đầy đủ chức năng trưng bày, các bảo tàng còn lại rơi vào tình cảnh “ở trọ” hoặc đã được thành lập nhưng vẫn chưa biết không gian “là chốn nơi nào”!
Một không gian đúng nghĩa, đáp ứng đầy đủ chức năng trưng bày là chuyện mà nhiều lãnh đạo bảo tàng chưa bao giờ thôi nghĩ tới. Nhưng đến khi nào có được không gian ấy thì họ chưa thể trả lời.
Một ngày hè, cuối tháng 7, chúng tôi theo chân nhóm du khách từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế tham quan. Sau khi đi nhiều lăng tẩm, đền đài, nhóm du khách này quyết định đến tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế nằm bên trong kinh thành cổ kính, vì nghe tiếng nơi này trưng bày rất nhiều cổ vật quý hiếm liên quan đến vương triều nhà Nguyễn.
Nhật Quang, một người gốc Huế sống ở TP. Hồ Chí Minh là thành viên trong nhóm du khách đã không khỏi trầm trồ, choáng ngợp trước khối kiến trúc gỗ đồ sộ, được chạm khắc tinh xảo bên trong điện Long An và cũng là không gian chính của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Đó là ngôi điện có tuổi đời cả trăm năm, được cấu thành bởi hơn 100 cây cột bằng gỗ lim quý và được giữ gìn gần như nguyên vẹn sau bao cuộc bể dâu, biến cố trên vùng đất kinh đô xưa.
“Thật tiếc là vì không gian bên trong ngôi điện này quá chật hẹp nên không thể trưng ra hết những cổ vật quý mà bảo tàng đang lưu giữ. Tôi nghe giới thiệu rằng bảo tàng này còn giữ hơn 11.000 hiện vật gắn liền với triều Nguyễn xưa….”, anh Quang tỏ ra tiếc nuối.
Điều anh Quang tiếc nuối cũng là nỗi niềm chung của nhiều du khách, giới nghiên cứu văn hóa cũng như nhiều chuyên gia, người làm công tác quản lý bảo tồn, bảo tàng.
Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cho biết, hiện vật do đơn vị quản lý không chỉ trưng bày ở điện Long An mà còn trưng bày ở toàn bộ các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Bản thân điện Long An là một di tích và đang tận dụng để trưng bày cổ vật.
Bà Vân khẳng định, không gặp trở ngại trong việc quản lý một số lượng lớn cổ vật, mà cái khó là phải làm công tác chuyên môn trong một không gian thiếu chuyên nghiệp. Ngôi điện làm bằng gỗ, cửa không đủ kín để lắp đặt hệ thống máy điều hòa nhiệt độ. Có nơi thì mưa gây ẩm mốc, nắng nóng thì chiếu trực tiếp từ bên ngoài vào thẳng hiện vật.
Kho lưu trữ hiện vật cũng không còn đủ chuẩn dẫn đến một số hiện vật trong kho gần như không thể lấy ra, bởi nếu lấy thì sẽ gây đổ sập những cổ vật khác được xếp chồng lên nhau. “Để cải thiện được việc đó vấn đề đặt ra cần phải có không gian lý tưởng”, bà Vân nói và cho biết hầu hết hiện vật đang quản lý trên 100 năm tuổi.
Cách Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế vài chục mét đường chim bay, trụ sở và là nơi trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi phải “tạm trú” ở Di tích Quốc Tử Giám (hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993) trên đường 23 Tháng 8 nhìn thẳng ra hướng Nam của Kinh thành Huế.
|
|
Di tích Quốc Tử Giám là nơi Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế "tạm trú" hàng chục năm qua |
Bảo tàng này có gần 32.000 hiện vật, đa số được lưu giữ trong kho đang bị xuống cấp, hư hỏng và chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi đối mặt với mưa bão, khí hậu khắc nghiệt.
Dù đã có kế hoạch di dời, nhưng đến thời điểm này chỉ dừng lại ở việc di chuyển một số hiện vật là các chiếc xe tăng, máy bay từng trưng bày ở trước khoảng sân lớn về một địa điểm trên đường Điện Biên Phủ, TP. Huế.
Đáng chú ý, khi một ngôi nhà bên trong không gian Quốc Tử Giám đã bị cháy vào tháng 8/2022, mặc dù đã khống chế kịp nhưng hệ thống mái, kèo chịu lực đã bị lửa thiêu cháy khiến một phần mái khu nhà này bị sụp xuống. Hiện trường đến nay vẫn ngổn ngang…
Nằm ở bờ Nam sông Hương, Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập năm 2018 và hiện vẫn rất ưu tư. Bảo tàng này bao gồm ba không gian: Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị.
Không như hai không gian trưng bày Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị đã “yên bề gia thất” ở hai vị trí đắc địa trên đường Lê Lợi – một trong những tuyến đường sang trọng bậc nhất Huế, thì Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật vẫn “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”.
Từng có nhiều phương án cho Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Ưu tiên nhất vẫn là trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại (trong trường hợp trụ sở này chuyển về địa điểm mới) hay chăng là địa điểm số 23 – 25 Lê Lợi (trụ sở của Bảo tàng Văn hóa Huế trước kia và nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế). Có thời điểm, số 10 đường Lý Thường Kiệt cũng nằm trong tầm ngắm và đã khiến giới yêu hội họa cố đô mừng vui “đâu cũng được, miễn có chỗ treo tranh”.
Không khỏi ngậm ngùi khi nói về chuyện này, bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho hay, dù rất băn khoăn, nhiều lần đề xuất với các cấp ngành về trụ sở để trưng bày, phát huy các tác phẩm mỹ thuật nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh, chỉ biết trông chờ. “Nhiều lúc mấy anh em nghệ sĩ hỏi “sao lâu có nơi treo tranh vậy?”, rồi “bảo tàng chi mà hữu danh vô thực”, tôi cũng không biết ăn nói sao”, bà Trai nhớ lại.
Đáng nói hơn, dù chưa có không gian trưng bày, nhưng hàng năm bảo tàng được cấp kinh phí khoảng 2-3 tỷ đồng/năm để sưu tập tác phẩm mỹ thuật. Và hơn 60 tác phẩm sưu tập được rồi thì… cất kho. “Chúng tôi chỉ biết bảo quản, lưu trữ. Mong một ngày gần nhất khi có không gian sẽ trưng bày. Với tình cảnh này, thật lòng cảm thấy có lỗi với tác giả, tác phẩm và công chúng”, bà Trai tâm sự.
Nếu mong muốn một không gian, nằm ở vị trí nào? Trước câu hỏi đó, bà Trai thật lòng - rằng đó là một địa điểm nằm trên “tuyến phố bảo tàng” Lê Lợi. Theo lý giải của bà Trai, vì nó vừa nằm cạnh hai không gian Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, vừa gần với rất nhiều không gian văn hóa cạnh đó. “Tuy nhiên việc này còn phải chờ, còn được hay không thì chưa thể trả lời”, bà Trai đau đáu.
Tương tự, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung dù được thành lập đã 14 năm nhưng vẫn chưa có trụ sở chính thức. Những ngày đầu, bảo tàng được bố trí một phòng bên trong Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế và từ năm 2016 đến nay tạm “ở nhà” tầng 2 tòa nhà thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Thừa Thiên Huế (phường Vỹ Dạ, TP. Huế).
Nhìn nhận thực trạng mà các bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh phải đối mặt, TS. Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) không giấu được vẻ lo ngại, vừa tiếc thầm cho Huế.
Khách quan để đánh giá, TS. Giang cho rằng các bảo tàng của tỉnh có số lượng hiện vật, tư liệu hết sức đồ sộ, phong phú, độc đáo và giàu bản sắc. Điều này không phải địa phương nào cũng có được. Tiếc thay, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, còn lúng túng trong việc bố trí, di dời một số bảo tàng sang địa điểm mới như Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. “Việc này cần giải quyết nhanh chóng, rốt ráo. Một khi bảo tàng “an cư” thì mới có thể tính đến chuyện “lạc nghiệp” được”, TS. Giang nêu quan điểm.
Nhắc đến câu chuyện bảo tàng công lập đang đối mặt với thực trạng hiện nay, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đi thẳng vào vấn đề - rằng đó là một câu chuyện buồn khó diễn tả của đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo tàng.
Dù là vùng đất văn hóa, di sản và là trung tâm lớn của đất nước, thế nhưng theo ông Hải, hàng chục năm qua, các thiết chế văn hóa lại ít được quan tâm đầu tư. So sánh với nhiều tỉnh thành khác, Huế không phải đang mà đã bị bỏ lại khá xa trong việc đầu tư thiết chế bảo tàng.
Dẫn chứng điều này, ông Hải lấy ví dụ, Quảng Trị 20 năm về trước đã đầu tư 30 tỷ đồng (số tiền quá lớn ở thời điểm bấy giờ) để xây Bảo tàng Quảng Trị, hay Quảng Bình đã xây dựng một bảo tàng khá bài bản 15 năm về trước.
“Chúng ta hay nói câu chuyện phát huy giá trị di sản chưa đúng tầm, chưa phát huy hết tiềm năng. Nhưng chúng ta không đầu tư, không có thiết chế thì làm sao phát huy được”, ông Hải thẳng thắn.
Vì thế, với tư cách là “tư lệnh” ngành văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hải kiến nghị trong chiến lược khi tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa Huế, nhất thiết phải có sự đầu tư xứng đáng cho thiết chế văn hóa, trong đó bảo tàng phải được ưu tiên. Dĩ nhiên, bên cạnh bảo tàng công lập còn có bảo tàng ngoài công lập.
Theo một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, dù được quan tâm nhưng câu chuyện đáp ứng nhu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho bảo tàng công lập đang gặp một số khó khăn. Muốn xây dựng bảo tàng cần phải có nguồn lực tốt, cách tiếp cận tốt thì mới phát huy được giá trị bảo tàng.
Trở lực dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư vào các bảo tàng, theo vị này, đó chính là nguồn lực kinh tế. Do vậy, tỉnh kỳ vọng thời gian tới, việc đầu tư vào các thiết chế bảo tàng ở Huế, đặc biệt là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sẽ nằm trong nguồn kinh phí thực hiện Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Ngoài ra, trong dịp làm việc với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tỉnh có đề nghị việc đưa hợp tác công tư trên lĩnh vực di sản văn hóa vào luật. Chỉ tận dụng được nguồn lực của xã hội thì mới có thể bảo tồn, tận dụng hiệu quả và phát huy hết giá trị của các di tích, di sản.