Bước qua định kiến về giới, nữ cán bộ không chuyên trách thôn bản như những “nốt son” nổi bật với nhiều đóng góp cho cộng đồng 5 dân tộc anh em vùng cao A Lưới. Qua tháng năm, bước chân của họ vẫn miệt mài không mỏi trên dãy Trường Sơn, làm tròn sứ mệnh người “công bộc” của dân
|
Chị Hồ Thị Đoan, Trưởng thôn A Tia 2 hỏi han năng suất lúa của người dân sau chuyển đổi giống mới
|
Dân gian có câu: “Sâu rễ, bền gốc” không đơn thuần nói về kỹ thuật trồng cây mà còn hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa trong việc “trồng người”. Cán bộ không chuyên trách (CBKCT) tựa như rễ cây bám vào lòng dân; ngoài sự nỗ lực bản thân, đội ngũ này cần được chăm lo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Xã Quảng Nhâm ra đời trên cơ sở sáp nhập hai xã Hồng Quảng và Nhâm. Dân số đông và kinh tế còn khó khăn so với các địa bàn khác nên cán bộ địa phương gặp nhiều áp lực trong công việc. Theo bà Hồ Thị Thủy, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Nhâm, trước đây, tư tưởng trọng nam khinh nữ khá nặng nề, nhiều chị em phải bỏ dở việc học, phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Việc bố trí nữ CBKCT thôn bản còn liên quan đến trình độ bằng cấp, vì vậy, các chị đã nỗ lực khắc phục, khẳng định mục tiêu, vị trí của bản thân.
Một trong những người được bà Thủy khen ngợi có ý chí là chị Hồ Thị Hè, Trưởng thôn Âr Bả Nhâm. Năm 2005, chị Hè lập gia đình và tham gia công tác của phụ nữ thôn, xã. Khi bắt đầu làm “cán bộ”, yêu cầu công việc và nhận thức tầm quan trọng của kiến thức thúc giục cô gái người Tà Ôi trở lại học giáo dục thường xuyên để hoàn thành chương trình phổ thông trung học. Tiếp đó, sau 5 năm học ngành Luật theo hình thức đào tạo từ xa của Đại học Đà Nẵng, năm 2017, chị Hè lấy được tấm bằng cử nhân. Dù muộn màng nhưng với chị, nó thể hiện của ý chí và nghị lực, vượt qua muôn vàn rào cản của quan niệm, hủ tục.
|
Từ kiến thức học được, chị Hè cụ thể hóa việc triển khai các chính sách chủ trương về tận dân bản
|
Theo phong tục truyền thống người Tà Ôi, phụ nữ khi đã lấy chồng phải có trách nhiệm sinh con nối dõi, chăm sóc gia đình chồng, lo toan nhà cửa, làm nương rẫy. “Nhà chồng không đồng ý cho mình đi học, họ hàng bên chồng cũng ngăn cản quyết liệt. Con cái ốm đau, việc thì nhiều, không kiếm đâu ra tư liệu làm bài tập, đi lại cách trở khó khăn, mạng wifi vùng biên giới khi có khi không… Mình đơn độc trong hành trình đi tìm con chữ”, chị Hè rơm rớm nước mắt giọng hờn tủi.
Không thua kém người bạn của mình, chị Hồ Thị Tha, Trưởng ban Mặt trận thôn A Hưa, Quảng Nhâm cũng có một hành trình chinh phục kiến thức gian nan không kém. Năm đầu tiên nhập học ngành cử nhân Luật hệ từ xa cũng là lúc chị Tha vừa sinh con thứ hai. “Người ở trên lớp, bụng dạ để ở nhà lo con đói không có sữa bú, đầu óc cứ nghĩ mình phải trồng thêm nhiều sắn để có tiền nộp học phí và mua sữa cho con”, chị nhớ lại xót xa.
|
Chị Hồ Thị Tha vượt qua nhiều khó khăn để có bằng đại học, phục vụ tốt hơn công việc ở thôn A Hưa
|
Với khoản học phí mấy mươi triệu đồng cho 5 năm học là áp lực lớn hơn hết thảy khiến chị Tha luôn canh cánh trong lòng. Có khi về huyện học tập trung, xăng xe gần hết, túi không có một đồng. “Ôi chao, nghĩ lại chặng đường đó không hiểu sao mình lại vượt qua được”, chị Tha thốt lên khi ngược ký ức về hành trình hơn chục năm trước. Tấm bằng quá giá trị và ý nghĩa với nữ cán bộ mặt trận thôn A Hưa. Đến giờ, chị vẫn còn trả những khoản nợ vay mượn đóng học phí cho tấm bằng trả giá bằng nhiều gian truân.
Là Phó Giám đốc HTX dèng có tiếng ở A Lưới, chị Tha có nhiều công sức cổ vũ, động viên chị em trong thôn theo nghề này giữ truyền thống văn hóa và kiếm thêm thu nhập. Nghề dệt Dèng A Lưới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời cũng nằm trong 13 làng nghề tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài.
|
Chị Tha (ngoài cùng đầu tiên bên trái) tham gia khóa tập huấn bán dèng qua facebook tại A Lưới. Kỹ năng này giúp nhiều cán bộ nữ quảng bá sản phẩm truyền thống địa phương hiệu quả
|
Với tổ dệt dèng, việc quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm truyền thống nổi tiếng của người Tà Ôi. Chị đăng ký tham gia một số lớp tập huấn rồi nhờ các bạn trẻ hướng dẫn cách chụp ảnh, quay phim, báo giá cả… HTX có những đơn hàng mới vượt ra ngoài tỉnh, thậm chí dèng của chị em Quảng Nhâm còn được mua phục vụ thiết kế thời trang đưa ra nước ngoài. “Ban đầu nghĩ mình già rồi, khó mà dùng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhưng chừ thì biết cách rồi. Cũng phải nỗ lực để dèng bán được giá, chị em có thêm công ăn việc làm”, chị Tha chia sẻ.
Không chỉ nâng cao kiến thức, các chị còn nỗ lực nâng cao kỹ năng phục vụ công việc, hoàn thiện bản thân. Những nhóm nữ cán bộ thôn bản trẻ, nhanh nhạy ở xã A Ngo tự tìm hiểu, hướng dẫn cho nhau cách lập nhóm trên mạng xã hội điều hành, trao đổi công việc; đồng thời quảng bá văn hóa du lịch và lan tỏa động phong trào trên địa bàn.
|
Để hòa nhập, gần gũi với dân bản, chị Hồ Thị Trình (thứ hai bên trái qua) học tiếng của đồng bào các dân tộc
|
Xã A Ngo có 6 thôn nhưng sử dụng tới 7 thứ tiếng vùng miền khác nhau. Riêng ở Pâr Nghi, bà con sử dụng 3 thứ tiếng. Chị Hồ Thị Trình từ xã Hồng Thái (A Lưới) về làm dâu, rồi làm trưởng thôn nên tự mày mò học tiếng của các dân tộc khác nhằm nắm bắt tình hình, gần gũi với người dân hơn. Thời buổi công nghệ lên ngôi, việc điều tra, thống kê theo bảng, biểu mẫu buộc nữ CBKCT phải tiếp cận các phần mềm và sử dụng công nghệ thành thạo. Ban ngày làm việc, buổi tối chị nhờ các con kèm cặp, hướng dẫn rồi tự mình ôm máy tính thao tác. Có lúc làm online cùng nhóm, chị mệt quá thiếp đi bên máy tính, mãi đến lúc gà gáy sáng mới tỉnh dậy.
Vốn là vùng ĐBDTTS còn nhiều khó khăn, để đạt mục tiêu đưa A Lưới ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước, cần triển khai nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo. Các nữ CBKCT đã thể hiện tinh thần tiên phong trong lao động sản xuất, cổ vũ phong trào “Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo”, chung tay phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm truyền thống).
|
Một buổi trao đổi kinh nghiệm triển khai công việc của Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Ngo - Hồ Thị Than với các nữ cán bộ không chuyên trách
|
Ở xã Quảng Nhâm, ngoài tận tâm với phong trào, chị Nguyễn Thị Mười còn là tấm gương lao động sản xuất giỏi. Bên cạnh trồng rừng, trên mảnh đất vườn 300m2, chị làm chuồng trại nuôi lợn cùng hàng trăm con gà, ngan, ngỗng. Từ số tiền bán gia súc gia cầm, chị vay thêm ngân hàng đầu tư tái sản xuất. “Mình vẫn chưa giàu mô nhưng đời sống khá hơn trước nhiều. Mình muốn chứng minh cho bà con thấy phải bỏ công sức, nỗ lực mới có thành quả. Làm cán bộ thôn phải thoát nghèo kẻo nói làm răng dân nghe được”, người phụ nữ ngoài 40 tuổi xởi lởi.
|
Làm kinh tế giỏi, chị Mười còn hỗ trợ con giống giúp nhiều hộ dân trong thôn phát triển chăn nuôi
|
Hiệu quả kinh tế thấy rõ, kinh nghiệm sản xuất nắm chắc, chị lập nhóm chăn nuôi với hơn 30 hộ dân khác cùng giúp nhau triển khai mô hình. Từ những con giống đầu tiên được hỗ trợ, gia đình Hồ Văn Nhức, Hoàng Văn Phí, Nguyễn Thị Nghị… dần gầy dựng, phát triển đàn gia cầm. Với chị em phụ nữ khác, chị lập nhóm tiết kiệm nuôi heo đất tạo nguồn vốn mỗi năm thêm 5-7 triệu đồng phục vụ kinh doanh nhỏ hoặc mua sắm vật dụng cho gia đình.
Dựa trên đặc thù địa bàn, chị Hồ Thị Sao, Trưởng thôn Pât Đuh, Quảng Nhâm cho rằng, phải tìm kiếm thêm mô hình mới. Dùng nguồn vốn sinh kế từ dự án, chị cùng nhóm 10 hộ khác triển khai thí điểm nuôi cá nước ngọt trên diện tích mặt hồ 400m2 . Việc theo dõi, cho ăn, vệ sinh sẽ quay vòng theo từng lượt. Cách làm này vừa tận dụng nhân lực vừa giúp đào tạo, chuyển giao kiến thức trực tiếp cho từng người để sau này họ có thể độc lập xây dựng mô hình riêng.
|
Trưởng thôn Pât Đuh (giữa) theo dõi tình hình cá tại hồ nuôi của các nhóm hộ
|
Dặn lòng phải làm những điều có lợi cho dân, đưa kiến thức sản xuất mới về tận… ruộng, chị Hồ Thị Đoan, Trưởng thôn A Tia 2 tiên phong trồng và thuyết phục bà con bỏ giống lúa cũ vì năng suất thấp. Với cách trò chuyện tỉ tê, mưa dầm thấm lâu, giai đoạn 2022-2023, người dân trong thôn chấp nhận chuyển hoàn toàn sang giống lúa mới. Chị Đoan còn mạnh dạn trồng thử nghiệm lúa Ra dư (giống lúa truyền thống đặc trưng của dân tộc Tà Ôi và Pa Kô – một sản phẩm OCOP của A Lưới) trên ruộng cạn. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, thường được dùng trong các dịp lễ lớn, giá bán Ra dư trên thị trường 25.00-30.000 đồng/kg. Trong quá trình canh tác, chị ghi chép tỉ mỉ, làm cơ sở cho một “dự án” nho nhỏ phục vụ nhân rộng mô hình trong tương lai.
Theo quy định của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, mức phụ cấp cho các chức danh CBKCT thôn bản, tổ dân phố hưởng hệ số từ 1,5 -1,9 lần mức lương cơ sở/ tháng đối với đơn vị hành chính cấp xã khu vực biên giới; áp dụng hệ số từ 1,0 -1,3 lần mức lương cơ sở/ tháng. Với khoản “thu nhập” như đã nêu, nữ CBKCT phải xoay xở làm thêm nhiều việc để ổn định cuộc sống.
|
Nữ trưởng thôn A Tia 2 với mô hình trồng thử nghiệm lúa Ra dư trên cạn
|
Trẻ trung, năng động, chị Hồ Thị Tường ở A Ngo tham gia dịch vụ ẩm thực cưới hỏi, một mô hình chiếm ưu thế của phụ nữ xã. Chị Hồ Thị Trình thì phát triển nuôi gà, nuôi heo tạo thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. “Mình nhớ lời Bác dạy, làm cán bộ thôn cũng phải nêu gương mọi lúc, mọi nơi: Nêu gương về hoạt động, nêu gương về phong trào, nêu gương cả trong làm kinh tế, học tập nữa. Thôn mình có 10 hộ người Kinh, mình bảo đồng bào học người Kinh cách làm ăn, chi tiêu tiền bạc, đầu tư cho học hành. Nhìn ai cũng thấy cái hay, cái giỏi để học hỏi mới tiến bộ được”, chị Trình lý giải “bí quyết” vươn lên thoát nghèo.
Đánh giá về sự năng động của đội ngũ nữ CBKCT, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhận xét: “Lực lượng này đang trẻ hóa (bình quân 30-40 tuổi) và nhận được sự tín nhiệm cao trong các cộng đồng dân tộc. Các chị là người chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, lan tỏa các mô hình gắn với chủ trương giảm nghèo, đặc biệt là tham gia chuỗi liên kết sản xuất đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. Từ đôi tay các cán bộ nữ này, bò một nắng, trâu gác bếp, thịt lợn bản xông khói, gạo Ra dư, nếp than, dệt dèng… ra đời, dần có chỗ đứng trên thị trường”.
|
|
Nhắc đến nữ CBKCT thôn bản, cụm dân cư, ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới có thể kể vanh vách những cái tên để lại ấn tượng như Hồ Thị Trình, Nguyễn Thị Mười, Hồ Thị Tường, Hồ Thị Tha… Theo ông Giang, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, A Lưới có sự quan tâm đặc biệt với cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là ĐBDTTS… Ngoài tổ chức bồi dưỡng, đào tạo các cán bộ, Huyện ủy còn chỉ đạo tuyến cơ sở quy hoạch những “hạt giống” này. “Họ là người đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần người dân. Bồi dưỡng, chăm cho lực lượng này cũng như bồi đắp cho cây cầu nối với dân thêm chắc chắn, vững bền”, ông Hồ Đàm Giang khẳng định.
Tỷ lệ nữ CBKCT cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh là niềm tự hào của huyện vùng cao A Lưới. Đặc biệt ở vùng ĐBDTTS, việc cán bộ nữ tham gia tổ chức, điều hành hoạt động quan trọng tại địa phương là một “cuộc cách mạng” ấn tượng. “Trước đây, chặt buồng chuối mang đi bán, làm việc gì trong nhà cũng phải xin ý kiến người chồng thì nay họ đường hoàng bày tỏ quan điểm, điều hành hoạt động, phổ biến các chủ trương chính sách ở khu dân cư”, ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới dẫn chứng cho sự thay đổi vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng.
|
Chia sẻ cách dùng mạng xã hội và kỹ năng phát huy các giá trị văn hóa địa phương
|
Ông Quảng đánh giá đây là những người có uy tín, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao. Đội ngũ cán bộ này đóng vai trò quan trọng, quyết định thành bại trong quá trình triển khai các chính sách, chủ trương Đảng và Nhà nước ở cơ sở. Trong định hướng quan tâm bồi dưỡng cán bộ nữ DTTS, ông Quảng dẫn chứng: “Huyện ủy A Lưới đã ban hành Nghị quyết 07 về nâng cao chất lượng cán bộ ĐBDTTS giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu thực tế, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, tỷ lệ cán bộ nữ; tạo điều kiện đào tạo chuyên môn, công tác Đảng cho lớp cán bộ này. Đây cũng là kinh nghiệm được nhiều địa phương có đông ĐDTTS đến tham quan, học tập”.
Nhìn dưới góc độ giới, bà Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới cho hay, từ năm 2010 trở đi, khi thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về ‘Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước’, A Lưới đã có nhiều phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo ở một số địa phương. Họ là tấm gương, đồng thời truyền cảm hứng và niềm tin cho các chị em khác khi đảm nhận nhiệm vụ tại thôn, bản, khu phố.
|
Bàn bạc phương pháp truyền thông cộng đồng hiệu quả tại các lớp tập huấn
|
“5 năm trở lại đây, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; giáo dục phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Trong định hướng sắp tới, Hội LHPN huyện sẽ tham vấn tổ chức tập huấn về đối thoại, tuyên truyền cho các nữ CBKCT nhằm giúp các chị tăng cường kỹ năng, kiến thức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, bà Tường thông tin.
|
Nhiều nét đẹp truyền thống được giữ gìn, lan tỏa nhờ nỗ lực của nữ cán bộ không chuyên trách ở A Lưới
|
Bằng sự từng trải và đồng cảm sâu sắc, bà Kê Sửu, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy A Lưới cho rằng, kết quả nói trên là sự nỗ lực không ngừng của các chị ở vai trò làm vợ, làm mẹ và vai trò của những cán bộ vì dân trong hệ thống chính trị cơ sở. “Việc cộng đồng nhìn nhận, đánh giá cao là nền tảng quan trọng giúp phụ nữ ĐBDTTS tự tin, phát triển. Tuy nhiên, muốn có một vị trí cao hơn, bền vững hơn, họ cần thường xuyên rèn luyện trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác. Gia đình, người thân phải tạo điều kiện giúp các chị hoàn thành nhiệm vụ; cộng đồng ghi nhận khách quan, toàn diện về sự đóng góp bằng công việc mà nữ CBKCT nỗ lực đạt được”, bà Sửu nói.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ vùng cao A Lưới trong chuyến làm việc tại cơ sở
|
Ấn tượng với các nữ cán bộ thôn bản vùng cao qua các chuyến kiểm tra Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: "Có được những người tâm huyết, trách nhiệm, năng nổ như thế ở cơ sở rất đáng quý. Nơi nào cán bộ làm tốt, phong trào sẽ mạnh, người dân sẽ hưởng ứng tích cực. Cán bộ như những hạt giống; công tác Đảng cũng giống như người làm vườn, phải chọn lọc, vun xới, ươm trồng 'hạt giống đỏ' này mới tạo ra những cái cây có giá trị trong tương lai”.
Nội dung: TUỆ NINH - BẠCH CHÂU
Ảnh: LINH TUỆ - PHAN THẮNG
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN