Bước qua định kiến về giới, nữ cán bộ không chuyên trách thôn bản như những “nốt son” nổi bật với nhiều đóng góp cho cộng đồng 5 dân tộc anh em vùng cao A Lưới. Qua tháng năm, bước chân của họ vẫn miệt mài không mỏi trên dãy Trường Sơn, làm tròn sứ mệnh người “công bộc” của dân
|
Cán bộ thôn Âr Bả Nhâm, xã Quảng Nhâm chuẩn bị về thực tế nhà dân sau phiên họp
|
Trong số 285 cán bộ không chuyên trách thôn bản, tổ dân phố ở huyện vùng cao A Lưới, có 79 người là nữ, chiếm 27,7%, đứng tốp đầu ở Thừa Thiên Huế. Nếu chỉ tính riêng chức danh trưởng ban công tác mặt trận, tỷ lệ nữ chiếm 40%. Con số vàng này là “cuộc cách mạng” về giới ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời ghi nhận những cống hiến của đội ngũ này trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hơn 90% nữ cán bộ không chuyên trách (CBKCT) thôn bản mang họ Hồ (tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại A Lưới. Sống trên vùng đất cách mạng anh hùng, mang niềm tự hào “có Bác” trong mỗi con người, họ đã nỗ lực vươn lên gắn kết, phục vụ cộng đồng. Đây là nhóm cán bộ cơ sở gánh nhiều công việc nhất từ chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi sản xuất cho đến phòng chống dịch bệnh, hòa giải cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, thu các loại phí công ích…
Để có những cuộc hẹn với nhân vật chính, chúng tôi phải đi nhiều lần mới gặp được người trong cuộc bởi họ đảm nhiệm muôn vàn công việc họp hành, đi cơ sở. Có lúc đến nơi xong đành quay về vì trưởng thôn đi phụ đám tang giúp hộ khó khăn theo phong tục đồng bào.
Chị Hồ Thị Trình người Pa kô, Trưởng thôn Pâr Nghi, xã A Ngo từng 15 năm làm CBKCT. Nhắc lại kỷ niệm, chị không quên tháng ngày đi qua gian nan, vất vả chất chồng. Trước ngực địu đứa nhỏ, sau lưng địu con lớn bất kể nắng mưa, sáng tối, đến từng nhà thu tiền đóng góp công ích. Huy động công sức giúp các hộ neo đơn, một mình chị gùi 60-70kg củi từ rẫy về nhà. Số củi ấy lớn hơn cả trọng lượng cơ thể nhưng chị Trình vẫn gắng sức thể hiện tấm lòng sẻ chia với dân bản. Vất vả từ bé, đôi vai người phụ nữ 38 tuổi này chai sạn theo tháng năm gồng gánh. Hỏi sức đâu mà kham việc dữ rứa? Chị cười lạc quan: “Chịu khổ quen rồi ớ! Gian nan đo lòng người thôi. Người nghèo được an ủi, vui vẻ thì sự nỗ lực của mình xứng đáng. Đời nhiều khi vậy mà ‘xanh’ thêm đôi chút ”!
|
Chị Hồ Thị Trình cùng chị em gom củi chuẩn bị cho hoạt động lễ hội và rà soát tuyến đường xanh, sạch, sáng tại thôn Pâr Nghi
|
“Làm trưởng thôn thì việc lớn, việc bé gì cũng đến tay: Vay vốn, thu tiền nợ phân bón ruộng, ốm đau chưa có thẻ bảo hiểm y tế, kế hoạch hóa gia đình, tranh chấp... Thậm chí đêm hôm vợ không chịu ngủ chung với chồng cũng gọi trưởng thôn. Được cái đồng bào mình chân chất, thật thà. Khi khó khăn họ tìm đến nghĩa là họ trông cậy vào mình lắm”, chị Trình kể.
Đến gặp chị Hồ Thị Đoan, Trưởng thôn A Tia 2 ở xã Hồng Kim, chúng tôi phải tranh thủ giờ trưa chờ chị đi họp dân số về. Khác với vẻ ngoài nhỏ nhắn, chị Đoan từng làm phó trưởng thôn, công an viên trước khi đảm nhận vị trí trưởng thôn ba nhiệm kỳ với số phiếu bầu tuyệt đối. Hiện chị còn kiêm nhiệm thêm Chi hội trưởng Phụ nữ và Chi hội trưởng nông dân thôn. Bản thân chị Đoan tự nhận khối lượng công việc khá nhiều, đặc biệt gần các ngày lễ và phong tục của đồng bào, chị thường xuyên vắng nhà, may chồng chị hiểu và luôn hỗ trợ công việc gia đình.
|
Trưởng thôn Hồ Thị Đoan vận động người dân hiến đất mở đường khe Bùn
|
Nữ trưởng thôn trải lòng: “Vai lo gia đình, vai gánh việc xã hội nên bản thân luôn tranh thủ từng giờ, từng phút. Bí quyết để vượt qua mọi khó khăn đó là phải hy sinh vì lợi ích chung; không được nhận tiền, quà; tất cả mọi thứ công khai, dân chủ. Phải tự dặn lòng bình tĩnh, làm tốt nhất để phục vụ vì đồng bào mình còn nghèo, nhận thức chưa cao”.
Theo bà Hồ Thị Nga, Phó Chủ tịch xã Hồng Kim, địa phương có hai nữ trưởng thôn và một nữ bí thư chi bộ thôn, trong đó, hai trưởng thôn là đại biểu HĐND xã. “CBKCT thôn bản nhiều việc vô cùng. Có những việc sáng họp triển khai, chiều bắt tay vào làm ngay. Cao điểm là hoạt động rà soát xóa nhà tạm phải đạt tiến độ, đảm bảo công bằng nên áp lực tuyến cơ sở khá nhiều. Nhờ sự tham mưu sâu sát của họ, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế -xã hội, chương trình giảm nghèo bên vững ở các thôn bản… mà Hồng Kim luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra”, bà Nga ghi nhận.
|
Nữ cán bộ KCT A Ngo chia sẻ kinh nghiệm phòng chống thiên tai với người dân mùa mưa bão
|
Người ta thường dùng từ “chân yếu, tay mềm” để chỉ phái nữ nhưng ở vùng cao này, sự mềm yếu đó nhiều khi không có chỗ tồn tại, nhất là vào mùa thiên tai bão lũ. Các nữ trưởng thôn đều tiên phong tham gia tất cả hoạt động phòng chống, khắc phục mưa bão, trực 24/24. Chị Hồ Thị Tường, Trưởng thôn A Ngo, xã A Ngo nhớ lại đợt mưa bão lớn năm 2022, chị cùng cán bộ khác trong thôn phải đưa người neo đơn đi tránh trú, sau đó trực ở nhà họp thôn, trong khi ngoài trời mưa như trút, sét đánh ầm ầm. Sau mưa bão lại lao vào dọn dẹp đất đá cây cối gãy đổ. “May mà luôn có anh chị em trong thôn và lãnh đạo địa phương hỗ trợ, động viên. Mùa đông nào cũng vậy nên mình đã lên dây cót tinh thần chờ sẵn”, chị Tường thổ lộ.
Trong ký ức các nữ trưởng thôn, vất vả, ám ảnh nhất vẫn là đợt dịch COVID-19 bùng phát bởi chính họ cùng bí thư chi bộ, cán bộ mặt trận… là người đi lấy mẫu test, kiểm tra cách ly, giám sát các “F”, vận động tiêm vắc xin phòng COVID-19… Nhớ lại thời khắc ấy, chị Hồ Thị Ngân, Trưởng thôn Ta ay, xã Trung Sơn rơm rớm nước mắt: “Đi suốt rồi ở nhà họp thôn chứ không dám về nhà, sợ lây bệnh cho gia đình. Khổ cực không thể kể hết bằng lời. Khuya lắc lơ hoặc gần sáng mới được ngủ, không hiểu bằng cách nào mình đã vượt qua giai đoạn nớ. May chồng mình luôn sát cánh động viên giúp đỡ”.
Gần 80% người dân ở A Lưới là ĐBDTTS, 12 trong tổng số 18 xã, thị trấn thuộc vùng biên giới và là xã đặc biệt khó khăn. Xóa nhà tạm và phát triển các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo đang được Đảng bộ và chính quyền huyện triển khai mạnh mẽ.
Dự một cuộc họp thôn Âr Bả Nhâm, xã Quảng Nhâm mới thấy việc bình chọn xóa nhà tạm… diễn ra công khai, sôi nổi. 92 hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở song chỉ có được 30 suất xét làm nhà kiên cố trong đợt này. Dưới sự điều hành của Trưởng thôn Hồ Thị Hè, người dân nêu ý kiến, tranh luận mới đến biểu quyết.
|
Thôn Âr Bả họp bình xét xóa nhà tạm dưới sự điều hành của Trưởng thôn Hồ Thị Hè
|
Công bố kết quả xong, từ bên ngoài cửa sổ, một cụ già chăm chú dõi theo reo mừng, hướng về ban điều hành chắp hai tay nói bằng tiếng Tà Ôi giọng mừng rỡ. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi giải thích: “Đó là ông Quỳnh Hom, hộ gia đình chính sách. Ông bảo cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước lắm! Gia đình ông có 4 người đến nay nhờ kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng và giúp sức của bà con chòm xóm, ông sẽ có được căn nhà mới ấm cúng che nắng, che mưa”.
Quảng Nhâm giáp tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, địa bàn này có số hộ người Lào nhập tịch đông nhất huyện A Lưới (gần 40 hộ). Do đó, việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở đây góp phần giữ vững ổn định chính trị vùng biên, thắt chặt mối quan hệ anh em Việt-Lào.
|
Kiểm tra tiến độ xây dựng nhà dành cho một người dân Lào được hỗ trợ kinh phí
|
“Mình nhớ bác Hồ từng dặn đồng bào miền núi cần đoàn kết tạo sức mạnh, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Thế nên ở Âr Bả Nhâm không có sự phân biệt giữa người Lào, người Việt. Mọi người đều bình đẳng về nghĩa vụ, quyền lợi. Trong nhóm cán bộ thôn có anh Hồ Văn Mo người Lào di cư sang rất năng nổ nhiệt tình, bà con tín nhiệm cao”, chị Hè thông tin.
Theo mô hình kết nghĩa bản-bản, Âr Bả Nhâm kết nghĩa với A Bả, A Róc, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào cùng nhau chấp hành quy chế an ninh vùng biên. Phía Việt Nam còn giúp bản nước bạn về phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng năm cứ tới Lễ Té nước, chị Hồ Thị Hè cùng đoàn cán bộ xã 40 người chạy xe máy sang Sê Kông chúc mừng và tặng quà cho người dân nước bạn.
|
Chị Hè (thứ ba bên trái) Trao quà hỗ trợ người dân nước bạn Lào tại Trạm Kiểm soát biên phòng hồng Thái (A Lưới)
|
Là xã đặc biệt khó khăn, việc tìm mô hình sinh kế, vốn vay phục vụ phát triển sản xuất là nhu cầu bức thiết của Quảng Nhâm. Nào là chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng dược liệu, lâm nghiệp, mở rộng quy mô dệt dèng… thu hút bà con hưởng ứng mạnh mẽ. Đội ngũ cán bộ thôn bản chính là người đưa các chương trình này về với dân bản một cách cụ thể, sát sườn. Theo thống kê, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ở Quảng Nhâm đứng thứ hai ở A Lưới, với gần 50 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cùng với phát triển kinh tế, việc xây dựng nếp sống văn minh, kế hoạch hóa gia đình, hạn chế hủ tục được chính quyền các cấp chú trọng. Nắm rõ di biến động dân cư, với kinh nghiệm của những người chị, người mẹ, nữ CBKCT đã phát huy lợi thế của mình ở cơ sở. Chị Hồ Thị Man, Trưởng ban Mặt trận thôn A Ka, xã A Roàng không những vận động ngăn một số trường hợp suýt… tảo hôn mà còn tham mưu đưa phòng chống tảo hôn vào hương ước làng, ai vi phạm sẽ xử phạt bằng tiền, điều này có hiệu quả trong răn đe, giáo dục.
|
Nhờ cán bộ cơ sở nắm bắt, truyền thông kịp thời, nhiều trường hợp hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn được ngăn chặn kịp thời
|
Trong khi đó, chị Hồ Thị Hải, Bí thư chi bộ thôn Đụt 1 xã Hồng Kim lại phát huy tiếng nói của Đảng viên uy tín giúp người dân tuân thủ, chấp hành chủ trương, quy định. 17 năm làm CBKCT, hai nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ thôn, chị đóng vai trò nòng cốt của tổ truyền thông cộng đồng địa phương. Đây là mô hình sáng tạo được Hội LHPN huyện thành lập ở các địa bàn nhằm thực hiện bình đẳng giới; nắm bắt, giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế…
Nắm nguồn tin A.A.R. và H. T. lăm le làm đám cưới khi chưa đủ tuổi, chị lập tức cùng tổ truyền thông tìm về nhà mang Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như kinh nghiệm sống tỉ tê hậu quả của tảo hôn. Lân la tác động đến cả phụ huynh, cuối cùng đôi bạn trẻ cũng thuận tình chờ đến tuổi mới về cùng một nhà.
|
Chị Hồ Thị Hải cùng tổ truyền thông cộng đồng đến nhà dân truyền thông chủ trương chính sách mới
|
Chị Hồ Thị Hải tâm tình: “Đồng bào Pa kô mình một lòng một dạ theo Đảng theo Bác, nhưng vì hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Khi trò chuyện, nêu cái lý, nói cái tình thì đồng bào ‘sáng’ ra liền. Nhằm giúp người dân hiểu chủ trương chính sách, quy định, chúng tôi thường truyền thông lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, ngày hội đại đoàn kết”… Cùng với định hướng của bí thư chi bộ, thành viên tổ truyền thông cộng đồng còn nắm bắt nhiều thông tin hữu ích từ quần chúng, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo địa phương; lan tỏa chính sách, chủ trương trong Nhân dân; ngăn chặn tệ nạn xã hội, ổn định chính trị vùng biên giới…
A Lưới đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Sự đồng thuận của người dân trong chung tay hiến đất để mở rộng, xây dựng các công trình không chỉ tác động đến phát triển kinh tế- xã hội mà còn góp phần làm khang trang bộ mặt vùng đất phía tây Huế.
Đến A Lưới thời điểm này, sẽ nhận thấy những công trường đang tất bật vào mùa xây dựng. Để công trình về đích đúng hạn, có sự hưởng ứng đóng góp của hàng nghìn hộ dân hiến đất, tài sản trên đất. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới tự hào: “Thành quả này có sự đóng góp không hề nhỏ trong công tác dân vận của cán bộ cơ sở”!
|
Trường mầm non Sơn Ca được xây mới và đầu tư khang trang từ đất hiến tặng của người dân
|
Theo chân chị Hồ Thị Lai ở thôn A Tia 2, xã Hồng Kim thăm Trường mầm non Sơn Ca, một ngôi trường khang trang xây dựng trên diện tích gần 6.000m2, đón gần 230 trẻ đến lớp. Trên vùng đất này trước đây có ruộng của chị Lai cùng đất của 11 hộ dân khác hiến tặng. Nghe cô hiệu trưởng giới thiệu đây là ân nhân tặng đất cho trường, những đứa trẻ Pa kô tròn xoe mắt vòng tay cúi đầu cảm ơn. Chị Lai bẽn lẽn: “Mình góp đất vì việc chung và vì tương lai của bọn trẻ. Khi trưởng thôn Hồ Thị Đoan đến giải thích, phân tích, mình thấy đây là việc nên làm. Chính mẹ chị Đoan cũng tiên phong hiến ruộng xây trường, làm đường đó thôi”!
Không chỉ trường học, nhiều người dân Hồng Kim còn hiến đất phục vụ mở rộng đường Khe Bùn. Trong số 48 hộ bị ảnh hưởng đất đai, chị Đoan tiến hành vận động các gia đình đảng viên, người có uy tín trước nhằm tạo sự lan tỏa cho cộng đồng. Có gia đình xin hỗ trợ nhân lực tháo dỡ công trình, chị đề xuất lên UBND xã đề nghị cử lực lượng về giúp dân. Nhờ sự nhanh nhạy, dân vận tốt, dự án Khe Bùn đi qua xã Hồng Kim đạt tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất, tuyến đường thi công hoàn tất sớm nhất trong 5 xã.
Lãnh đạo xã Hồng Kim cho rằng, CBKCT có lợi thế là người từ dân, sát dân. Nhờ việc bám cơ sở, nắm chắc tâm tư nguyện vọng trước một bước nên lãnh đạo địa phương sớm nắm được vấn đề, giải quyết vướng mắc kịp thời. Trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn là cánh tay nối dài của xã. Thôn làm nhanh thì xã vận hành nhanh, xã nhanh thì huyện đạt tiến độ sớm.
|
Nhiều tuyến đường được mở rộng, trồng hoa sạch đẹp nhờ công sức vận động của các nữ trưởng thôn
|
Tương tự, bằng cách khơi dậy tình làng nghĩa xóm, chị Hồ Thị Ngân (SN 1987), Trưởng thôn Ta ay xã Trung Sơn thuyết phục gia đình bà Hồ Thị Tú, một hộ nghèo trong thôn hiến diện tích đất ở và đất sản xuất khá lớn phục vụ làm đường nội đồng. Đến nay, con đường mới thênh thang giúp bà con trong vùng thuận tiện chạy xe làm ruộng, thu hoạch lúa. “Mẹ nghèo tiền bạc chơ không nghèo tấm lòng, nghe kêu gọi là mình hiến đất liền. Được hỗ trợ nhà tạm xong, mẹ cũng xin ra khỏi hộ nghèo. Ngân thường xuyên lui tới thăm nom, hỗ trợ và giải thích rất rõ ràng nên mẹ đồng tình, ủng hộ chính quyền trong việc xây nhà, làm đường”, bà Tú khẳng khái.
Thôn Pâr Nghi, xã A Ngo không chỉ “nổi tiếng” nhất huyện vì duy trì phong trào Chủ nhật xanh giúp đường làng ngõ xóm sạch đẹp, đồng bào nơi đây còn đóng góp xây dựng 45 cột điện thắp sáng đường đi, chung tay xây dựng bếp ăn, công trình phụ trị giá hàng chục triệu đồng cho nhà sinh hoạt cộng đồng. Tất cả đều nhờ công sức vận động của Trưởng thôn Hồ Thị Trình. Chị Trình bật mí: “Từ Nhân dân dần dần mà có, có Nhân dân việc khó cũng xong. Mình học Bác trong dân vận và luôn lựa lời khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau; đó là truyền thống quý báu của dân tộc mình”.
|
Chị Nguyễn Thị Mười (thứ hai bên phải) cùng cán bộ thôn giải quyết tranh chấp đất ở gia đình ông Hồ Văn Hùng
|
Trong tất cả các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm phần lớn và làm đau đầu chính quyền các cấp. Tuy nhiên, nhờ tổ hòa giải từ cơ sở, phần lớn các vụ việc xử lý thành công, giảm áp lực cho tuyến trên. Sau buổi họp thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm, chị Nguyễn Thị Mười cùng nhóm cán bộ thôn đến gia đình ông Hồ Văn Hùng và bà Lê Thị Hia thực địa, hòa giải việc tranh chấp đất. Lý do xuất phát từ… hàng lồ ô trồng trên đất chung. Một bên muốn chặt cây để san ủi mặt bằng, bên còn lại muốn giữ cây phục vụ sản xuất. Không thỏa thuận được, hai nhà đôi co, to tiếng, kiện nhau ra thôn.
Nhà bà Hia sống trên đất cộng đồng được dân bản tặng cho các hộ khó khăn. Đất ông Hùng được cha mẹ để lại nên muốn cho vợ chồng con trai Hồ Văn Thái san đất ở riêng thì nhà bà Hia không đồng tình. Sau khi phân tích tình hình hoàn cảnh hai bên, tổ hòa giải thống nhất cắm mốc ranh giới tạm thời. Hai nhà có ý kiến thêm và đồng thuận ký vào biên bản cam kết, nếu còn tái diễn tranh chấp sẽ chịu trách nhiệm trước thôn bản. Anh Thái thay mặt người bố già cảm ơn chị Mười cùng tổ hòa giải. “Cảm ơn các cô chú phân xử công bằng để em có thể ra riêng, làm được mái nhà ổn định cuộc sống”. Phía bà Hia bày tỏ: “Mình tin chị Mười và các anh chị. Chị Mười hay quan tâm giúp đỡ gia đình mình nên mình rất quý. Nghe phân tích mình đã hiểu ra và đồng ý với cách phân xử này”.
|
Thôn Pi Ây 2 họp bàn kế hoạch xóa đói giảm nghèo đồng thời cho ý kiến về các công việc chung
|
Đánh giá những đóng góp của nữ CBKCT nói trên, ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới ghi nhận: “Trình độ nhận thức vùng ĐBDTTS còn hạn chế, do đó, các chị đã rất tích cực trong việc đưa chế độ chính sách, chủ trương về với dân bản, đảm bảo phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng tại địa phương. Chính những con người nhiệt huyết này nỗ lực truyền thông, kéo giảm hủ tục lạc hậu; phòng chống nạn tảo hôn ở nhiều nơi”.
Gắn bó, am hiểu phong tục tập quán người dân vùng cao, ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Tuyên truyền chính sách ở vùng cao hiệu quả cần cách làm đặc thù, hơn ai hết, chính CBKCT là người sâu sát, hiểu dân nhất. Dân vận thông qua người có uy tín; trò chuyện tình cảm, tạo niềm tin; xử lý tình huống khéo léo, mềm dẻo… Các chị đã vận dụng linh hoạt tất cả giải pháp này nên nhận sự đồng thuận cao trong nhiều phong trào đặc thù ở A Lưới như Chủ nhật xanh, Dòng họ bản làng không có hộ nghèo, hiến đất mở đường”…
Nội dung: TUỆ NINH
Ảnh: LINH TUỆ - PHAN THẮNG
Thiết kế: QUANG THIỀU