Giữa màn mưa, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị cho cuộc hành quân đi về phía núi
Những cuộc hành quân tưởng chừng chỉ diễn ra trong thời chiến. Vậy mà khi tiếng súng đã ngưng, người lính vẫn "ra trận". Trên “mặt trận” thiên tai khó lường và đầy gian nguy, họ lại đi về phía nhân dân, về phía đồng đội…
Bão lũ, trong khi mọi người đổ về những vùng thấp trũng thì có những cuộc hành quân ngược lên phía núi…
... Trước đó, khoảng 0h sáng 12/10, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 đã xảy ra một vụ sạt lở núi san bằng nhà điều hành, 7 người được cứu sống, 17 người chết và mất tích.
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở Thủy điện Rào Trăng 3 và đường 71
Anh Trần Văn Điều – một nhân chứng người Quảng Trị đang làm việc tại thủy điện này thuật lại, vụ tai nạn khiến tất cả bàng hoàng. Mọi người quyết định sử dụng lương thực dự trữ để cầm cự và tìm đường đến Thuỷ điện Rào Trăng 4 tìm người hỗ trợ. "Trên hành trình di chuyển, chúng tôi uống nước lọc, nhai mì tôm sống cầm hơi. Khi đến nơi an toàn, một người được cử đi điện thoại báo tin về cho lãnh đạo tỉnh", anh Điều cho hay.
Nhận tin khẩn, đoàn cán bộ 21 người tức tốc tiến vào tuyến đường 71, tìm cách tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3. 0h sáng 13/10, 13 người bị vùi lấp do sạt lở vùi trạm kiểm lâm 67 nơi họ dừng chân nghỉ qua đêm, 8 người may mắn thoát nạn trở về...
0 giờ 40 phút ngày 13/10, tiếng kẻng báo động gấp gáp, dồn dập “kéo” các chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bật dậy. Hay tin dữ, ai nấy chết lặng. Cán bộ, chiến sĩ Đội 192, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh nhận lệnh đến Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Cuộc hành quân gấp rút triển khai ngay trong đêm.
Thượng úy Lê Đình Tịnh, Đại úy Nguyễn Văn Thắng, Đại úy Trần Trọng Chiến và các chiến sĩ Đội 192 không ngờ có lúc lại thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong hoàn cảnh này. “Ai ngờ đồng đội mình lại thác đổ thân xanh! Nhưng mang nghiệp nhà binh, người lính không bao giờ chùn bước”, một người trong số họ nói.
Nhân lực, vật lực sẵn sàng cho cuộc “hành quân”
Và họ bắt đầu hành trình tìm kiếm 13 cán bộ, sĩ quan thuộc Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 4, UBND tỉnh và UBND huyện Phong Điền đang mất tích khi thực hiện cuộc hành quân gấp rút, cứu hộ 17 công nhân gặp nạn do sạt lở tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3. Trong đó, có Thượng tá Trần Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng; Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu; Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, nhân viên điệp báo chiến dịch, Trạm điệp báo, Phòng Tham mưu, là những đồng chí, đồng đội thân thương cùng “ngôi nhà” Bộ CHQS tỉnh.
3 giờ sáng, các anh có mặt tại huyện Phong Điền rồi hành quân đến Sở chỉ huy tiền phương đặt tại UBND xã Phong Xuân, chuẩn bị tiến vào Trạm kiểm lâm ở Tiểu khu 67, nơi 13 cán bộ, sĩ quan gặp nạn trong trận sạt lở núi.
Không chỉ Bộ CHQS tỉnh, có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 414, Sư đoàn 968, Lữ đoàn Thông tin 80... của Quân Khu 4. Trung tá Quách Hiếu Thành, bộ phận tìm kiếm cứu nạn Trường Trung cấp 24 Biên phòng cùng đơn vị và chó nghiệp vụ cũng có mặt kịp thời bổ sung vào lực lượng. Anh bảo, mọi người chỉ có 1 tiếng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị. Sau đó là vượt quãng đường hàng trăm cây số nên khá thấm mệt. Lại thêm mất 13 tiếng hành quân vào hiện trường nhưng nhận lệnh, ai nấy đều lên đường với tinh thần khẩn trương nhất.
Nhiệm vụ cấp tốc được triển khai: Tìm cách tiếp cận vị trí bị vùi lấp tại Tiểu khu 67, mở đường cho các lực lượng đưa máy móc thiết bị vào tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Ngày 13/10/2020, ngay sau khi nhận được tin mưa lũ gây sạt lở đất làm nhiều cán bộ, chiến sĩ và công nhân bị vùi lấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lập tức phát công điện, chỉ đạo cứu nạn, khắc phục hậu quả. Mệnh lệnh từ người đứng đầu Chính Phủ được ban hành, khi những cơn mưa xối xả tiếp tục trút xuống miền Trung.
Trước đó, chiều 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từ Hà Nội đã có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương vừa được gấp rút thành lập tại trụ sở UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác tìm kiếm tại khu vực cách Thủy Điện Rào Trăng 3 khoảng 30km
Tại cuộc họp khẩn giữa Phó Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin ban đầu được tiếp nhận: Đường vào hiện trường Rào Trăng 3 đồi núi dốc, đất đá sạt lở, các đập tràn nước dâng cao, chảy xiết, rất nguy hiểm.
Nhận định khó tiếp cận hiện trường nhanh bằng đường bộ, sau những giây phút im lặng căng thẳng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải huy động nhân lực, phương tiện tiếp cận sớm nhất hiện trường bằng mọi hướng, từ đường bộ, đường sông. “Thậm chí, phải điều máy bay. Huy động thêm phương tiện, máy móc để giải phóng nhanh nhất đường tiếp cận. Khai thác tối đa phương án tại chỗ, tiếp cận thật nhanh hiện trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dứt khoát.
Tất cả hướng về Thủy điện Rào Trăng 3
Sau những cuộc họp trắng đêm, với những bàn bạc kỹ lưỡng, căng thẳng, sáng 14/10, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 bằng ba mũi chính: Đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Mũi đường bộ, lực lượng tinh nhuệ công binh, bộ binh và hàng loạt xe cứu thương với nhiệm vụ nhanh chóng giải phóng các điểm sạt lở, tiếp cận Trạm Kiểm lâm 67. “Huy động mọi phương tiện, mọi lực lượng, tiếp cận nhanh hiện trường để cứu nạn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ra lệnh.
Dù màn đêm buông xuống nhưng xe chuyên dụng vẫn được điều vào hiện trường để chạy đua với thời gian, hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân
Sau nửa ngày làm việc tổng lực với hơn 640 người, gần 100 phương tiện được huy động, đường bộ từ trung tâm xã Phong Xuân vào Trạm Kiểm lâm 67 được thông tuyến. Hệ thống đèn cao áp được huy động, sẵn sàng phục vụ quá trình cứu hộ, cứu nạn xuyên đêm.
Kể từ sau chiến tranh, chưa bao giờ, người dân Phong Xuân lại nhìn thấy những chiếc xe chuyên dụng của quân đội lần lượt hành quân về phía núi như mùa mưa bão năm nay.
Người nhà các nạn nhân hồi hộp ngóng tin
Nhìn những chiếc xe lần lượt tiến vào phía núi, hàng ngàn ánh mắt, con tim cùng nín thở dõi theo. Tất cả lặng người mong chờ một phép màu…
Thời điểm ấy, chị Ái (xã Phong Xuân) một trong những người thân của công nhân gặp nạn khi làm việc tại Thủy điện Rào Trăng 3 lau vội những giọt nước mắt: “Dù hy vọng có mong manh, mẹ con tôi vẫn đợi”!
Phong Xuân mùa lũ, rừng keo tràm bị gió đánh tơi bời, có đoạn đổ sập sau cơn bão số 5. Hành trình tiến về Thủy điện Rào Trăng 3 của cán bộ, chiến sĩ vì thế càng gian nan, nguy hiểm khó lường.
Theo người dân địa phương, tuyến đường 71, nơi đoàn công tác quyết định chọn làm hướng tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 phải đi qua nhiều đỉnh đồi dốc trượt, con suối hung dữ trong mùa lũ, với những địa danh: Đỉnh Rạng Đông, Cửu Ốt, khe Dơi, núi Cây Khế… kéo dài hàng chục cây số. Một người già lớn tuổi nghe chuyện chợt chép miệng chua xót: “Rạng Đông, Cửu Ốt, khe Dơi. Người đi nơi ấy chơi vơi đường về”!
Đường 71 được nâng cấp trên tuyến đường cũ tiến vào Thủy điện Rào Trăng 3
“Lâm dân chúng tôi rất sợ mùa này. Hễ có mưa là nước đổ về cuồn cuộn, phải trở về ngay, không dám liều mạng. Gần đây, thủy điện thi công ngăn dòng chảy và làm đường 71 rộng hơn. Rừng nguyên sinh mất nên núi mới sạt lở”, ông Nguyễn Bá Đính, trú tại thôn Hiền An 2, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền bần thần.
Đường 71 được hình thành khoảng năm 2015 để phục vụ việc thi công Thủy điện Rào Trăng 3. Trạm Kiểm lâm 67 đứng chân trên con đường này là nơi đóng quân của lực lược kiểm lâm, cũng là chỗ dừng chân của lâm dân mỗi khi vào rừng. Sạt lở núi ngay tại đây khiến nhiều người bất ngờ.
Ông Lê Văn Mừng, thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền kể, tình trạng lở núi sau các trận mưa tại vùng gò đồi gần đây diễn ra dày đặc hơn. Mùa mưa lũ, keo tràm của người dân trồng thường bị ngã đổ, bật gốc. Nghĩ là chuyện thường tình nên chúng tôi không ai để ý mấy.
Mưa lũ phá hỏng nhiều đoạn đường, đập tràn gây khó khăn cho việc tiếp cận hiện trường
Thế nhưng, sạt lở núi ngay tại Trạm Kiểm lâm 67 là điều không ai ngờ khi trên khu đất rộng gần 5.000m2, ngôi nhà bảo vệ được xây kiên cố, cách đường 71 khoảng 150m. Phía sau, cách trạm khoảng 30m là một vạt rừng nằm trên quả đồi không cao. Từ đây lên Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng thêm mười mấy cây số. Địa điểm xây dựng trạm khá an toàn. Nhưng ngọn đồi không hề có tên trên bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt ấy không ngờ lại sạt lở, gây tai họa…
Lý giải tình trạng sạt lở diễn ra ở khu vực này, nhóm nghiên cứu Địa kỹ thuật và vật liệu tái chế - Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho hay, theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, khu vực này có nhiều hệ thống đứt gãy phát triển rất mạnh quy mô lớn. Các hoạt động xây dựng, sản xuất (cắt xén sườn dốc làm đường, thủy điện, giải phóng mặt bằng xây dựng nhà ở làm mất cân bằng sườn dốc) là điều kiện rất thuận lợi để phát sinh lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở mỗi khi có lượng mưa lớn, liên tục và kéo dài.
Inforgraphic: Nguyên Linh
Nội dung: Nhóm PV - BTV
Hình ảnh: V. Nhân- L. Thọ - T. Bình - CTV
Thiết kế: Quang Thiều - Minh Quân
Concept: Minh Hà - Linh Tuệ