10 giờ 45 phút ngày 15/10. Cả ngàn người ở hiện trường nín lặng khi phát hiện vết máu lẫn trong màu bùn. Công việc tìm kiếm lúc này được chuyển sang hoàn toàn bằng tay. Bàn tay của đồng đội rớm máu gượng nhẹ, gỡ từng lớp đất đá; hơi thở của họ như hòa vào từng động tác thật khẽ nhưng cũng thật nhanh, chỉ mong tìm ra các anh.
Khi phần thi thể đầu tiên còn nguyên màu quân phục lộ ra dưới lớp bùn non, dù cố nén nhưng những giọt nước mắt của người lính đã rơi. “Vậy là các anh đã hy sinh thật rồi! Không ai bảo ai, chúng tôi gỡ mũ, cúi đầu trong nghẹn ngào”- Đại úy Nguyễn Văn Thắng hồi tưởng.
Những thi thể đầu tiên của các cán bộ chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Thủy điện Rào Trăng 3 được đưa ra khỏi hiện trường
19 giờ 26 phút ngày 15/10, toàn bộ thi thể 13 cán bộ, sĩ quan hy sinh được đưa ra khỏi hiện trường về với đồng đội, người thân.
"13 trái tim không còn đập" ! Còn nhớ trên bản tin truyền hình Báo Quân đội Nhân dân – tờ báo hiếm hoi được phép tác nghiệp tại khu vực này, nữ phóng viên Phan Thanh Hà bật khóc một lúc khi dẫn tại hiện trường: “Từ nay, những bữa cơm của các gia đình liệt sĩ sẽ thiếu 13 cái bát, 13 đôi đũa… Chỉ câu nói ấy thôi, triệu triệu người dõi theo về sự cố Thủy điện Rào Trăng 3 cảm thấy nhói lòng”.
Lễ tang 13 liệt sĩ hy sinh quên mình trong lúc làm nhiệm vụ tại Thủy Điện Rào Trăng 3 được cử hành trong sự hướng vọng của đồng bào cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công" cho 13 liệt sĩ hi sinh khi đang tìm kiếm cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 và thêm nhiều danh hiệu cao quý khác. UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã truy tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 13 cán bộ hy sinh.
Bộ Tổng tham mưu; Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cùng gia quyến các liệt sĩ tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ
Hòa trong đoàn người đến viếng, hai vợ chồng chị Mỹ Hiệp là cựu quân nhân ở TP. Huế mắt đỏ hoe. Chị Hiệp bảo: “Đây là nỗi mất mát chung của người dân Huế. Dẫu biết rằng binh nghiệp mang trong tim là Tổ quốc, gánh trên vai là đồng bào nhưng sao lúc này vẫn thấy chua xót vô cùng. Chúng tôi muốn thắp nén tâm nhang tri ân các anh”!
Chia buồn với người thân các liệt sĩ
Trên mạng xã hội thời điểm ấy, hàng loạt "avatar" - biểu tượng 13 liệt sĩ hy sinh khi cứu hộ cứu nạn khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 được thay đổi. Nhiều bài thơ cảm động cũng được chia sẻ đến cộng đồng với lòng tiếc thương vô hạn: “Qua ngày chinh chiến/ Hoà bình bốn phương/ Thương anh ngã xuống/ Núi đồi quê hương/ Dang tay đất mẹ/ Đón anh vào lòng”…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết sổ tang chia sẻ nỗi mất mát với gia đình các liệt sĩ
Tiếp nối nhiệm vụ còn dang dở của 13 liệt sĩ, công tác cứu hộ cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy, đường bộ diễn ra liên tục 40 ngày sau đó. Lực lượng công an hợp sức cùng lực lượng quân đội tổ chức tìm kiếm liên tục, quy mô.
Đại úy Trần Trọng Bằng, Đội trưởng Đội công tác Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường. Để vào được lòng hồ những ngày mưa gió, đoàn phải đi thuyền trên mặt hồ thủy điện Hương Điền trong tình trạng cây, gỗ theo lũ cuốn vun vút về hạ lưu; sau đó khiêng thuyền, vượt đường bộ từ Thủy điện Rào Trăng 4 vào Thủy điện Rào Trăng 3.
Huy động nhân lực, phương tiện tìm người bị nạn
Đại úy Bằng nhớ lại: “Hơn 20 ngày đầu, thời tiết diễn biến phức tạp, bùn đất sạt lở bao phủ nhiều điểm, có nơi dày khoảng 0,5m khiến việc tìm kiếm rất khó khăn. Mỗi bước đi đều phải cân nhắc để đảm bảo an toàn tính mạng và phương tiện vì sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Ít ai biết vì nhiệm vụ, anh chỉ thu xếp trở về nhà trước 10 tiếng đồng hồ chuẩn bị cho hôn lễ diễn ra sáng 24/10; hôm sau, lại quầy quả vào hiện trường.
Cũng với tinh thần nhiệm vụ trên hết, Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh – chỉ huy trực tiếp các lực lượng tìm kiếm ở Thủy điện Rào Trăng 3 làm việc không ngơi nghỉ. Ăn, nghỉ tại chỗ; chạy đua từng giờ, từng phút. Có thời điểm, buổi đêm cũng phải bay flying cam quan sát, theo dõi biến chuyển tình hình. Anh luôn động viên đồng đội: “Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh của Đảng, của Quân đội, của Nhân dân. Mong anh em cùng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”!
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương, Trung tá Phan Thắng cùng các lực lượng tìm kiếm tranh thủ ăn trưa tại hiện trường
Flying cam, phương tiện cơ giới, chó nghiệp vụ… tất cả sức người sức của được huy động để rà từng thước đất tìm người mất tích, thậm chí “lật tung” cả dòng Rào Trăng khi phương án ngăn đập, nắn dòng, hút nước cũng được triển khai. Người nhà các công nhân mất tích được tạo điều kiện vào Thủy điện Rào Trăng 3 chứng kiến khối lượng đất đá sạt lở trên vùng đất rộng lớn không khỏi bàng hoàng.
Lãnh đạo tỉnh chia sẻ nỗi đau của gia đình các nạn nhân khi họ vào Thủy điện Rào Trăng 3 theo dõi hoạt động tìm kiếm
Ông Lê Văn Phùng, người Thanh Hóa, ba của một nạn nhân trải lòng sau những phút kìm nén cảm xúc: “Những ngày qua, nhìn các anh làm việc vất vả giữa đống đất đá tan hoang, mọi người rất cảm kích. Gia đình chúng tôi và các gia đình khác vào đây đều gửi trọn niềm tin ở các lực lượng, mong sớm tìm được các cháu"...
Đến thời điểm này, việc tìm kiếm người mất tích giai đoạn 3 đã kết thúc sau khi nắn dòng Rào Trăng, ngăn nguồn nước; lực lượng chức năng tính toán phương án chuyển sang tìm kiếm giai đoạn thứ 4 khi thời tiết thuận lợi.