Thảm nạn Thủy điện Rào Trăng 3 là bài học đắt giá. Làm sao để mẹ thiên nhiên không “nổi giận”, làm gì để cảnh báo sớm, sống thuận thiên như thế nào để giảm bớt thiệt hại, mất mát… Những câu hỏi đó buộc chúng ta phải có sự điều chỉnh và hành động…
Hai bài học đau xót từ sự cố thủy điện Rào Trăng 3 làm nhiều người thiệt mạng, mất tích là vấn đề an toàn các công trình thủy điện trong thiên tai và cảnh báo sạt lở.
Theo một số chuyên gia, vốn đầu tư thủy điện nhỏ không quá lớn, không phải bỏ nhiều chi phí vận hành nhưng mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể. Về mặt kinh tế, thủy điện sẽ cung cấp điện sinh hoạt cho người dân, đóng thuế cho địa phương. Tuy nhiên, các vấn đề về môi trường, thiên tai, đời sống người dân vùng hạ du… là bài toán cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.
Việc điều tiết lũ ở các thủy điện đều tác động đến hạ du
Thừa Thiên Huế đã cấp chủ trương đầu tư 13 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, có 9 nhà máy thủy điện đi vào vào vận hành, 4 nhà máy đang trong giai đoạn thi công. Tổng sản lượng điện bình quân mỗi năm khoảng 1.476 triệu kWh. Thuỷ điện Rào Trăng 3- nơi xảy ra sạt lở làm 17 công nhân tử nạn và mất tích-là nhà máy thuỷ điện thứ 13 được cấp phép ở tỉnh Thừa Thiên Huế, có công suất lắp máy 13 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỷ đồng.
Inforgraphic: Nguyên Linh
Cũng trên sông Bồ, nhiều năm qua, hàng loạt công trình thủy điện đã được cấp phép xây dựng. Ngoài thủy điện Rào Trăng 3, trên đoạn thượng nguồn sông Bồ với chiều dài khoảng 30km thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã xây dựng thêm 3 thủy điện nữa là A Lin B1, A Lin B2 (nằm trên sông A Lin) và Rào Trăng 4 (nằm trên sông Rào Trăng) tạo thành hệ thống “thủy điện bậc thang” ở khu vực này..
Thủy điện Hương Điền, thủy điện Rào Trăng 4 (Phong Xuân, Phong Điền) đều nằm trên con sông Bồ
Để phục vụ các dự án thủy điện, nhiều diện tích rừng phòng hộ đã được trưng dụng. Riêng thủy điện Rào Trăng 3, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền “hy sinh” 22,28 ha đất rừng phục vụ lòng hồ, chưa kể 22 ha đất rừng sản xuất dùng phục vụ đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, 24 ha đất khác ở xã Phong Xuân được dự án thuê trong 32 năm để xây dựng khu nhà máy, đường dây điện, khu đấu nối, đường vận hành...
Cuối năm 2016, UBND tỉnh quyết định thu hồi 31 ha đất rừng sản xuất do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý để xây dựng thủy điện Alin B2. Đối với Rào Trăng 4 nằm ở Tiểu khu 68 và 72, diện tích ảnh hưởng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền là 56,36 ha, trong đó tổng diện tích lòng hồ ứng với mực nước dâng bình thường gần 135 ha.
Năm 2011, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có Thủy điện Rào Trăng 3.
Tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 16/10/2020, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, từ 2016 đến nay, tất cả những dự án liên quan đến rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ phê duyệt mới được thực hiện. Những dự án thủy điện đã được cảnh báo về môi trường, nguy cơ sạt lở sẽ không được đưa vào quy hoạch.
Các điểm sạt lở bên trong Thủy điện Rào Trăng 3
Từ thảm nạn sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, hàng loạt vấn đề liên quan đến thủy điện được báo chí phân tích, mổ xẻ. Vấn đề này cũng khiến nghị trường quốc hội nóng lên trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tháng 11/2020. Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói: “Việc xây dựng thủy điện phải có những nghiên cứu, đánh giá khoa học để có chiến lược lâu dài. Đã đến lúc cần phải đánh giá lại làm thế nào đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh; bảo đảm được sự bền vững của môi trường, an toàn cho người dân”.
Nêu quan điểm trên các phương tiện truyền thông sau hàng loạt sự cố liên quan đến thủy điện, xả lũ và sạt lở ở miền Trung, nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê cho rằng: “Về lâu dài, nên cân nhắc cấp phép bao nhiêu thủy điện trên một dòng sông là đủ. Đừng chỉ thấy đặt được tuôc-bin phát điện là làm nhà máy”!
Theo số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, Thừa Thiên Huế có diện tích vùng đồi núi chiếm đến 75,9% trên tổng diện tích toàn tỉnh; có 48 điểm cảnh báo xảy ra lũ quét với mật độ 0,0096 điểm/ km2, thuộc loại rất cao (>0,007). Tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, nhiều địa điểm trực tiếp chịu tác động của các dạng hình lũ miền núi như lũ quét, sạt lở đất đá.
Mưa kéo dài khiến tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng trên đường tiến vào Thủy điện Rào Trăng 3
Với đặc thù địa hình này, tai biến địa chất sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp có độ cao từ 250-750m có độ dốc từ 15-25% ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thuỷ, chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh. Trong trận lụt năm 1999, Thừa Thiên Huế đã xảy ra nhiều trận lũ quét, sạt lở đất đá ở các tuyến đường giao thông miền núi QL 49 đoạn qua A Lưới, huyện Nam Đông, đèo Mũi Né (Phú Lộc) khiến nhiều người thiệt mạng.
Khu vực sông Bồ (thượng nguồn thuộc địa phận phận A Lưới, Phong Điền) nơi có các thủy điện đang xây dựng luôn tiềm ẩn xảy ra lũ và lũ quét. Theo nhóm nghiên cứu Địa kỹ thuật và vật liệu tái chế - Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thì trong điều kiện kỹ thuật hiện nay, việc cảnh báo các tai biến địa chất này chỉ được thực hiện trước từ 3-6 giờ theo khu vực, không thể cảnh báo ở một vị trí cụ thể.
Theo PGS.TS Phạm Hữu Sy – Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, Việt Nam đã nhập một hệ thống thiết bị cảnh báo sớm sạt lở đất bằng căng kế và dây rung. Các thiết bị này cảnh báo sạt lở chính xác, nhưng khoảng thời gian dự báo quá ngắn, hiệu quả phòng tránh bị hạn chế. "Nhiều khi dự báo được thì cũng chỉ kịp thoát thân. Vấn đề nghiên cứu dự báo sạt lở đất có thể nói là chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Sy trăn trở.
Sạt lở đất khu vực sông Bồ. Theo các chuyên gia, nghiên cứu dự báo sạt lở hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu
Phân tích sâu hơn bất cập trong công tác cảnh báo sạt lở, lũ quét, PGS.TS Phạm Hữu Sy cho rằng, lâu nay, chúng ta dựa vào các nhân tố tác động gây sạt lở này phân chia vùng nghiên cứu ra các khu vực có nguy cơ sạt lở khác nhau để lập nên bản đồ cánh báo sạt lở đất. Cách làm này chỉ có tác dụng trong quy hoạch phát triển vùng, không có tác dụng dự báo sạt lở.
Cũng về bất cập trong công tác cảnh báo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện, Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành công tác điều tra và lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất với tỉ lệ 1: 50.000. Thuyết minh và bộ bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỉnh Thừa Thiên Huế tỷ lệ 1:50.000 đã chỉ ra được các khu vực có sạt lở và các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, tỷ lệ bản đồ nghiên cứu đang ở tỷ lệ nhỏ nên việc khoanh vùng sạt lở chưa rõ ràng, chi tiết, khó khăn trong việc triển khai.
Lực lượng chức năng nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm người mất tích dưới lòng sông
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: "Sạt lở đất bây giờ diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm Kiểm lâm 67, Đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Quảng Nam, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong cảnh báo".
Thứ trưởng Bộ TN&MT thông tin, hiện cả nước có hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở hiện nay là tỉ lệ 1/50.000. Muốn triển khai được chỉ đạo trong thực tế thì cần tối thiểu là bản đồ tỉ lệ 1/10.000, còn không thì phải là 1/5.000 và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ 1/500. “Sắp tới, Chính phủ chắc chắn sẽ có rất nhiều chỉ đạo và có đầu tư vào công tác này", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.
Về kinh nghiệm rút ra sau những trận lụt bão, sạt lở vừa qua ở Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, Thừa Thiên Huế có thêm phương châm “tự quản tại chỗ”. Chính quyền các cấp cần nâng cao năng lực chuyên nghiệp về phương tiện, thiết bị, con người phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt cứu nạn trên biển, trên khu vực sạt lở đồi núi hiểm trở, địa hình, thời tiết phức tạp.
Sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 chôn vùi cả nhà điều hành xuống dòng Rào Trăng
Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Thọ, cần phải nghiên cứu di dời ngay những hộ dân sống trong vùng xung yếu ven sông suối, chân núi đồi, tránh nguy cơ sạt lở. Quản lý dân cư đừng để người dân lấn sông, lấn biển làm nhà. Quản lý công trình thủy lợi, thủy điện từ khi thi công. Có chiến lược về phát triển rừng bền vững. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới trong khi hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét. Cần có những đánh giá thấu đáo về sự tàn phá của thiên tại, bão lụt, sạt lở để có giải pháp sống an toàn với thiên tai.
"Chúng ta cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa trong cảnh báo. Chỉ có đưa khoa học công nghệ vào thì cảnh báo mới tốt và nhanh được", Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề xuất.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia Địa lý ở ĐH Huế cũng cho rằng, nếu có đột phá về khoa học và công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng lực cảnh báo sớm. Bên cạnh đó cần đầu tư vào hệ thống thông tin về cơ sở để người dân tiếp nhận, sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc trong thiên tai.
Nhân lực và phương tiện được huy động tối đa tìm kiếm tại Thủy điện Rào Trăng 3
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để ứng phó lũ quét và sạt lở đất cần có giải pháp công trình và phi công trình. Ngoài việc đầu tư kinh phí xử lý, gia cố các điểm sạt lở, cần nâng cao nhận thức cho người dân, làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng. Thành lập các đội xung kích, lực lượng tìm kiếm cứu nạn kịp thời ứng phó giảm thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Một vấn đề khác không nên bỏ qua. T.S Tâm lý học ĐH Y-Dược, ĐH Huế Trần Như Minh Hằng lưu ý: Đào tạo và rèn luyện kỹ năng ứng phó, xử lý tình huống cho người dân ở các vùng nhạy cảm với thiên tai trong thảm họa cũng quan trọng không kém. Các nước phát triển đã rất quan tâm tới công tác này và nó phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân là hạt nhân quan trọng, họ sẽ góp phần xây dựng nên khối cộng đồng cố kết, chủ động trong phòng, chống thiên tai.
Nội dung: Nhóm PV - BTV
Hình ảnh: H.Triều - L.Thọ - T.Bình - N.Khánh - T.Tình - CTV
Thiết kế: Quang Thiều - Minh Quân
Concept: Minh Hà - Linh Tuệ