Đó không chỉ là ‘slogan’ của Bệnh viện (BV) Mắt Huế mà còn là mục tiêu phấn đấu, cống hiến suốt gần 40 năm qua của Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Phạm Minh Trường. Ông cũng là bác sĩ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu "Anh hùng phòng chống mù lòa" do Tổ chức Phòng chống mù lòa Thế giới IAPB trao tặng năm 2017.
Hôm nay, chị Hồ Thị B. ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đưa con trai Nguyễn V.Q. đến điều trị theo lịch hẹn. Ngược thời gian hai năm về trước, thị lực Q. đột nhiên giảm dần. Trái tim chị B. đau như thắt khi con vấp ngã liên tục, Q. đột ngột không thể đọc sách như bạn bè cùng trang lứa. Ánh sáng dần khép lại, một đứa trẻ hồn nhiên phải sống trong bóng tối, sợ hãi bởi căn bệnh đục thủy tinh thể (ĐTTT).
Người mẹ làm nghề chài lưới đến BV Mắt Huế lòng tràn đầy lắng lo bởi cảnh mưu sinh bấp bênh, lấy đâu ra chi phí để con trai chữa bệnh. Ấy vậy mà chương trình phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi nghèo đã giúp Q. tìm lại nguồn sáng. Người mẹ nghèo như trút gánh nặng trong lòng. Câu nói đầu tiên của cậu học sinh miền biển sau khi tháo băng là “Con thấy mẹ rồi! Con thấy mẹ rồi! Con đã đọc được chữ mẹ ơi!”
Q. là một trong hàng ngàn bệnh nhi nghèo khắp mọi miền tổ quốc hưởng lợi từ các chương trình phẫu thuật mắt miễn phí cho trẻ em nghèo của BV Mắt Huế. Bệnh nhi kém may mắn không chỉ có cơ hội điều trị, chăm sóc mắt miễn phí mà còn được tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại.
|
|
Khám sàng lọc cho các bệnh nhi bị bệnh về mắt tại Trung tâm Nhãn nhi |
Cũng tâm trạng hồi hộp, anh Võ Văn Hoan, một phụ huynh ở tỉnh Bình Định khép nép đứng góc phòng chờ khi con gái Võ Thị B.D. được Giám đốc BV Mắt Huế – BSCKII Phạm Minh Trường kiểm tra, đánh giá bệnh tình. 15 phút sau, gương mặt người cha khắc khổ giãn ra, ông run run dẫn con gái theo cô điều dưỡng làm thủ tục nhập viện.
“Con gái mình 16 tuổi, bị u mi, từng phẫu thuật tim. Nghỉ hè, hai cha con liền khăn gói ra Huế khám. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi nghe bác Trường giám đốc chỉ đạo ưu tiên xếp lịch nội trú, chờ mổ cho cháu thiệt tui mừng lắm lắm. Mong cháu sớm tìm lại được thị lực, xóa đi tâm lý mặc cảm bấy lâu nay”.
Không chỉ trẻ em thiệt thòi hưởng lợi, hàng chục ngàn người già được khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Trong đó, BS.Phạm Minh Trường tự tay mổ, tìm lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân ĐTTT thuộc chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”.
Mỗi ca phẫu thuật mang lại cho vị giám đốc BV Mắt Huế nhiều cảm xúc khác nhau. Trong dự án “Nâng cao năng lực chăm sóc mắt cộng đồng”, ông quyết định mổ ngay cho cụ bà Hồ Thị Tâm người Pako ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) trong vòng 1 ngày. Bà Tâm là cựu quân y, dành cả tuổi trẻ phục vụ kháng chiến. Nếu không mổ ngay, bà sẽ mù vĩnh viễn…
Thế rồi mấy tiếng đồng hồ sau, bà bước tự tin về ngôi nhà gỗ cười vui nhìn bầy cháu chưa hề biết mặt. Trong khoảnh khắc ấy, BS Trường thấm thía về sứ mệnh của người làm nghề y và hai chữ Y ĐỨC. Ông trải lòng: “Hai chữ Y ĐỨC thiêng liêng lắm. Để thực hành nó cần trải nghiệm và rèn dũa. Nếu giữ Y ĐỨC sẽ khó mà giàu song bù lại, anh sẽ nhận được sự yêu mến, tôn trọng từ xã hội mà nhiều nghề không có được”.
Trên hành trình gắn bó với chuyên khoa Mắt, BS Phạm Minh Trường không thể nhớ hết số người bệnh được ông giúp tìm lại nguồn sáng. Kiên định với con đường đã chọn dù phải trải qua nhiều thăng trầm, ông bảo, may mắn bản thân là được cống hiến cho nghề và đi cùng BV từ thuở sơ khai cho đến hôm nay.
Ban đầu, BS Trường chỉ là một phẫu thuật viên mổ lưu động và phòng chống mù lòa tại Trạm Mắt tỉnh. Năm 1996, ông trở thành BS chính của trạm và đồng hành với sự phát triển của đơn vị cho đến nay. Ngược dòng ký ức tháng ngày gian khổ, những chuyến đi tình nguyện đến vùng sâu vùng xa giúp người dân tìm lại ánh sáng, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ mắt khu vực miền Trung - Tây nguyên vẫn còn in sâu trong tâm trí. Ông nói rằng, người dân nghèo cho ông động lực học tập kỹ thuật mới, kết nối các dự án chăm sóc mắt miễn phí trong quãng đời khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
Bên cạnh đó, những người bạn, người đồng nghiệp đã truyền cảm hứng, giúp ông không ngừng nâng cao y thuật, rèn y đức. Một chuyên gia Hà Lan chấp nhận đi bộ giữa giá rét suốt 2 ngày chữa trị mắt cho người dân Nepal; Vị giáo sư người Nhật dốc tiền dành dụm mua trang thiết bị phẫu thuật mắt cho người nghèo ở Việt Nam… Vì sao họ hy sinh sự no đủ, thảnh thơi để hướng về bệnh nhân nghèo? Điều này khiến ông suy nghĩ và càng dốc lòng học tập, cống hiến, phụng sự cho nghề.
Môi trường sống và làm việc dung dưỡng cho ông tình yêu thương, chăm lo cho người bệnh bởi ông thấu hiểu nỗi đau, thiệt thòi mà họ trải qua. Điều này cũng được BS Trường quán triệt trong những lần đi tour ở các khu vực đón tiếp, bộ phận chăm sóc khách hàng. Nhiều trường hợp khó khăn từ các khoa phòng đề xuất, BV điều trị miễn phí, thậm chí còn được xe đưa về nhà. Hầu như ở BV ai cũng biết câu chuyện một phụ nữ nghèo không nhìn thấy suốt 3 năm trời, sau khi được BS Trường mổ hai mắt, chị đi bán ve chai và gánh nước thuê trở lại. Cứ dịp Tết, chị ghé gửi tặng bác sĩ cân hạt dưa vì “Nhờ có bác, tôi mới lao động trở lại, kiếm tiền nuôi gia đình”!
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, câu nói của người xưa vẫn còn nguyên giá trị nhắc nhở việc giữ gìn, bảo vệ đôi mắt – cửa sổ tâm hồn bao người… Bằng kinh nghiệm và tâm huyết, BS Phạm Minh Trường biến nó thành một “khẩu quyết” nhắc nhở bản thân mình và đội ngũ y bác sĩ: “Khéo đôi bàn tay, sáng đôi con mắt”. Trong mỗi phiên giao ban, bác sĩ Trường đều đề cao việc chăm sóc mắt người bệnh như chăm sóc đôi mắt của mình, từ đó truyền ngọn lửa nhiệt huyết và tình thương, trách nhiệm đến toàn cán bộ, nhân viên BV.
“Lúc BV còn ở cơ sở cũ, 22h mỗi đêm ông ấy mới rời phòng làm việc về nhà. Tôi học được ở ông ấy niềm đam mê và tận hiến cho công việc. Với cái mới, ông dốc sức dốc lòng tìm tòi áp dụng. Ở ông còn có sự táo bạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, điều hiếm thấy ở một lãnh đạo ngày nay”, một bác sĩ thâm niên trong nghề tự hào về người đồng nghiệp của mình.
Đến nay, BV Mắt Huế trở thành một trong bốn BV chuyên khoa Mắt hàng đầu của cả nước, là mô hình học tập của nhiều đơn vị trong toàn quốc. 99% trang thiết bị hiện đại điều trị tại BV được các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Có những dự án nước ngoài gối đầu 3 năm liên tục. 10 năm qua, đơn vị duy trì hiệu quả Dự án phẫu thuật mắt miễn phí cho trẻ em nghèo… Thành tựu to lớn này ghi dấu sự cống hiến của BS Trường.
Hễ nghe nơi nào có chương trình, dự án là ông tìm đến. Bản thân ông cũng tham gia nhiều hoạt động phẫu thuật phục vụ cộng đồng. Hỏi bí quyết, ông cười: “Mình có vốn ngoại ngữ trong những năm học ở nước ngoài nên thuận lợi giao tiếp. Nắm rõ thứ mình có và biết thứ đối tác cần. Cứ làm việc tích cực và nỗ lực hết sức thì sẽ đáp ứng yêu cầu của dự án. Cứ thế mình tạo được niềm tin để người ta chọn mặt gửi vàng”.
Một trong những đóng góp quan trọng cho cộng đồng của Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Phạm Minh Trường là triển khai thành công sáng kiến xây dựng mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới, thành lập 6 trung tâm khúc xạ ở cấp huyện, đưa dịch vụ chăm sóc mắt đến gần hơn với người dân. Bên cạnh đó, thông qua kết nối, ông đã phối hợp với Orbis Việt Nam tổ chức thành công chương trình "Bệnh viện Bay" 3 lần tại Huế, mang lại cơ hội đào tạo về lĩnh vực nhãn khoa cho các bác sĩ trên toàn quốc bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới trên máy bay DC - 10.
20 năm về trước, bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung thường phải đi Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh điều trị ĐTTT nhưng giờ đây, họ lựa chọn phương pháp mổ Phaco hiện đại tại BV Mắt Huế. Bình quân mỗi năm, BV này đón 6.500 trường hợp đến khám, phẫu thuật; 70% trong số đó là mổ Phaco. Bệnh nhân Vĩnh Long, 69 tuổi, TP. Huế quay lại BV lần thứ hai mổ mắt. Ông bảo: “Tôi được chăm sóc chu đáo, được điều trị ở khu dịch vụ sang như khách sạn. Chỉ vài ngày là đã xuất viện. Mắt sáng trở lại, sinh hoạt bình thường vui vẻ là mãn nguyện cho tuổi già”.
Còn ông Michael, bệnh nhân người Anh đánh giá: "Tôi muốn dành điểm 10 cho dịch vụ khám và phẫu thuật mắt của BV Mắt Huế. Hai lần mổ mắt cách nhau 2 tháng của tôi đều diễn ra rất tốt đẹp, kết quả điều trị thành công. Là một người sống xa quê hương, tôi thực sự cảm kích khi được chăm sóc sức khỏe chu đáo và đầy tình cảm từ các bạn".
Để có được dịch vụ tốt, thu hút nhiều người bệnh đến điều trị, bồi đắp thương hiệu BV nhãn khoa uy tín trong khu vực như hôm nay là nỗ lực bền bỉ của BS Trường cùng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo bài bản để trở thành một bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến cuối của khu vực Bắc Miền Trung… Tiên phong xây dựng văn hóa ứng xử chuyên nghiệp, nhân văn, lấy bệnh nhân làm trọng tâm; việc khảo sát, đánh giá chất lượng tại BV Mắt Huế diễn ra hàng quý. Trong những năm qua, tỉ lệ hài lòng người bệnh đối với dịch vụ BV tăng theo từng năm (Nội trú: 99,17%, Ngoại trú: 96%).
Dịch vụ ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ tỉ lệ hài lòng của người bệnh đạt từ 96- 99%
Cuối năm 2018, BV Mắt Huế tự chủ một phần, hiện nay đã tự chủ 100% chi thường xuyên. “Trên con đường tự chủ, mình thấy trách nhiệm và áp lực của người lãnh đạo. Đổi mới để phát triển, tự chủ là xu hướng chung; chỉ có như vậy mới tạo được sự năng động và thúc đẩy phát triển”, Giám đốc BV Mắt Huế khẳng định.
Tự chủ phải có khu kỹ thuật chuyên sâu, khu chăm sóc toàn diện chuẩn khách sạn, xây dựng BV “Xanh-Sạch-Đẹp”, xây dựng thành công mô hình Trung tâm Nhãn nhi thân thiện theo chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam và duy nhất khu vực miền Trung… Tất cả các sáng kiến này đều mang đậm dấu ấn của BS Phạm Minh Trường.
CNĐD Lê Thị Thùy Trang công tác tại BV Mắt gần 15 năm qua không giấu được lòng cảm phục về người lãnh đạo đơn vị. “Tại BV mình, ngoài lương, cán bộ, người lao động còn thu nhập tương đương 1 tháng lương nữa. Chia sẻ niềm vui này tại hội nghị tổng kết công đoàn ngành, nhiều đại biểu bên dưới xuýt xoa, thán phục, tự dưng lòng mình cũng trào dâng niềm tự hào. Phương châm làm việc của mình cũng được định hình và truyền cảm hứng từ người lãnh đạo suốt đời cống hiến vì người bệnh như BS Trường”, chị Trang bộc bạch.
|
|
TTUT, BSCK II Phạm Minh Trường nhận danh hiệu "Anh hùng phòng chống mù lòa" do Tổ chức Phòng chống mù lòa Thế giới IAPB trao tặng năm 2017 |
Cảm mến một bác sĩ tận tâm, tận lực với bệnh nhân, chuyên gia mắt Nhật Bản Tadashi Hattori giữ mối quan hệ tâm giao với BS Phạm Minh Trường trong suốt 20 năm qua, đồng thời thường xuyên phối hợp với BV Mắt Huế tổ chức khám, điều trị miễn phí cho người nghèo cũng như chuyển giao các kỹ thuật hiện đại cho đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Ông Tadashi Hattori cho hay: “Mỗi lần quay trở lại, tôi thấy tay nghề đội ngũ nâng lên rõ rệt. Những ca khó, các bác sĩ có thể tự thực hiện được. Sự hợp tác, chuyển giao thời gian qua thực sự phát huy hiệu quả”.
PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Với tâm huyết cùng tầm nhìn sứ mệnh của bác sĩ Phạm Minh Trường, BV Mắt Huế đã trở thành bệnh viện tự chủ đầu tiên của Sở Y tế Thừa Thiên Huế. Đây là một cột mốc ý nghĩa! Bệnh viện đã tạo ra được những khác biệt, đi đầu trong chiến lược phát triển, khẳng định thương hiệu và vươn tầm khu vực”! PGS Hảo lý giải sự khác biệt của đơn vị này một cách cặn kẽ: Linh hoạt trong việc tranh thủ các nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ và tập trung đầu tư trang thiết bị; Nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, tiếp cận ứng dụng khoa học tiên tiến của thế giới trong công tác khám chữa bệnh; Kết nối hiệu quả với mạng lưới chăm sóc mắt trên toàn quốc; Sáng kiến xây dựng mô hình dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
|
|
Ký kết dự án “Trao ánh sáng - tặng nụ cười" trị giá 200.000 USD do Tổ chức phòng chống mù lòa APBA đã hỗ trợ mang lại cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhi khó khăn trong cả nước |
“Ấn tượng của tôi về bác sĩ Phạm Minh Trường là cái tâm của một bác sĩ có tầm. Bằng cái tâm trong nghề, ông trở thành “thuyền trưởng” giỏi, chèo lái đưa BV Mắt Huế vươn xa. Riêng sáng kiến giúp cho công tác phòng chống mù lòa nói chung và người dân bị bệnh về mắt nói riêng được hưởng lợi trong điều trị. Không dừng lại ở đó, người bác sĩ đầy tâm huyết này cũng tạo nên một môi trường làm việc "bằng trái tim", giúp nhân viên được sống, cống hiến với nghề một cách đầy ý nghĩa”, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo nói thêm.
BV Mắt giờ đang xây dựng thêm một tòa nhà 5 tầng quy mô 150-200 giường bệnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Người ta bảo: “Bệnh viện ngày càng lớn lên, còn bác Trường thì không thay đổi chút nào”! Ông cười: “Tâm huyết sức lực của tôi dành hết cho con đường mình đã chọn. Con người về già sao tránh được tuổi tác; nhìn vào sự trưởng thành của bệnh viện, đã thấy bóng dáng mình trong đó rồi”.
Đúc rút bài học thành công trong điều hành và xây dựng BV Mắt hiện đại như ngày nay, ông vẫn rất khiêm nhường: “Cá nhân tôi khó mà làm nên việc lớn, tập thể chung sức chung lòng mới có được “cơ ngơi” phục vụ bệnh nhân chất lượng như hôm nay. Tôi chỉ là người gắn kết và truyền cảm hứng. Điều tôi tâm niệm và chia sẻ cùng anh chị em là muốn thành công phải có sự hy sinh. Hy sinh công sức, thời gian, tâm huyết, quyền lợi bản thân. Như vậy mới tạo được uy tín, mới xây dựng tập thể đoàn kết, cùng chí hướng”!
Bài: TUỆ NINH
Ảnh: T.NINH - PHAN THẮNG - BVCC
Clip: PHAN THẮNG
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN