ClockThứ Ba, 19/02/2013 10:41

Giấc mơ xuân

TTH - Trên miền đất dậm chất văn hoá Phú Vang, xã Phú Mậu nổi lên như một điểm son được nhiều người biết đến. Phú Mậu nằm về hạ lưu sông Hương, cách Tp Huế chừng 5km. Đây là vùng đất của vật và tranh làng Sình, của hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng...

1- Đến hẹn lại lên, hễ mỗi lần tới kỳ Festival Huế, một trong những địa chỉ mà chúng tôi “luôn” phải hướng về là Thanh Tiên - Làng Sình. Trước thì đi vì nhiệm vụ được phân công để viết bài làm ảnh; nay thì không ai bắt cả, nhưng không đi thì lại thấy bồn chồn, nhớ nhớ. Về Thanh Tiên vào nhà hoạ sĩ Thân Văn Huy để được ngắm tranh, ngắm hoa, ăn bánh ú tro, uống nước lá trong những cái bát sứ, được gặp anh em văn nghệ sĩ… tự nhiên nghe lòng cứ nhẹ nhõm thảnh thơi như lâu ngày được trở về quê mẹ.

Hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ trong ngày hội


Điều rất đáng mừng là ngày càng có nhiều người tìm về với Phú Mậu trong những kỳ Festival. Không chỉ dân chúng trong tỉnh mà còn có cả du khách trong và ngoài nước, bà con Việt kiều ở khắp nơi về tụ hội. Điều rất đáng mừng nữa là dù đã có lần hoạ sĩ họ Thân từng bày tỏ sự mỏi mệt. Nhưng rồi, anh vẫn tiếp tục chăm chút cho ngôi nhà của mình ngày mỗi dễ thương quang rạng hơn; vẫn suy nghĩ để các hoạt động văn hoá nơi miền sông nước Thanh Tiên ngày càng phong phú, ngày càng sang trọng…

2- Tuy nhiên, không chỉ đến Festival Huế người ta mới biết tới Phú Mậu-Thanh Tiên-Làng Sình, mà miền đất này đã “nổi đình nổi đám” cách đây từ hàng trăm năm rồi với một hoạt động đẫm chất văn hoá và tinh thần thượng võ mà hễ nghe nhắc là không ai không biết: Hội vật làng Sình.

 

Dù ai đi đó về đây

Ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình.


Hội vật làng Sình đã có từ hơn 400 năm trước và được duy trì cho đến nay. Cứ sau Tết Nguyên đán, dân làng Sình lại háo hức bắt tay trang hoàng cờ xí rợp trời, dựng đài, đắp sới ngay trước đình làng, chờ mồng Mười khai hội.


Trước, hội chủ yếu quy tụ các đô vật trong làng và một số vùng lân cận. Nay thì mở rộng toàn tỉnh. Cứ mồng Mười đúng hẹn, các đô vật lại tụ về so tài. Nguyên tắc là cứ làm được cho đối thủ “lấm lưng, trắng bụng” là thắng. Trước đây, một đô vật được xem là vô địch khi trụ lại một mình trên sới cho đến bao giờ không còn đối thủ. Nay thì cải tiến, có xếp cặp, sơ kết, bán kết, chung kết hẳn hoi.


Sự hấp dẫn của Hội vật đã khiến cho làng Sình trở thành điểm hẹn khó quên đối với nhiều người. Con em của làng từ xa về có, khách từ các địa phương trong tỉnh có, ngoại tỉnh có; khách “tây” du lịch nghe tiếng cũng tìm về, cũng reo hò cổ vũ… Ngành du lịch Huế đã tổ chức các tour du lịch bằng thuyền rồng đưa du khách từ Huế theo sông Hương về dự khán.


Số người tìm về với Vật làng Sình “bùng nổ” đến mức mấy năm gần đây, địa phương này đã quyết định dời sới vật từ trước sân đình ra một vị trí khác rộng rãi hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với việc làm này. Lý lẽ của họ là Hội vật phải gắn với không gian văn hoá tâm linh - tức đình làng. Mang đi chỗ khác thì còn gì ý nghĩa! Còn người đông? Hãy mượn sân, vườn của các hộ dân xung quanh để dựng khán đài. Đâu phải là không có giải pháp… Chưa biết ai là người hữu lý. Chỉ biết rằng dân nhiếp ảnh thì tiếc hùi hụi bởi đã mất đi cái hậu cảnh quá “đắc địa” là đình làng Sình cho mỗi bức ảnh về Hội vật.


3- Mỗi lần về Phú Mậu, tôi còn không thể bỏ qua cái thú dạo quanh những con đường làng lộng gió ven sông để được thoả thuê ngắm nhìn những thảm hoa xanh đỏ tím vàng mà nhiều người dân nơi đây vun trồng chờ ngày sóc vọng hay lễ Tết. Xưa thì chỉ trồng các loại hoa cúc vàng, vạn thọ truyền thống. Nay đã nhập về các giống hoa cao cấp mà thị trường đang chuộng.


Ở Phú Mậu, từ năm 2005, một khu đất nguyên là đồng đất năng suất thấp ở thôn Tường Vân đã được chọn quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh hoa chất lượng cao. Và từ những diện tích đầu tiên, nay hoa chất lượng cao không chỉ có trong khu quy hoạch mà đã toả lan nhiều nơi trong xã. Ấy là bởi nghề trồng hoa cao cấp đã khẳng định ưu thế của nó. Cây hoa bây giờ đã giúp nhiều gia đình sung túc, nuôi con cái ăn học dễ dàng hơn. Dịp lễ, Tết, rằm, mồng Một,… nhiều người lại tìm về Phú Mậu mua hoa, xem hoa. Nhất là những ngày cận Tết, thiên hạ khắp nơi đổ về. Người thì mua hoa cành, người lại chọn mua cả cây, lại có người buôn hàng sĩ... Quang cảnh đông vui tựa ngày hội.


Lang thang giữa những đồng hoa đang khoe sắc rực rỡ trong nắng xuân, chợt vẩn vơ tự “thiết kế” một tour gòn gọn từ Huế về Phú Mậu. Đầu tiên là ghé tham quan, lễ Phật và dùng cơm chay tại chùa Ba La Mật- Ngôi chùa nằm trên đường Nguyễn Sinh Cung từ Huế về Thuận An thuộc địa phận xã Phú Thượng, do quan Bố Chánh Nguyễn Khoa Luận (Viên Giác Đại sư) lập ra năm 1886 để tu học sau khi treo ấn từ quan. Các thế hệ đệ tử truyền thừa đã tiếp nối bồi đắp, tu bổ khiến Ba La Mật giờ đây trở thành một cảnh chùa trang nghiêm và danh tiếng của Huế. Rời Ba La Mật, du khách ghé thăm và mua lộc đầu xuân tại phiên chợ Gia Lạc - Một phiên chợ đặc biệt của Huế do Định Viễn Quận vương Nguyễn Phúc Bình - con thứ 6 của Vua Gia Long lập ra dưới thời Minh Mạng vào Tết Bính Tuất, 1826. Rồi từ chợ Gia Lạc về thẳng Phú Mậu trải nghiệm cùng hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, thăm nhà lưu niệm chí sĩ Nguyễn Chí Diểu, tham gia các trò chơi, các hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian...Đêm về, thưởng ngoạn hoa đăng, đèn trời. Và sáng hôm sau thì Vật Sình khai hội. Tất nhiên, ấy mới chỉ là phác hoạ. Còn nếu đi vào thực hiện thì cần phải tính: Kết nối thời gian như thế nào; Phục dựng chợ Gia Lạc ra sao; Các trò chơi, các hoạt động văn hoá văn nghệ gì được chọn lựa; rồi chuyện ẩm thực, lưu trú cho đến vệ sinh... Những cái đó các nhà tổ chức đều cần phải đặt ra.


Cự ly từ Huế về không xa, các điểm đến và các hoạt động đều gọn ghẽ, lại gắn với hạt nhân là nghề làm hoa giấy, tranh giấy, vật làng Sình - những hoạt động văn hoá tinh thần thiêng liêng có bề dày hàng trăm năm của người dân. Do vậy, tôi vẫn tin rằng một tour như trên là hoàn toàn có tính khả thi. Vấn đề là Phú Vang có mạnh dạn và quyết tâm để làm?

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top