ClockThứ Năm, 11/03/2021 13:30

Giải pháp hay, rào cản tốt

TTH - Bên cạnh góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, nó đồng thời sẽ tạo một rào cản khá hay ngăn chặn việc lợi dụng chính sách, tránh xuất hiện những con đường “cong cong mềm mại” từng gây nhiều tai tiếng…

Bàn giao mặt bằng sạch tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước 31/12/2020Hương Trà: Đối thoại giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằngChủ tịch UBND tỉnh cảm ơn người dân Eo Bầu sớm bàn giao mặt bằng cho di tíchĐẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Khu vực 1 Kinh thành Huế

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đống Đa (2013)

Thời gian này, đoạn nối dài con đường Đào Tấn nối từ điểm tiếp giáp đường Phan Bội Châu (PBC) ra Điện Biên Phủ (ĐBP) đang được triển khai thực hiện. Để mở đoạn đường này, nhiều gia đình phải chấp nhận giải tỏa, tái định cư. Một số người, nhất là chủ nhân của những ngôi nhà đang ở mặt tiền PBC, ĐBP, dù không nói thì ai cũng hiểu, dẫu được đền bù tái định cư hợp lý đi nữa vẫn luyến lưu chỗ ở cũ - nơi mà vốn dĩ gia đình họ đi lại thuận lợi, và đang có mặt tiền để làm ăn, sinh sống.

Nhưng ngược lại, rất nhiều người khác lại mừng vui như trúng số. Nhà đang trong hóc trong hẻm, bỗng một phát nhảy ra mặt tiền. Phong quang rạng rỡ, vào ra thênh thang, và giá trị đất đai nhà cửa cũng theo đó mà tăng lên ào ạt. Một anh có nhà trong khu vực dự án nối dài đường Đào Tấn hào hứng chia vui với tôi: “Nhà em nằm trong con kiệt nhỏ có chút xíu, khi làm nhà ai cũng bảo rằng em “điên”, đem cả đống tiền ra vứt trong cái chẹt. Nhưng bữa nay đường mở, nhà em tự dưng lộ hẳn ra phố, lại còn được nhận tiền đền bù mấy chục triệu. Đúng là trời thương!”.

Tôi chia vui với anh, nhưng lại nghĩ sao… “kỳ dzậy”. Bỗng chốc được hưởng một món lợi lớn, lại còn được đền bù là nghĩa thế nào? Kiểu ấy những người bị giải tỏa hết, buộc phải di dời làm sao mà không so bì, tâm tư? Đó là nói suôn sẻ, chứ còn có nhiều dự án vận động chán, thương lượng chán người bị giải tỏa vẫn không chịu bàn giao mặt bằng. Có khi phải tổ chức cưỡng chế đi cưỡng chế lại. Mệt mỏi tốn kém vô kể. Ấy là di dời, chứ có những trường hợp mở đường, chỉ mất một phần diện tích không lớn, vậy mà người ta cũng kiện tụng, cò cưa chán chê để yêu sách tăng giá đền bù mới chịu, bởi cho rằng đất/công trình của họ tọa lạc ngay mặt tiền, giá mỗi mét vuông vài chục triệu, sao lại áp đền bù như vậy như kia…Đến khi thống nhất đền bù xong, đường mở, lề hoàn thiện. Cả con đường trở nên sáng trưng, lề phố rộng rãi sang chảnh, thì cũng chính cái gia đình cò kè áp giá kia là người hưởng lợi trực tiếp và lâu bền nhất. Thế mà chỉ vì một vài trường hợp như họ, cả công trình đình đốn, nham nhở kéo dài gây khổ gây sở cho cả cộng đồng.

Nhiều người bực bội, nói Nhà nước mình sao mà “khờ” quá, bỏ tiền bỏ công làm đường mở phố, nhưng cuối cùng ai hưởng lợi đâu cả, còn Nhà nước thì phủi tay, bô lô chi trợt. Tất nhiên, đó là vì bực quá mà nói, chứ Nhà nước thì đầu tư, dân hưởng lợi, tỉnh/thành phố có hạ tầng để phát triển, sao gọi là mất? Chính xác là như thế.

Dẫu vậy, cách làm như lâu nay vẫn khiến nhiều người thấy nó bất hợp lý thế nào. Rất nhiều người cho rằng nên làm theo cách của Đà Nẵng trước đây. Đã mở đường là tính toán giải tỏa rộng luôn 2 bên tuyến để tạo quỹ đất, sau đó, hạ tầng xong thì quỹ đất kia cho đấu, có tính toán ưu tiên cho người dân sở tại trước kia. Kinh phí đấu đất dùng bù lại cho khoản đầu tư mở đường, làm hạ tầng, đền bù giải tỏa… Như thế vừa tránh được tình trạng các đối tượng thuộc diện giải tỏa người này nhìn người kia “so bì tị nạnh”, lại vừa phát triển phố sá đẹp đẽ, hợp quy hoạch chứ không phải nhà cửa mặt tiền mà cái nghiêng cái thẳng do đột nhiên mở mắt thấy nhà ra phố…

Chuyện ở Đà Nẵng là nghe vậy, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh thì biết chắc là đã từng thực hiện khi mở đường Nguyễn Hữu Thọ từ Quận 7 đi Nhà Bè. Mới đây biện pháp này đã chính thức là một trong những nội dung của đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố phê duyệt (Tuổi trẻ 20/2/2021). Tất nhiên, không phải là tất cả đều đồng thuận, thậm chí có người còn dùng chữ nghĩa để mai mỉa chính quyền là “nhà buôn địa ốc”. Cá nhân tôi thì không hoàn toàn nhất trí với nhận xét hơi thiếu thiện chí ấy. Nhà nước đương nhiên trước hết phải lo cho dân, phải nghĩ đến cái đại thể của bộ mặt, của hạ tầng đô thị… Cái đó có lẽ không cần phải lên lớp. Nhưng “biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm” khi thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trong đề án của TP. Hồ Chí Minh vừa đề cập đâu phải để bỏ túi chia nhau mà gọi là “nhà buôn”?!!

Đất nước ta chưa giàu, nguồn lực còn hạn chế, nhu cầu hạ tầng lại còn rất lớn thì đó cũng là giải pháp rất hay để tập hợp thêm nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH. Và bên cạnh đó cũng quan trọng không kém, nó sẽ là một rào cản khá hay để ngăn chặn việc lợi dụng chính sách, tránh cho đất nước xuất hiện những con đường “cong cong mềm mại” đầy tai tiếng như đã từng xảy ra nơi này, nơi khác.

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top