ClockThứ Bảy, 10/10/2015 15:19

Giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết

TTH - Giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) là một trong những nội dung quan trọng của giám sát dịch tễ, góp phần phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Việc giám sát này cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là vào thời điểm mùa bệnh phát triển để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp. Để hiểu hơn về vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Võ Hinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - ký sinh trùng, côn trùng tỉnh.

Thưa bác sĩ, tác nhân nào gây bệnh SXH?

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là vi-rút Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 típ huyết thanh ký hiệu DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Thời gian ủ bệnh 3-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Lưu ý bệnh nhân, nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, trong vòng 5 ngày đầu của thời kỳ sốt là giai đoạn ở máu có nhiều vi-rút nhất. Muỗi bị nhiễm vi-rút thường sau 8-12 ngày sau khi hút máu người bệnh và có thể truyền bệnh sang cho người lành, đồng thời có khả năng truyền bệnh suốt đời. Tất cả mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu sốt xuất huyết đều có thể mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với típ vi-rút Dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các típ vi-rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với típ vi-rút khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện tình trạng sốc. Bệnh không có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi truyền bệnh Aedes aegypti và Aedes albopictus đốt máu người bệnh có mang vi-rút sau đó truyền vi-rút sang cho người lành qua vết đốt; Aedes aegypti là loài muỗi truyền bệnh chủ yếu ở khu vực đô thị, còn Aedes albopictus thường là loài muỗi truyền bệnh ở vùng nông thôn và miền núi. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng chống cơ bản nhất vẫn là khống chế trung gian truyền bệnh, đặc biệt là diệt lăng quăng và bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng; đây là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn còn có những mặt hạn chế.  
Vậy phải thực hiện giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết như thế nào để bảo đảm an toàn tính mạng?
Bệnh nhân sốt xuất huyết là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, trong vòng 5 ngày đầu của thời kỳ sốt là giai đoạn ở máu có nhiều vi-rút nhất. Muỗi bị nhiễm vi-rút thường sau 8-12 ngày sau khi hút máu người bệnh và có thể truyền bệnh sang cho người lành, đồng thời có khả năng truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, việc giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết là một yêu cầu quan trọng trong các nội dung giám sát dịch tễ. Phải luôn giám sát, phát hiện ca bệnh. Bệnh nhân sốt xuất huyết bao gồm ca bệnh lâm sàng hay ca bệnh giám sát và ca bệnh xác định. Ca bệnh lâm sàng thường gọi là ca bệnh giám sát được phát hiện, ghi nhận ở những người sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hay có bệnh sốt xuất huyết lưu hành trong vòng 14 ngày có biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt liên tục 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: biểu hiện xuất huyết với nhiều mức độ khác nhau như nghiệm pháp dây thắt dương tính, có chấm hay mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn. Da xung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì. Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Ca bệnh xác định là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật ELISA (enzyme linked immunosorbent assay) để phát hiện IgM (immunoglobulin M) hoặc NS1 (nonstructural 1), phân lập vi-rút hoặc xét nghiệm PCR (polymerase chain reaction). Bệnh phát hiện được phân loại ca bệnh theo hướng dẫn quy định gồm sốt xuất huyết nhẹ, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.
Ngoài ra, phải thực hiện báo cáo thường kỳ. Cần thu thập đầy đủ những thông tin về tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trong cộng đồng và những bệnh nhân đã tiếp nhận khám, điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân với số lượng mắc, tử vong theo số ca bệnh lâm sàng và số ca bệnh xác định, phân loại ca bệnh, phân nhóm tuổi từ 15 tuổi trở xuống và trên 15 tuổi; ghi rõ tên địa phương có ca bệnh, thời gian mắc bệnh. Sau đó, thực hiện việc báo cáo theo mẫu và thời gian quy định. Khi có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, địa phương phải có trách nhiệm thu thập thông tin đầy đủ theo mẫu quy định, gửi báo cáo ngay về Bộ Y tế và các viện khu vực liên quan nơi bệnh nhân tử vong cư trú trước đó đối với trường hợp tử vong là người ngoại tỉnh.
Việc giám sát trọng điểm sốt xuất huyết cũng rất quan trọng?
Đúng vậy. Giám sát trọng điểm sốt xuất huyết có mục đích xác định xu hướng diễn biến của bệnh ở địa phương thông qua việc kết hợp và phân tích các dữ liệu liên quan đến bệnh gồm số liệu ca bệnh, chỉ số trung gian truyền bệnh và xét nghiệm phát hiện vi-rút Dengue. Cần chọn cơ sở để thực hiện việc giám sát trọng điểm. Mỗi khu vực chọn 2 tỉnh, riêng Tây Nguyên chọn 1 tỉnh; ở mỗi tỉnh chọn 1 điểm giám sát tại bệnh viện quận, huyện, thị xã và 1 điểm giám sát tại cộng đồng thường là xã, phường, thị trấn không phải là trọng điểm của tỉnh. Mỗi tỉnh chọn 1 điểm giám sát tại bệnh viện huyện, thị xã, thành phố; số điểm giám sát có thể mở rộng tùy theo khả năng của từng tỉnh và số điểm giám cộng đồng theo tỷ lệ phần trăm số xã, phường, thị trấn trọng điểm được quy định cụ thể trong kế hoạch hoạt động hàng năm. Việc giám sát trọng điểm sốt xuất huyết được thực hiện tại bệnh viện và tại cộng đồng theo các nội dung quy định. Tại bệnh viện, phải phát hiện, lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các ca bệnh đến khám hoặc nhập viện theo ca bệnh lâm sàng hay ca bệnh giám sát và thực hiện báo cáo theo mẫu phiếu điều tra bệnh nhân. Tại cộng đồng xã, phường, thị trấn; phải giám sát bệnh nhân, báo cáo theo mẫu phiếu điều tra bệnh nhân quy định; đồng thời cũng phải thực hiện việc giám sát trung gian truyền bệnh và giám sát huyết thanh.
Xin cám ơn bác sĩ!
Đinh Hoàng Xuân Hồng (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Return to top