ClockThứ Ba, 26/09/2023 13:53

Chuyện lạm thu, học thêm: Khi 'tự nguyện' trên tinh thần 'bắt buộc'

Có nhiều khoản thu mang tên “tự nguyện” nhưng thực tế có tính chất cào bằng, nhiều môn học tăng cường được chèn vào giờ học chính khóa... khiến việc đăng ký tự nguyện vô hình trung trở thành bắt buộc.

Đào tạo lao động trước xu thế dịch chuyển việc làmKhông để nóng chuyện lạm thu đầu năm học mớiHội thảo chuyên đề “Xây dựng văn hóa nhà trường, hướng tới trường học hạnh phúc”Thúc đẩy thực hành tiết kiệm năng lượng dành cho học sinh

Năm nào Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng có hướng dẫn, chỉ đạo về vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN) 

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc những khoản thu và đóng góp mang tên “tự nguyện” lại trở thành "vấn đề nóng," là mối bận tâm của nhiều phụ huynh.

Bên cạnh đó, hàng loạt các lớp dạy thêm, tăng cường, liên kết được triển khai trong nhà trường cũng khiến phụ huynh “quá tải” khoản chi.

Dù năm nào Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng có hướng dẫn, chỉ đạo về vấn đề này nhưng bằng nhiều cách khác nhau, danh mục những khoản thu đầu năm học vẫn trở thành “gánh nặng” của nhiều gia đình.

Loại bỏ những khoản thu bất hợp lý

Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tuy nhiên, hiện nay, việc "lạm thu" vẫn len lỏi trong các nhà trường, dưới danh nghĩa ban phụ huynh, đặc biệt vào dịp đầu năm học. Nhiều phụ huynh chia sẻ rất “sợ” tham gia các buổi họp phụ huynh vì danh mục các khoản thu dưới danh nghĩa “xã hội hóa,” từ tiền mua điều hòa, rèm cửa, tivi… thậm chí mua máy tính xách tay cho giáo viên hay các khoản trang trí lớp học, quà tặng dịp lễ Tết.

Có nhiều khoản thu mang tên “tự nguyện” nhưng thực tế có tính chất cào bằng, mức thu từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/học sinh. Thay vì đóng góp, ủng hộ tùy vào tấm lòng, hoàn cảnh gia đình thì nay lại bị buộc phải đóng theo số tiền đã ấn định.

Mới đây, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2023-2024 của Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), Ban Phụ huynh lớp 12 Văn đã thu của mỗi phụ huynh học sinh 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ phụ huynh. Một số phụ huynh học sinh đã đóng khoản quỹ này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) 

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, cho biết căn cứ hướng dẫn về công tác thu chi năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các văn bản liên quan, nhà trường đã họp với đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm các lớp.

Sau đó, nhà trường ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi, nêu rõ yêu cầu Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh lớp phải thực hiện đúng các quy định, đặc biệt là Điều 10 (về kinh phí hoạt động của Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh) trong Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, lớp 12 Văn chưa thực hiện đúng, đủ quy định, để xảy ra bức xúc trong phụ huynh học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản tiền đã thu cho từng phụ huynh học sinh.

Nhà trường cũng tổ chức cuộc họp bất thường, triệu tập giáo viên chủ nhiệm của các lớp để rà soát tình hình thực hiện các khoản thu ở từng lớp, đồng thời, quán triệt một lần nữa các văn bản hướng dẫn, quy định liên quan đến công tác thu chi tới giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu nghiêm túc chấp hành. Cá nhân, tập thể nào để xảy ra vi phạm, tùy mức độ sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Thời gian qua, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước đã đưa ra văn bản quy định rõ các khoản được phép thu-chi trong nhà trường để tránh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, để xảy ra những bức xúc liên quan đến lạm thu, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh cũng cần lên tiếng.

Việc “ngại va chạm,” sợ con em mình bị trù dập hay tẩy chay sẽ khiến tình trạng lạm thu khó giải quyết triệt để. Mỗi phụ huynh phải chủ động tìm hiểu, nắm được cần phải đóng khoản gì và không đóng khoản gì, từ đó mạnh dạn, thẳng thắn nêu ý kiến về những khoản thu bất hợp lý.

Chấn chỉnh dạy thêm, dạy tăng cường-liên kết trong nhà trường

Có thể thấy, việc dạy thêm-học thêm tại các trường, nhất là trường phổ thông hiện nay diễn ra dưới nhiều hình thức: phụ đạo, dạy tăng cường, liên kết, bồi dưỡng nâng cao, câu lạc bộ… Dù trên tinh thần tự nguyện đăng ký nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra e ngại, không dám từ chối khi nhà trường đưa ra gợi ý về các lớp học này. Vì vậy, đầu năm học cũng là lúc phụ huynh ký vào các tờ đơn “tự nguyện xin học” cho con với mức chi thêm vài trăm nghìn đồng/tháng cho mỗi lớp học, khóa học…

Hiện nhiều phụ huynh tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang bức xúc với việc dạy học chương trình Tiếng Anh liên kết (iSmart) ở một số trường tiểu học. Cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột đã ký công văn thống nhất cho 16 trường tiểu học trên địa bàn liên kết với đơn vị tổ chức dạy học Tiếng Anh thông qua Toán và Khoa học (iSmart, học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh) trong năm học 2023-2024. Việc tham gia học tập là không bắt buộc, trên tinh thần tự nguyện và đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Nhà trường tổ chức dạy học phải phù hợp với quy định, điều kiện thực tế của đơn vị.

Theo chia sẻ của phụ huynh, đầu năm học, dù phụ huynh chưa quyết định đăng ký cho con theo học Ismart, trường vẫn phát 2 cuốn sách giáo trình của môn học này và lồng ghép các tiết học xen kẽ giờ học chính khóa. Điều đó khiến các phụ huynh băn khoăn vì không khác gì “tự nguyện trong bắt buộc."

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, thừa nhận mới đây, lãnh đạo Sở nhận được thông tin việc triển khai học Ismart tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh không bằng lòng với cách triển khai của các trường. Do đó, Sở sẽ chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xác minh thông tin, nếu phát hiện vi phạm sẽ chấn chỉnh và hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Vừa qua, phụ huynh một số trường tại huyện Hưng Hà (Thái Bình) cũng nhận được từ giáo viên phiếu đăng ký tham gia lớp "Tiếng Anh tăng cường" với người người nước ngoài. Địa điểm học tại phòng học của nhà trường với thời lượng 1 tiết/tuần và học phí mỗi tháng là 130.000 đồng/học sinh. Nhiều người không đồng tình và đặt câu hỏi nếu trong lớp chỉ có vài học sinh không đăng ký tham gia thì giờ đó các em sẽ học gì.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Hà đã yêu cầu dừng ngay việc liên kết với công ty, trung tâm ngoại ngữ triển khai mở lớp Tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho học sinh.

Trên thực tế, những lớp học liên kết như ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hay Hưng Hà (Thái Bình) chỉ là ví dụ trong số nhiều lớp tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống, STEM… đang diễn ra tại các trường học trong cả nước, thậm chí một số trường còn chèn các môn học tăng cường vào giờ học chính khóa để phụ huynh chỉ có thể "tự nguyện" trên tinh thần bắt buộc.

Nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, một số Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố đã có công văn lưu ý về vấn đề này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khóa. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Đối với dạy học làm quen tiếng Anh của trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa quy định mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng vừa có văn bản nêu rõ các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm; thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường; theo đúng kế hoạch đã báo cáo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cho biết Sở đã quyết định tạm dừng việc cho các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời, rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình để tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện và đảm bảo quy định.

Như vậy, những văn bản được các Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành là cần thiết nhưng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động thu-chi, dạy thêm, học thêm, hoạt động liên kết... vẫn phải thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp làm trái quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội./.

Theo TTXVN/Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh “lạm thu” đầu năm học

Các khoản thu đầu năm học không vượt quá mức thu tối đa được quy định trong Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND. Điều này giúp các trường không “vượt khung”, tránh xảy ra “lùng bùng” trong các khoản thu đầu năm.

Tránh “lạm thu” đầu năm học
Niềm tin.

Lâu nay, tôi luôn mặc cảm với các giáo viên dạy thêm vì những câu chuyện không hay do học sinh và phụ huynh kể lại. Chẳng hạn như nếu không học thêm thì học sinh đó sẽ thua kém bạn trong lớp, do giáo viên dạy bài mới cho học sinh học thêm từ hôm trước.

Niềm tin
Dạy thêm & học thêm: Chuyện cũ vẫn nóng

Trước vấn nạn dạy thêm và học thêm tràn lan, một số ý kiến cho rằng cần đưa hoạt động này thành nghề kinh doanh có điều kiện. Giải pháp của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế là tổ chức cho học sinh thi chung đề ở các kỳ kiểm tra định kỳ, tránh tình trạng "trúng tủ".

Dạy thêm  học thêm Chuyện cũ vẫn nóng
Sẽ không có tình trạng lạm thu trong năm học mới

Tất cả các trường tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương để có mức thu hợp lý, tuy nhiên, không thể vượt khung trong Nghị quyết số 05/2022/NQ – HĐND. Phụ huynh cũng phấn khởi khi mọi khoản thu đầu năm đều được công khai, minh bạch.

Sẽ không có tình trạng lạm thu trong năm học mới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top