|
|
Giáo viên chủ nhiệm không dạy thêm học sinh ở bậc tiểu học (ảnh minh họa) |
Nghề kinh doanh có điều kiện
Ngoài cho con học thêm ở trung tâm tiếng Anh, mỗi tuần 2 lần, chị Nguyễn Thị Yến (phường Vĩnh Ninh, TP. Huế) đều chở con đến lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm. Dù biết con mệt mỏi song chị Yến cho rằng, học thêm là nhu cầu có thật của gia đình. Với sĩ số hơn 40 học sinh/lớp, con chị khó tiếp thu kiến thức nếu chỉ học ở trường. Cũng theo chị Yến, vợ chồng chị không có nhiều thời gian để dạy con nên học thêm được xem là giải pháp ổn thỏa.
Làm một cuộc khảo sát với phụ huynh ở các trường trung tâm, kết quả cho thấy đa số đều cho con đi học thêm. Thế nên, học sinh học giáo viên gần nhà, gia sư về nhà dạy và cả học thêm với giáo viên chủ nhiệm. Riêng những học sinh có ý định thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương thường chọn thầy giỏi, có kinh nghiệm.
Theo nhiều phụ huynh, bản chất của dạy thêm, học thêm không xấu vì giúp bổ sung kiến thức bị thiếu hụt. Nó chỉ xấu khi có một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo, dọa nạt học sinh phải học thêm. Thế nên, nhiều hiệu trưởng ở các trường cho biết, luôn quán triệt và yêu cầu giáo viên có cam kết khi tổ chức dạy thêm.
Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, cử tri một số địa phương kiến nghị cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc dạy thêm và học thêm. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17 quy định, hướng dẫn việc này. Cụ thể, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau. Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, sẽ bổ sung quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Bộ GD&ĐT nên xây dựng quy định cụ thể và giao trách nhiệm quản lý xuống từng địa phương, thậm chí là từng trường học. Địa phương phải có trách nhiệm giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.
Học thật và thi thật
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, cách tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng dạy và học, học thật và thi thật. Từ học kỳ II năm học 2022-2023, sau mỗi kỳ kiểm tra định kỳ, các phòng GD&ĐT phải tổng hợp toàn bộ dữ liệu đề để quản lý, phục vụ công tác phân tích chất lượng đề của từng trường, xử lý những vấn đề tiêu cực (nếu có) phát sinh trong việc tổ chức dạy thêm học thêm gây bức xúc dư luận xã hội.
Cũng theo ông Tân, về định hướng lâu dài, từng bước triển khai thực hiện theo hướng chung đề trường ở các kỳ kiểm tra định kỳ, chung đề huyện (tùy vào điều kiện, bậc học) ở các kỳ kiểm tra khối cuối cấp theo phân cấp quản lý; chung đề tỉnh ở các kỳ kiểm tra định kỳ, cuối kỳ khối 12; đồng thời, tiếp tục xây dựng hoàn thiện ngân hàng đề đáp ứng mục tiêu trên. Yêu cầu các kỳ thi, kiểm tra phải được tổ chức chặt chẽ; các cấp quản lý thực hiện cương quyết và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong tổ chức thi, kiểm tra.
Để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm và học thêm, theo các chuyên gia cần nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng. Đồng thời, từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường nhằm giảm áp lực học thêm.