ClockThứ Bảy, 27/05/2017 13:21

Cô giáo Nhã Uyên và câu chuyện về cậu học trò tự kỷ

TTH - Bằng sự yêu thương, cô giáo Lê Thị Nhã Uyên, Trường tiểu học (TH) Phú Thượng 1 (Phú Vang) đã giúp một học sinh tự kỷ hòa nhập với cộng đồng. Câu chuyện về em chính là đề tài giúp cô giáo Nhã Uyên đạt giải nhất tại cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn tỉnh năm 2017.

Cô giáo Nhã Uyên như người mẹ thứ hai của Huy Hoàng

Năm học 2013 - 2014, cô giáo Lê Thị Nhã Uyên nhận công tác tại Trường tiểu học (TH) Phú Thượng 1 và được giao chủ nhiệm lớp 2/4. Cô giáo phải đối diện ngay với học sinh Nguyễn P. H. H. bị tự kỷ. Em gần như không biết nói, thường xuyên la hét, đập đầu vào tường… khiến cho lớp học náo loạn. Có hôm cô giáo đang giảng bài, em bất thình lình lên cơn rồi ngã vật xuống nền nhà. Cô nhớ lại: “Lần đầu tiên rất lúng túng, nhưng rồi, tôi tự nhắc mình không phải là giáo viên duy nhất gặp trường hợp như thế này. Đồng nghiệp làm được thì mình cũng phải làm được!”.

Từ đó, mỗi lần H. lên cơn, cô giáo Nhã Uyên đều nhanh chóng trấn tĩnh lại để xử lý tốt sự việc. Thời gian trôi qua, tình thương dành cho cậu học trò thiếu may mắn ngày càng lớn. Mỗi ngày đến lớp, cô lại lên kế hoạch sẽ làm gì để hôm nay H. ít lên cơn co giật hơn để ít ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Thế là, vừa giảng bài, cô giáo Nhã Uyên vừa quan sát H.. Những lúc em tỉnh táo, cô cố động viên. Cô tìm gặp phụ huynh trao đổi về bệnh tình để cùng tìm hướng giải quyết. Hoàng mắc bệnh từ nhỏ, 3 tuổi em vẫn chưa biết nói và thường xuyên quấy khóc. Lên lớp 1, em học tại Trường TH Lý Thường Kiệt, nhưng chỉ được 1 tuần thì nhà trường trả về. Sau đó, em được nhận vào học tại Trường TH Phú Thượng 1 cho đến nay. Điều khiến cô giáo Nhã Uyên suy nghĩ là, H. chỉ quậy phá ở lớp nhưng lại rất nghe lời bố mẹ. Vì thế, hôm nào bố mẹ em cũng mượn vở của các bạn cùng lớp về nhà hướng dẫn em chép bài đầy đủ.

Rút kinh nghiệm, cô đặt bàn cho H. ngồi riêng ngay trước bàn giáo viên để tiện săn sóc em. Tranh thủ thời gian cả lớp làm bài tập, cô giảng và hướng dẫn em cách làm bài, dành nhiều lời động viên, đặt những câu hỏi thật dễ để em trả lời, lúc em buồn cô lại ôm em vào lòng, vỗ về… H. không đón nhận tình cảm ngay, nhưng rồi bởi cô giáo Nhã Uyên biết cách dỗ dành, khi em làm bài tốt thì khen lại còn thường xuyên thưởng bút, thước hoặc yêu cầu cả lớp vỗ tay khích lệ… nên em dần dần đón nhận tình cảm. Chẳng bao lâu, H. tự chép bài đầy đủ tại lớp, cô giáo chuyển em xuống bàn dưới ngồi khi em đã bỏ hẳn chứng giập đầu và la hét. Cô giáo Nhã Uyên vẫn âm thầm theo dõi. Nếu thấy có hiện tượng khác thường, như nhíu mày, đăm chiêu… cô liền đến hỏi han, chăm sóc  kịp thời. Giờ chơi, cô yêu cầu các bạn cùng chơi chung với em. Hằng ngày, cô giao cho H. nhiệm vụ phát vở trong mỗi tiết học để em nhớ tên các bạn trong lớp; có khi, "nhờ" em lau bảng, xếp bàn ghế… để em cảm nhận mình cũng bình thường như bao bạn khác. Càng ngày, H. càng vui vẻ và hòa đồng, luôn tỏ ra rất vui khi được làm việc.

Cuối năm học đó, kết quả học tập của H. đạt loại khá, riêng môn toán em gần như đạt điểm tuyệt đối. Chị Phan Hoàng Minh Hương, mẹ H., tâm sự: “Đối với gia đình tôi, đây là kỳ tích. Hạnh phúc này, là món quà từ cô giáo Nhã Uyên”. Nguyễn P. H. H. đang học lớp 5. Câu chuyện về em chính là đề tài giúp cô giáo Nhã Uyên đạt giải nhất tại cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn tỉnh năm 2017.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Return to top