Phạm Nhật Khoa đạt thủ khoa khối A với 28,7 điểm (môn toán 9,2 điểm, môn vật lý 10 điểm và môn hóa học 9,5 điểm). Thủ khoa khối A1 là Nguyễn Hoài Thảo Nhi với 28,55 điểm (môn toán 9,2 điểm, môn vật lý 9,75 điểm và môn tiếng Anh 9,6 điểm). Nguyễn Tấn Tài trở thành thủ khoa khối B với 28,9 điểm (môn toán 9,4 điểm, môn hóa học 9,5 điểm và môn sinh học 10 điểm).
Nguyễn Tấn Tài:
“Học sâu vào bản chất, hiểu rõ vấn đề”
Đối với em, để học tập thật tốt, đầu tiên, mỗi người cần phải có sức khỏe tốt. Một năm là chặng đường dài, các bạn cần giữ tinh thần sảng khoái, sức bền dồi dào thì mới có thể “chiến đấu” với áp lực. Vì vậy, các bạn cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, thỉnh thoảng, có thể chơi thể thao hoặc vận động nhẹ sau giờ học nếu quá bận rộn.
Về phương pháp học tập, phải tìm hiểu kỹ về các môn học mình chọn, cụ thể là xu hướng đề những năm gần đây hay phương pháp học hiệu quả nhất. Hiện nay, mạng xã hội đang rất phát triển. Nếu tận dụng tốt điều này sẽ giúp chúng ta dễ có được nguồn tài liệu tốt, chất lượng và phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải có phương pháp học phù hợp với bản thân. Mỗi bạn sẽ có một cách riêng, đối với em, phương pháp học hiệu quả là học sâu vào bản chất, hiểu rõ vấn đề, từ đó, phát triển tư duy và tiếp cận các bài tập ở mức độ cao hơn.
Trước khi bước vào kỳ thi chính thức, chúng ta nên luyện đề y như thật, tức là bấm đúng giờ, đặt mục tiêu điểm như thi thật, làm bài nghiêm túc trong không gian yên tĩnh để dần quen với không khí phòng thi và đỡ bị áp lực hơn khi bước vào kỳ thi. Khi làm bài thi, thời gian sẽ trôi rất nhanh, nếu chúng ta không chú ý vấn đề này thì dễ sa đà vào một câu hỏi nào đó, khiến ảnh hưởng đến các câu hỏi khác.
Khi thi, chúng ta cũng nên chọn những câu dễ làm trước, đến mức vận dụng thì câu nào làm được phải làm ngay, làm câu nào chắc câu đó và lưu ý sau khi làm xong phần này phải dò lại một lượt, sau đó sẽ đến phần vận dụng cao. Ở mức độ này, nói khó sẽ là khó chung, vì vậy, không nên quá áp lực khi làm không được, cố gắng hít thở thật sâu, sau đó thử lại một lần nữa hoặc chuyển sang câu khác, không nên sa đà vào câu đó quá lâu.
Nguyễn Hoài Thảo Nhi:
“Nhớ bài ngay trên lớp để tiết kiệm thời gian ôn tập”
Nhi đã đậu vào ngôi trường đại học mình mơ ước bằng phương thức xét tuyển sớm từ trước nên không quá áp lực về kết quả thi. Tuy nhiên, Nhi vẫn cố gắng hết mình để đạt được kết quả tốt nhất. Nhi cùng với các bạn thường học hỏi lẫn nhau cũng như chia sẻ tài liệu và đốc thúc nhau học hành.
Chia sẻ phương pháp học tập, Nhi cho biết em luôn cố gắng tập trung nghe giảng và nhớ bài ngay trên lớp để tiết kiệm thời gian ôn tập. Theo em, quan trọng hơn hết vẫn là nắm được bản chất của từng bài, khi đó em có thể dễ dàng giải các bài tương tự. Em thấy cách học theo từng dạng bài và phương pháp khá hiệu quả. Ở lớp học thêm toán và lý, chúng em cũng được dạy theo cách này. Sau khi nắm vững lý thuyết, em giải nhiều bài tập để làm quen với nhiều dạng bài khác nhau và biết cách xử lý khi gặp các dạng lạ. Sau mỗi chương, em luôn dành thời gian cho việc giải bài tập và ghi nhớ lý thuyết.
Về môn lý, là học sinh chuyên lý nên em đã hoàn thành chương trình 12 khá sớm, từ đó có nhiều thời gian luyện đề và tập trung các môn khác hơn. Trong phòng thi, em cố gắng làm cẩn thận các câu dễ và chọn các câu vận dung cao có thể làm được để làm trước. Có 1 câu sóng dạng khá lạ nên em bỏ qua và mất 0.25đ. Về môn tiếng Anh, trước đó, Nhi đã đạt kết quả thi IELTS đủ để xét tuyển bằng học bạ. Nhi không đến các lớp luyện thi mà chủ yếu là tự học. Nhi ôn chủ yếu các điểm ngữ pháp quan trọng và luyện một vài đề trước khi thi.
Về môn toán, đây là môn học Nhi khá yêu thích nên trong cả năm học, em luôn cố gắng làm hết các bài tập trên lớp cũng như học thêm. Trong phòng thi, do sơ suất nên em đã sai một số câu vận dụng. Em nghĩ nên làm thật cẩn thận 40 câu đầu rồi mới làm tiếp các câu cuối vì số điểm mỗi câu là như nhau. Gặp câu khó không biết cách làm thì nên bỏ qua và làm câu khác, quan trọng là giữ được bình tĩnh trong phòng thi.
Phạm Nhật Khoa:
“Làm quen với áp lực và cách thi”
Khoa chia sẻ, để đạt kết quả tốt, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực, kiên trì trong suốt quá trình học tập và ôn thi. Ngay từ lúc kết thúc lớp 11, Khoa đã xác định khối ngành mình sẽ theo học và những môn học quan trọng cần chú tâm trong suốt năm học lớp 12. Em dành hầu hết thời gian cho 3 môn học chính để xét tuyển đại học.
Trong quá trình học, bên cạnh các lớp học thêm, Khoa tìm tòi kiến thức trên các nhóm học tập hay những trang web trên mạng. Em không dành quá nhiều thời gian để học chỉ một môn mình yêu thích mà chú trọng học đều cả 3 môn, vì môn nào cũng quan trọng. Em học vững kiến thức trong sách giáo khoa, ôn tập kỹ những kiến thức mình đã học trên lớp cũng như lớp học thêm. Để nhớ kiến thức lâu hơn, em thường ghi chép lại cách làm của mình sau khi giải xong một bài tập nào đó và ghi chép kiến thức quan trọng trong sổ tay.
Việc ôn tập kỹ và rèn luyện thường xuyên giúp Khoa tự tin hơn khi bước vào phòng thi. Ngoài ra, để giảm bớt áp lực khi vào phòng thi, em thường luyện tập làm đề thi theo đúng thời gian thi thật khi bước vào giai đoạn cuối của kỳ ôn thi, khoảng trước 1-2 tháng. Điều đó giúp em có thể làm quen với áp lực và cách thi.