ClockThứ Bảy, 14/03/2020 14:33
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin:

Cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn và quyền lợi giữa các đơn vị

TTH.VN - Đó là một trong những chỉ đạo của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh và Đại học (ĐH) Huế về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) diễn ra sáng 14/3. Tham dự buổi làm việc còn có ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cùng đại diện các sở, ban ngành, trường học và các doanh nghiệp (DN).

Chiến lược phát triển nhân lực ITCơ hội phát triển và tìm kiếm đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tinĐào tạo lập trình viên tại Huế: Giải bài toán nhân lực cho địa phương

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo tại buổi làm việc

Nhiều vấn đề đặt ra

Tỉnh xác định CNTT là một trong những ngành mũi nhọn và thời gian qua đã có nhiều cuộc họp, thảo luận, chỉ đạo để phát triển chiến lược CNTT. Mục tiêu đặt ra là phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2025 có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, vẫn đang còn nhiều khó khăn. Tại cuộc họp, anh Trần Đức Nghĩa, đại diện lãnh đạo công ty cổ phần phần mềm quốc tế 3S cho biết, hiện nhân lực của công ty ở Huế có hơn 80 người. Cái khó nhất là phát triển đội ngũ quản lý, có thể tổ chức các nhóm dự án, quản trị các dự án lớn. DN không chỉ cần nguồn nhân lực phong phú và còn cần chất lượng ở bậc trung và cao.

Trước nhu cầu phát triển CNTT, rất cần nguồn nhân lực lớn thì từ phía đơn vị đào tạo cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế phân tích, tại Huế, DN lớn về CNTT chưa nhiều, sinh viên đang thiếu môi trường làm việc. Người học cứ mãi đặt câu hỏi nếu học ra làm việc ở một địa phương khác thì tại sao không chọn học tại địa phương đó để thuận lợi hơn sau khi ra trường. Điều này tác động vấn đề đầu vào, khiến việc tuyển sinh gặp khó.

Người lao động làm việc tại một công ty CNTT tại Huế

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, khó khăn là nhiều DN đầu tư về lĩnh vực CNTT nhưng chưa có văn phòng đại diện và các tòa nhà làm việc thực sự trên địa bàn tỉnh để sinh viên an tâm làm việc. Việc kết nối giữa ĐH Huế, tỉnh và DN chưa thực sự cụ thể, chưa phân định vai trò và chức năng của từng đơn vị. Thời gian qua, nhu cầu nhận nhân lực CNTT của các DN còn thấp (mức lương chưa cao) nên hầu hết sinh viên ra trường đều đi làm ở các tỉnh khác. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp và số lượng học CNTT tại ĐH Huế của con em ở tỉnh Thừa Thiên Huế chưa cao. “Theo khảo sát, thông kê, chỉ có 5% học con em của tỉnh nhà học CNTT tại Huế”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương dẫn chứng.

Theo lãnh đạo các trường cùng đại diện các sở ban, ngành, DN, nếu nhìn nhận khách quan, còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Thực trạng sinh viên ra trường thiếu tự tin, kỹ năng còn hạn chế, nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu DN là câu chuyện đáng trăn trở. Đầu vào không chỉ khó về số lượng mà chất lượng cũng chưa thực sự tốt khi những học sinh thực sự giỏi hiếm người chọn học CNTT ở Huế, vấn đề này cũng dẫn đến thực trạng đầu vào CNTT chưa cao và nếu ngưỡng điểm đầu vào thấp, rất khó đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng. Mặt khác, tại tỉnh thời gian qua còn thiếu đầu mối để kết nối DN và nhà trường, minh chứng là DN phải đi đến từng trường để tự kết nối.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, tỉnh rất quan tâm đến vấn đề phát triển lĩnh vực CNTT. Lãnh đạo tỉnh chưa bao giờ từ chối bất cứ cơ hội nào và đã nhiều lần đi nhiều địa phương để mời các doanh nghiệp CNTT lớn về Huế, song bài toán đặt ra là nhân lực…

Kiên trì, đồng bộ và chia sẻ khó khăn, quyền lợi

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đề án phát triển CNTT tỉnh xác định trong 5 năm tới, cần khoảng 10.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong đó 3.000 nhân lực chất lượng và khoảng 7.000 nhân lực chuyển đổi, tức là các ngành nghề khác có thể chuyển đổi.

Một lớp học CNTT tại Trường ĐH Khoa học

Hiện, tại ĐH Huế có đến 6 đơn vị đào tạo CNTT là Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế, Viện đào tạo mở và CNTT, tổng quy mô (đến năm 2020) khoảng 1.840 sinh viên và số sinh viên hằng năm khoảng 500 sinh viên. Bên cạnh ĐH Huế, Trường ĐH Phú Xuân cũng đang đào tạo ngành nghề về CNTT. Đặc biệt, không chỉ đào tạo hệ ĐH chính quy, các đơn vị đào tạo ĐH tại Huế đang đào tạo sau ĐH, các chương trình đào tạo ngắn hạn.

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cho rằng, xu hướng phát triển CNTT là tất yếu. Theo thống kê nhu cầu nguồn nhân lực CNTT, thời gian tới tiếp tục tăng và con số 10.000 nhân lực mà tỉnh đặt ra là con số bình thường, không phải cao. Ngoài những giải pháp về tuyên truyền, tác động nhận thức để mọi người hiểu về CNTT, nhu cầu thực tế và các chính sách cần thiết để phát triển CNTT thì giữa các đơn vị đào tạo cần có sự đồng hành, sẻ chia, cùng phát triển.

Tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, câu chuyện về đào tạo nguồn nhân lực CNTT không mới, chủ trương đã có, cách làm đã có nhưng rõ ràng đã thiếu sự kiên trì, đồng bộ giữa các bên. Phải khắc phục những tồn tại, những việc chưa làm được để những năm sau, không phải bàn lại chuyện cũ. Trong đó, thực chất của vấn đề trên là giải quyết bài toán cung cầu cần thực sự hiệu quả. Phải có hệ sinh thái, trụ cột là chính quyền – DN – nhà trường. Phía cơ sở đào tạo cần điều chỉnh phương thức tuyển sinh và thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với DN, còn phía DN cũng cần mạnh dạn đầu tư. Tỉnh sẵn sàng có các hỗ trợ cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với DN và trường ĐH để đưa hướng nghiệp CNTT vào trường học. “Các đơn vị cần kiên trì, quyết liệt, đồng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ để đào tạo nguồn nhân lực CNTT, phát triển lĩnh vực CNTT tại Huế. Ngoài ra, các đơn vị đào tạo cũng cần đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn và quyền lợi”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, thời gian tới, ĐH Huế sẽ tập trung nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Các trường cũng tạo mối liên kết giữa trường ĐH và trường phổ thông, hỗ trợ định hướng thông tin cho phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, ĐH Huế cũng sẵn sàng dành không gian làm việc cho DN.

Bài, ảnh: Hữu Phúc - Bùi Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

Đại học Huế đón nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kiến thức mới. Không chỉ là dịp để tiếp cận được kiến thức, mà qua đó phần nào còn khẳng định thương hiệu của Đại học Huế.

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Đào tạo phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ cho 65 học viên

Ngày 5/4, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với các chuyên gia là các giáo sư, bác sĩ phẫu thuật tạo hình từ Đại học Stanford, Hoa Kỳ; Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế tổ chức chương trình khóa đào tạo y khoa “Cập nhật về phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ vùng mặt và hàm mặt”.

Đào tạo phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ cho 65 học viên
Return to top