ClockThứ Sáu, 04/10/2019 06:00

“Nhà vô địch trường học an toàn”

TTH - Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang) là trường học duy nhất của Việt Nam được vinh danh “Nhà vô địch trường học an toàn năm 2019” khu vực ASEAN.

Kiểm tra bếp ăn bán trú tại trường mầm non và tiểu học ở TP. HuếThiếu nhi Hương Trà với văn hoá giao thông

Hoạt động ngoại khóa ở Trường tiểu học Phú Mậu

Phú Mậu có địa hình thấp trũng, nhiều kênh, mương, hói, sông ngòi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Địa điểm mới (hiện nay) của Trường tiểu học Phú Mậu được xây dựng vào năm 2008. “Đến năm 2013, trường chỉ mới có hàng rào tạm bợ phía trước. Nhà xe cũng đang rất tạm bợ. Cây xanh rất ít. Vốn là nền đất ruộng nên sân trường gồ ghề, thấp trũng.

Đường đi phía ngoài và sân trường biến thành sông trong những trận lụt. Vất vả với mưu sinh nên đa số phụ huynh ít quan tâm các hoạt động giáo dục của nhà trường. Cho rằng dạy dỗ con em họ là việc của thầy cô giáo nên phụ huynh “khoán trắng” cho nhà trường. Cần phải vượt qua những bất lợi, khó khăn nêu trên để mang đến cho các em không gian, môi trường an toàn trong quá trình học tập, kỹ năng phòng, tránh thiên tai, là điều mà tập thể lãnh đạo, giáo viên nhà trường trăn trở, quyết tâm thực hiện”. Cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mậu mở đầu câu chuyện.

Trong năm học 2013-2014, Trường tiểu học Phú Mậu đón cơ hội, là 1 trong 5 trường trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và tham gia dự án “Giáo dục vì sự phát triển bền vững” do tổ chức UNESCO phối hợp Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), hãng Sam Sung và Sở GD&ĐT triển khai. Từ sự hỗ trợ của dự án, không chỉ giáo viên, học sinh mà chính quyền, đoàn thể xã, phụ huynh đều được tham gia tập huấn, hỗ trợ, trang bị kiến thức. Từ đó, cùng nhau phối hợp kiểm tra, thảo luận, xác định các vị trí, cảnh quan môi trường; vẽ sơ đồ vùng không an toàn trong và ngoài nhà trường, xây dựng kế hoạch trường học an toàn.

Cùng với nguồn kinh phí hằng năm của Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường vận động phụ huynh, mạnh thường quân cùng chung tay. Từ 1 dãy 10 phòng học trên khuôn viên trường còn nhiều hố trũng, cỏ gai... mất an toàn, đến nay cơ sở chính của trường có 30 phòng học, có thư viện thân thiện, bếp ăn bán trú, sân trường, nhà để xe, tường rào chắc chắn; thu gom rác thải đúng quy cách, quy định; trồng hơn 100 cây xanh trong và xung quanh khuôn viên trường, quét vôi các gốc cây để ngăn côn trùng, trồng vườn thuốc nam… Đồng thời, nhà trường phát động toàn thể giáo viên, học sinh tự tay chăm sóc những chậu cây cảnh, chậu hoa được bố trí dọc lối đi, treo dọc hành lang tạo “hành lang xanh”, “đường hoa tuổi thơ” đầy màu sắc.

Giữa năm 2015, được sự hỗ trợ của của Trung tâm Khuyến khích tự lập, tổ chức NAV, Hue Help, chính quyền địa phương và sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường đã thực hiện dự án dạy bơi cho học sinh khối 4, 5 tại dòng nước mở của Phú Mậu. Phú Mậu là địa bàn chịu nhiều thiên tai, lũ lụt, dễ xảy ra tình trạng đuối nước, nên dạy bơi và kỹ năng cứu đuối cho các em là điều mà tập thể giáo viên trường luôn trăn trở. Vậy nên, dù dự án này kết thúc, nhưng từ 2016 cho đến nay, hoạt động dạy bơi cho các em vẫn được tiếp tục duy trì. Mỗi năm, khoảng 100 học sinh được học và biết bơi.

Nhiều đại biểu đến từ các nước tham dự hội nghị khu vực ASEAN lần thứ 3 về an toàn học đường năm 2019 tại Bangkok, Thái Lan, đã đặt câu hỏi, tại sao không phải bể bơi mà là dòng nước mở (trên sông) để dạy bơi cho học trò. Nữ hiệu trưởng đã giải thích đến bạn bè thế giới, với đặc thù địa hình của Phú Mậu, trong mùa mưa lũ, sân nhà, sân trường…, đều có thể “biến” thành biển nước mênh mông. Dạy bơi trên dòng nước mở là cách nhà trường, chính quyền và phụ huynh rèn luyện cho các em tâm thế, sự tự tin và kỹ năng tự cứu mình hoặc giúp đỡ người khác trong thiên tai.

Đại diện cho một trường tiểu học “nhỏ bé” của Việt Nam cũng chia sẻ với bạn bè các nước: vườn thuốc nam hay thư viện thân thiện (có sân khấu để học trò thực hành, luyện tập phòng tránh thiên tai) cũng nằm trong kế hoạch xây dựng trường học an toàn và nhà trường đã thực hiện, phát triển thời gian qua. Bởi các em muốn có kiến thức thức tốt, thực hành tốt về phòng tránh thiên tai, nhất định phải tìm đến thư viện. Hay từ kiến thức thực tế từ vườn thuốc nam, các em sẽ biết đến công dụng và biết sử dụng những cây thuốc quen thuộc với cuộc sống, biết tự chăm sóc sức khỏe... Những chia sẻ đó được bạn bè đón nhận.

 “Khi làm tất cả mọi điều để xây dựng trường học an toàn, kỹ năng phòng, tránh thiên tai cho các em, chúng tôi không hề nghĩ đến chức vô địch, chỉ nghĩ đến trách nhiệm đối với học trò”- cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Huế bộc bạch. Cô Huế chia sẻ, cũng học tập được nhiều điều ở bạn bè từ hội nghị khu vực ASEAN nêu trên. Sắp tới, khi thực hiện các chuyên đề về “quyền trẻ em”, “phòng tránh bạo lực học đường”, nhà trường sẽ mời học sinh cùng ngồi bàn chủ tịch, để các em đưa ra ý kiến của mình, cùng nhà trường xây dựng ngôi trường an toàn hiệu quả hơn nữa.

Theo ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng GD& ĐT huyện Phú Vang, sự nỗ lực của Trường tiểu học Phú Mậu trong xây dựng "trường học an toàn" rất đáng tự hào, là "động lực" cho các trường học trên địa bàn nỗ lực hơn nữa để nhân rộng mô hình này.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Giáo dục tài chính trong trường học
Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới

Ngày 4/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Quân y 268 Quân khu 4, tổ chức chương trình kết hợp Quân dân y năm 2024, khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân khu vực biên giới xã Vinh Hiền (Phú Lộc).

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top