ClockThứ Năm, 19/07/2018 13:45

Nhà vệ sinh trường học: Lo không đạt chuẩn

TTH - Các trường học tương đối đủ nhà vệ sinh (NVS) nhưng lại thiếu NVS đạt chuẩn. Xã hội hóa được cho là cách tốt nhất, tuy nhiên, không phải trường nào cũng huy động được nguồn lực.

Để nhà vệ sinh không là ‘nỗi sợ’ của học sinh, du khách

Hướng dẫn các cháu mầm non rửa tay sau khi đi vệ sinh

Ít đạt chuẩn

Một vòng quanh các trường học ở TP. Huế, những trường học có nhiều tầng lầu đều có NVS riêng, nằm biệt lập chứ không nằm cạnh phòng học như nhiều năm trước. Đa phần, NVS của các trường đều theo lối xây cũ, chưa quá 20m2. NVS ở các trường học vẫn còn ít so với số lượng học sinh ngày càng đông, trong khi, diện tích đất của nhiều trường không còn. Hầu như, trường nào cũng có thuê nhân công dọn dẹp NVS, songvới kinh phí hạn hẹp nên không ít trường thuê theo giờ, thiếu chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế), cho hay: “Trường có gần 2.000 học sinh nên NVS luôn được chú trọng. Nhà trường trích 4 triệu đồng/tháng để thuê nhân công dọn dẹp ở 7 khu vệ sinh trong trường. Ngoài ra, chúng tôi cử người thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tránh tình trạng NVS bốc mùi. Thế nhưng, toàn trường chỉ có 1 NVS đạt chuẩn vì mới xây thêm sau này”.

NVS ở các trường học trên địa bàn tương đối khá ổn định nhưng con số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố rất đáng quan ngại, khi toàn quốc chỉ có 40% NVS đạt chuẩn. Thừa Thiên Huế không phải là địa phương ngoại lệ. NVS chạm ở mức chuẩn chỉ dành cho những trường mới được xây dựng, sửa chữa. Nguồn vận động lâu nay vẫn manh mún, chắp vá nên đầu tư không đúng chuẩn, chất lượng công trình kém nên nhanh xuống cấp, nhất là ở các trường trong khu vực nông thôn, miền núi.

Theo quy định của liên Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo, một NVS đạt yêu cầu phải có đủ nước xả, rửa, có vòi nước và xà phòng rửa tay, không có mùi hôi, không bị đọng nước hay xuống cấp… Thực tế, hiếm có trường nào trang bị xà phòng rửa tay. Vòi nước rửa tay trong NVS cũng ít thấy, hoặc có nhưng nước không chảy. Nhiều nơi, trẻ phải nhịn tiểu, nhịn uống nước chỉ vì không chịu đựng được nhà vệ sinh bốc mùi. Lo hơn việc NVS không sạch sẽ dẫn đến tình trạng dịch bệnh, nhất là vào thời điểm giao mùa.

Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Nam Đông, Lê Quang Thẩm cho hay: Chúng tôi “liệu cơm, gắp mắm” khi vận động các trường tranh thủ mọi nguồn lực để chủ động trong việc sửa chữa NVS, tránh tình trạng xuống cấp, nhếch nhác. Tuy NVS đã cũ, các trường cố gắng thuê lao công dọn dẹp, giữ công trình trong tình trạng sử dụng được.

Xã hội hóa

NVS đạt chuẩn mà nhiều trường hướng tới sẽ có phòng vệ sinh nam, nữ tách biệt; khu rửa tay riêng luôn có đủ nước sạch và xà phòng; có cây xanh, gương trang trí… Khu vệ sinh có diện tích tối thiểu 0,06m2/học sinh, trong đó, từ 20 đến 30 học sinh có 1 bệ xí và 1 bồn tiểu... Đội ngũ nhân viên dọn dẹp vệ sinh được thay thế bằng đội ngũ lao động chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều trường học “đau đầu’’ khi không tìm ra nguồn kinh phí để cải thiện hệ thống NVS. Nguồn ngân sách dành xây mới phòng học ở các địa phương còn eo hẹp nên trông vào nguồn kinh phí từ Nhà nước để xây NVS khó khả thi.

Hầu hết các trường đều khẳng định phải có sự giúp sức của phụ huynh mới làm được. Kinh phí Nhà nước chỉ cấp cho nhà trường sửa chữa những công trình theo diện cơ bản như chống thấm, lún nền... Thầy giáo Trần Khánh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, cho hay: Nhà trường vừa hoàn tất công trình NVS theo hướng xã hội hóa. Phụ huynh, học sinh và nhà trường đều thở phào nhẹ nhõm. Trường chỉ có đủ kinh phí sửa chữa, làm mới một dãy phòng vệ sinh, dãy bên kia hội phụ huynh vận động đóng góp.

Nhiều phụ huynh đồng tình quan điểm, những trường có NVS không đạt chuẩn thì nên xã hội hóa. Tuy nhiên, các trường cần có những quy định, quy trình chứ không để biến tướng. Đằng sau câu chuyện xã hội hóa là việc bảo quản, giữ gìn NVS trường học luôn sạch sẽ, không có mùi hôi cũng là chuyện khá tốn kém. Các thiết bị NVS trong trường, như vòi nước, bồn cầu... phải thay và sửa chữa liên tục. Nhiều ý kiến cho rằng, với số lượng học sinh đông ở các trường thì việc bố trí một nhân viên túc trực ở NVS là cần thiết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo ngay trong mùa hè này không để tình trạng NVS trường học xuống cấp kéo dài... Thế nên, mùa hè 2018 của ngành giáo dục và đào tạo có ý nghĩa hơn khi phát động phong trào huy động mọi nguồn lực để làm và sửa chữa NVS ở các trường học. Chủ trương này được nhiều người ủng hộ. Đừng để câu chuyện bức xúc về NVS tái diễn.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tẩy giun cho 108.000 học sinh tiểu học và trẻ nhỏ

Ngày 21/5, Đoàn Giám sát Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) giám sát hoạt động tẩy giun tại Trường tiểu học Phường Đúc, TP. Huế. Hơn 1.000 học sinh tiểu học của trường được uống thuốc tẩy giun đợt này.

Tẩy giun cho 108 000 học sinh tiểu học và trẻ nhỏ
An toàn thực phẩm tại các trường học

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nói chung và tại các cơ sở giáo dục (CSGD) nói riêng. Để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ giáo viên và học sinh, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại các CSGD trên địa bàn.

An toàn thực phẩm tại các trường học
Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Giáo dục tài chính trong trường học
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top