ClockThứ Hai, 26/08/2019 05:15

Phân luồng học nghề: Cần sự đồng bộ

TTH - Dẫu các bậc phụ huynh và học sinh đã có cách nhìn khác về trường nghề, tuy nhiên, cần có nhiều thời gian và giải pháp để làm tốt hơn công tác phân luồng học sinh theo học nghề.

“Khơi thông” bất cập để phân luồng học sinh học nghề

Học sinh trải nghiệm nghề y tại Trường trung cấp Âu Lạc

Chuyển biến bước đầu

Cuối tháng 3, ngày hội tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề lần đầu tiên được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) tổ chức thu hút sự tham gia của gần 2.500 học sinh đến từ 34 trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) ở Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà và TP. Huế. Điều đó cho thấy, các em học sinh bắt đầu có cách nhìn khác về giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Dương Thị Liền, học sinh Trường THPT Thuận An, huyện Phú Vang chia sẻ, lần đầu tiên tham gia ngày hội tư vấn, em mới hiểu rõ về giáo dục nghề, khác hẳn với suy nghĩ trước đây, rằng học nghề vất vả, thiếu hấp dẫn. Cô bé sẽ suy nghĩ lại về việc thi vào đại học vì học nghề mang đến cho em cơ hội việc làm nhiều hơn.

Ngày hội tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề cùng với ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng lao động được tổ chức đều đặn hai năm nay là một trong những nỗ lực của ngành LĐTBXH và GD&ĐT trong việc định hướng phân luồng học sinh. Các trường trung cấp, cao đẳng nghề cũng chủ động, linh hoạt tổ chức ngày hội Open day, đưa học sinh phổ thông đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu các ngành nghề đào tạo tại trường.

Bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT cho hay, tại các trường THCS và THPT, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp được quy định chặt chẽ, phân bổ theo các chủ đề suốt cả năm học. Nếu như trước đây, việc giáo dục hướng nghiệp có vẻ khô cứng thì hai năm trở lại đây, hình thức tư vấn hướng nghiệp khá đa dạng, sinh động, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu thực tế học nghề. Học sinh càng được tư vấn sớm, các em càng có định hướng nghề nghiệp rõ nét.

Những nỗ lực trên cộng với công tác truyền thông, tư vấn được đẩy mạnh dần thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về học nghề, từ đó tạo ra sự chuyển dịch. Nếu như cách đây 5 năm, con số vào các trường phổ thông có thể đến 85% thì những năm gần đây giảm dần. Số lượng thí sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp, không xét tuyển đại học cũng cho thấy sự dịch chuyển này.

Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường nghề tại ngày hội tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề năm 2019

Tạo sức hút

Năm nay, nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khó khăn, phần lớn không đạt chỉ tiêu. Đại diện một số trường cho rằng, công tác phân luồng chưa tốt chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

Theo bà Ngọc Phượng, Thừa Thiên Huế vốn là vùng đất học nên con đường hướng nghiệp sớm không phải là dễ dàng. Nhận thức của xã hội đã có chuyển biến nhưng cần thêm thời gian. Tâm lý của phụ huynh vẫn muốn cho con cái học đại học nên không thể trong 2 năm có thể xoay chuyển được tình hình. Một thực tế nữa, “chỗ ngồi” ở các trường THPT vẫn còn nên việc hướng học sinh lựa chọn trường nghề không hề đơn giản.

Nếu phân luồng không đảm bảo, phụ huynh vẫn muốn con em mình đi học ở các trường phổ thông, kể cả trường tư thục. Điều này không có lỗi từ người học. Điều quan trọng là, các cơ sở GDNN cần tạo ra sức hút đối với học sinh, từ cơ sở vật chất bắt kịp xã hội đến việc đảm bảo sau cánh cửa trường nghề là việc làm. Ngoài công tác tuyển sinh, các trường cần chú ý thu nhận thông tin của những sinh viên tốt nghiệp đã có công ăn việc làm, tức là vận động, tuyên truyền cần kèm với các minh chứng thực tiễn.

Theo Quyết định 1882 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ từ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ cần sự vào cuộc của Sở GD&ĐT và Sở LĐTBXH mà cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành và sự đồng bộ của xã hội, chẳng hạn quy định người lao động cần có chứng chỉ nghề.

Theo ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH, hiện nay, kinh tế - xã hội vẫn chưa có những bước phát triển vượt bậc, doanh nghiệp mới chưa nhiều nên cơ hội việc làm cho người lao động, trong đó có những người tốt nghiệp từ các trường nghề còn khó khăn. Vì thế, cần tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, từ đó thu hút học sinh vào học nghề.

Để đẩy mạnh phân luồng học nghề, sắp tới, Sở GD&ĐT và Sở LĐTBXH tiếp tục phối hợp tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tư vấn để phụ huynh, học sinh thấy được lợi ích của việc học nghề, từ đó có quyết định trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Việc đa dạng chương trình đào tạo, đưa vào đào tạo các nghề theo chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng GDNN cũng là giải pháp được tăng cường.

Bà Phượng nhấn mạnh, trong giáo dục, phải dạy thật, kiểm tra thật, thi thật để đem đến cho học sinh cái nhìn đúng hướng. Vì nếu không, những điểm số ảo cũng làm cho phụ huynh và học sinh không nhận thức rõ con đường cần phải chọn.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Return to top