Giờ học công nghệ thông tin tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng.
Năm nay, Bộ LĐTBXH trao toàn quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh. Các trường sẽ tự quyết định về số lượng, hình thức, thời gian tuyển sinh. Theo đó, các trường có thể xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả xét tuyển và thi tuyển.
Riêng với tuyển sinh hệ trung cấp năm nay có điểm mới là chỉ cần từ tốt nghiệp trung học cở sở, học viên có thể lựa chọn học thêm bổ túc văn hóa hoặc chỉ học riêng lĩnh vực nghề (thay vì bắt buộc phải học cả nghề và bổ túc văn hóa như trước). Nếu người học chọn chỉ học nghề, thì ra trường sẽ được cấp chứng chỉ nghề. Còn nếu chọn học nghề và bổ túc văn hóa, ra trường sẽ có chứng chỉ nghề và bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa, đủ điều kiện để học liên thông lên cao đẳng, đại học.
Ông Cao Văn Sâm cho biết: Dự báo năm nay sẽ có sự cạnh tranh về công tác tuyển sinh do điểm sàn tuyển vào đại học thấp nên các trường đại học “vét” gần hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, đây là một cuộc cạnh tranh tuyển đầu vào, các trường cao đẳng, trung cấp phải tự đổi mới nâng cao chất lượng dạy kỹ năng nghề. Các trường nghề có học viên ra trường có việc làm ngay sẽ vẫn hút người học. Còn những trường không tuyển sinh được thì tiến tới sát nhập hoặc giải thể.
“Để thu hút học sinh học nghề, cùng với công tác phân luồng tại các địa phương, thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ bổ sung thêm quy định các lĩnh vực lao động phải có kỹ năng nghề (hiện mới có 12 nghề có quy định này). Đồng thời, Chính phủ cần có chỉ đạo xây dựng hạn ngạch đào tạo trong các trình độ, phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Cao Văn Sâm cho biết thêm.
Trong năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh sơ cấp, trung cấp, cao đẳng là 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người. Để sớm có quy chế tuyển sinh các trường này, ngày 9/3, Bộ LĐTBXH công bố Thông tư 5 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2017.
Từ 1/1/2017 Bộ LĐTBXH chính thức quản lý nhà nước toàn diện về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hiện Bộ LĐTBXH đang quản lý 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Theo Báo Tin tức