Ngành kỹ thuật công nghệ thu hút người học
Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2023 của Bộ GDĐT công bố ngày 3/3, năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 em đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020.
Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở đào tạo, chiếm 58,67% có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc. Số liệu của Bộ GDĐT thống kê tỉ lệ tuyển sinh theo các lĩnh vực đào tạo. Theo đó, 3 lĩnh vực đào tạo được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Kinh doanh và quản lý (24,54%); Máy tính và công nghệ thông tin (11,79%); Công nghệ kỹ thuật (9,18%). Số liệu này cho thấy, sức hút của nhóm ngành công nghệ trong một vài mùa tuyển sinh gần đây.
Khảo sát tại một số cơ sở đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm nay, xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh khối 12 tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ. Đơn cử như tại Trường Đại học Việt Đức.
Theo TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, năm 2023, trường tuyển sinh 775 chỉ tiêu cho 7 chương trình đào tạo với 5 phương thức tuyển sinh. Thời điểm này, trường đang nhận hồ sơ trực tuyến cho 4 phương thức: Thi TestAs, tuyển thẳng, xét chuyển bằng chứng chỉ quốc tế, xét tuyển bằng học bạ; ngoại trừ phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trường sẽ công bố sau.
Trong số các ngành đào tạo, Trường Đại học Việt Đức có 5 ngành kỹ thuật và khoa học, gồm: Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện và máy tính, Kỹ thuật cơ khí, Kiến trúc và Khoa học máy tính. TS Hà Thúc Viên thông tin, trong những năm gần đây, các ngành kỹ thuật công nghệ của nhà trường có xu thế tăng nhanh, đặc biệt là ngành Khoa học máy tính có số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất. Hiện nhà trường cũng rất ưu tiên mở rộng quy mô tuyển sinh với ngành Kỹ thuật xây dựng.
Theo ghi nhận, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học mở thêm ngành đào tạo mới gắn với công nghệ số đáp ứng nhu cầu người học. Là một trong những thí sinh chọn ngành Công nghệ thông tin, em Nguyễn Phương Nhi – học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, không phải tới thời điểm hiện tại khi có sự ra đời của ChatGPT, Nhi mới đưa ra quyết định này mà ngay từ năm đầu tiên bước vào bậc THPT, em đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về xu hướng phát triển của các ngành trong tương lai.
Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải chuyển phương thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, em Trịnh Minh Châu - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ càng hiểu hơn về tầm quan trọng của công nghệ thông tin. Đây là một trong số lý do mà Châu lựa chọn xét tuyển vào ngành học liên quan tới công nghệ trong mùa tuyển sinh 2023. “Bố mẹ em ủng hộ quyết định của em. Hơn nữa, công nghệ cũng là lĩnh vực phù hợp với đam mê của em”, Châu chia sẻ.
Không chọn nghề theo xu hướng
Theo công bố của Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Cụ thể: ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 dự phòng. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết, lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái (các năm trước vào tháng 7). Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.
Thời gian từ nay tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023 không còn nhiều. Đứng trước bước ngoặt của cuộc đời, bên cạnh số học sinh lớp 12 đã có hướng đi rõ ràng thì có không ít học sinh cuối cấp đang băn khoăn có nên chọn nghề theo xu hướng?
Chia sẻ với học sinh cuối cấp, cô Bùi Thu Nga - giáo viên môn Sinh học, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trong 24 năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, cô gặp rất nhiều học sinh quay trở lại trường trong niềm vui vẻ, hạnh phúc khi đã lựa chọn đúng ngành nghề. Thế nhưng cũng có trường hợp định hướng chưa chính xác.
Cô Nga nêu ví dụ về trường hợp một học sinh chọn ngành Công nghệ thông tin - một ngành thu hút sự lựa chọn của nhiều học sinh hiện nay. Sau nửa năm trúng tuyển vào ngôi trường top đầu đào tạo ngành Công nghệ thông tin, em này đã quyết định dừng lại và thi vào ngành Sư phạm Toán. Từ câu chuyện thực tế đó, cô Nga cho rằng: “Có nhiều yếu tố tác động đến việc lựa chọn ngành nghề nhưng quan trọng nhất vẫn là mỗi em biết năng lực, sở thích của mình ở đâu và trải nghiệm để biết được mình thích gì để đưa ra lựa chọn chính xác”.
TS Hà Thúc Viên nhận định, nhu cầu nguồn nhân lực các ngành: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và các ngành có liên quan tăng nhanh, dẫn đến số lượng sinh viên đăng ký học các ngành này tăng mạnh.
Điều này thể hiện qua các con số thống kê của Bộ GDĐT, nếu năm 2019 có 46.173 sinh viên nhập học thì đến năm 2022, số lượng sinh viên nhập học bậc đại học các ngành Công nghệ thông tin tăng lên 56.260 sinh viên.
Tuy nhiên TS Hà Thúc Viên nêu thực tế, trong số khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp thì tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng về năng lực và các kỹ năng làm việc so với nhu cầu của nhà tuyển dụng không cao, chỉ 30% đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.
Thế nên, TS Viên lưu ý, thí sinh cố gắng tìm hiểu chọn ngành chọn nghề đúng năng lực, sở thích chứ không đơn giản là theo đuổi bằng mọi giá theo ngành nghề có tính “thời thượng”.
Về phía các cơ sở đào tạo, TS Viên cho rằng: Các trường cần nâng cao chất lượng thông qua nâng cấp, cập nhật nội dung và phương pháp đào tạo để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ.