Chia sẻ thông tin tuyển sinh của Khoa Quốc tế đến thí sinh
Xét tuyển theo phương thức riêng
Đầu tháng 4/2021, ĐH Huế công bố thông tin nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (đợt 1) ĐH hệ chính quy năm 2021. Bên cạnh các phương thức xét tuyển truyền thống, năm nay dự kiến sẽ dành 1.264 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức riêng.
TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, đại diện bộ phận tuyển sinh của ĐH Huế cho biết, năm nay sẽ có 9 đơn vị đào tạo áp dụng xét tuyển theo phương thức riêng, trong đó ngoài các cơ sở đào tạo đã từng áp dụng phương thức này là Trường ĐH Luật, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Khoa học thì sẽ có thêm các đơn vị là Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm và Khoa Quốc tế.
Xét tuyển theo phương thức riêng chủ yếu ưu tiên các tiêu chí đầu vào phù hợp với ngành nghề, đơn vị đào tạo. Điển hình Trường ĐH Ngoại ngữ ưu tiên xét tuyển dựa vào kết quả kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và mỗi ngành sẽ có những quy định cụ thể. Tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, một trong những tiêu chí thí sinh cần thỏa mãn để được xét tuyển thẳng là đoạt giải nhất, giải nhì hoặc giải ba trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại diện ĐH Huế chia sẻ thông tin tuyển sinh 2021 cho học sinh
Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, năm nay, ĐH Huế dành khoảng 10% cho phương thức xét tuyển riêng của của các đơn vị đào tạo bên cạnh 4 phương thức là: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (điểm học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ưu tiên ngoại ngữ nhưng vẫn đảm bảo công bằng
Điểm chung dễ thấy là năm nay tiêu chí về đầu vào ngoại ngữ được đa phần các cơ sở đào tạo lựa chọn để ưu tiên xét tuyển, kể cả các trường không đào tạo các chuyên ngành về ngoại ngữ. Đơn cử, một trong những tiêu chí được Trường ĐH Luật, ĐH Huế đưa ra trong xét tuyển theo phương thức riêng là có học lực loại khá trở lên trong cả 3 năm học THPT và có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng điều kiện: Tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên. Với tiếng Pháp, phải là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên. Trường ĐH Khoa học cũng ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 60 trở lên hay TOEFL ITP từ 500 trở lên đối với những ngành mà tổ hợp môn xét tuyển có môn tiếng Anh.
Việc ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có tạo ra sự bất bình đẳng cũng như làm ít cơ hội đi với thí sinh nông thôn (?). Tuy nhiên, trong nhiều thông tin tư vấn, trả lời về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo nhiều trường ĐH, việc mở rộng ưu tiên xét tuyển và tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS mục đích để đa dạng hóa phương thức xét tuyển, mở rộng cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Theo đại diện ĐH Huế, mỗi phương thức có một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định. Thí sinh có thể lựa chọn phương thức xét tuyển. Có thí sinh điểm học bạ hay điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển không quá cao nhưng lại có thế mạnh ở các tiêu chí ưu tiên như ngoại ngữ và ngược lại. Trúng tuyển theo phương thức nào cũng đều được đào tạo giống nhau với cùng chương trình đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Quyền Khoa trưởng Khoa Quốc tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng các trường sử dụng tiêu chí đầu vào ngoại ngữ ưu tiên xét tuyển càng nhiều. Bên cạnh đó, mỗi trường đều đưa ra song song nhiều phương thức để thí sinh lựa chọn và cũng để đánh giá đầu vào trên nhiều mặt. Ngoài ra, việc áp dụng tiêu chí cũng được tính toán kỹ. “Năm ngoái, chúng tôi áp dụng xét tuyển theo phương thức riêng đối với chương trình cử nhân liên kết với các ĐH của nước ngoài. Năm nay, mở rộng áp dụng với tất cả thí sinh, nhưng so với chương trình liên kết, tiêu chí thấp hơn, đòi hỏi chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (chương trình liên kết là 6.0 trở lên)”, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh khẳng định.
Theo đại diện các trường ĐH, xu hướng thị trường lao động đánh giá năng lực đầu ra sinh viên có tính đến ngoại ngữ nên việc ưu tiên đầu vào ngoại ngữ cũng là cách để khuyến khích học sinh nỗ lực học tập.
Theo đại diện Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dù các trường ĐH áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, thí sinh có thể đồng thời đăng ký xét tuyển nhiều phương thức nhưng chỉ trúng tuyển bằng một phương thức duy nhất.
Bài, ảnh: Hữu Phúc