ClockThứ Tư, 04/08/2010 17:13

“Giữ cho tròn đảo Cỏ”

TTH - Cùng với các bạn trẻ Huế, chúng tôi lên thuyền ra Cồn Cỏ, hòn đảo được mệnh danh là “Chiến hạm không bao giờ chìm giữa biển Đông” vào một ngày hè rực nắng. Tôi tò mò tự hỏi, nơi mỗi héc-ta đất phải hứng chịu 22,6 tấn bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ bây giờ ra sao...

Từ biển Cửa Tùng, Quảng Trị, Cồn Cỏ chỉ là một vệt xanh thẳm nhỏ bằng bàn tay. Thuyền chúng tôi lướt sóng êm êm nhưng vài người vẫn bị choáng, nôn thốc nôn tháo. Một chiến sĩ biên phòng đi cùng động viên: Hôm nay trời rất đẹp, biển lặng. Những hôm gió mùa, đi nhờ tàu hải quân 4 giờ chiều đi nhưng 6 giờ sáng mới tới nơi. 16 hải lý, tương đương với 30 km đường bộ nhưng sự chờ đợi của lòng người khiến hải trình ra đảo như dài thêm. Thi thoảng gặp một đoàn thuyền câu mực, cá, chúng tôi ồ lên vẫy tay chào như được gặp bạn đường xa. 
 

Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, đoàn chúng tôi gặp một vài khó khăn về nước ngọt do chỗ ở cách xa đơn vị hành chính. Anh em trong đoàn dùng nước lọc tinh khiết mang theo để nấu cơm, canh, chế mì tôm. Nhớ lại người chủ quán trên đảo khi tôi ghé chan xin nước, chị đã nghiêng thùng chắt được lưng gáo, ½ nước nhường khách, phần còn lại để nấu cơm. Trong thâm tâm, tôi đã thấy không vui nhưng cố nén.

 

Tác giả với những mầm non của đảo Cỏ
 
Trưa nắng, tôi lang thang tìm đường xuống bãi tắm mới thấy tất cả những ngôi nhà trên đảo đều có nhiều thùng phi chứa nước. Ngang qua nhà văn hóa thanh niên huyện, tôi và anh bạn đồng nghiệp suýt bật cười vì tấm biển lạ so với đất liền: Hồ nuôi cá. Cấm lấy nước! Vài phút suy luận, dân ngoại đảo như chúng tôi mới hiểu ra rằng, ở đây không thiếu cá, chỉ thiếu nước ngọt. Nước là vàng! Một dòng chữ sơn vàng ngay ngắn trên bể chứa ở Trường mầm non Hoa Phong Ba gần đó như lời tuyên ngôn giải đáp mọi sự thắc mắc của những ai lần đầu đặt chân đến Cồn Cỏ, trong đó có chúng tôi.
 
Mãi trong buổi cơm chiều, một người đồng hương ở Đồn Biên phòng huyện đảo mới kể cho tôi nghe hành trình vượt khó của những người trên đảo. Sau khi Chính phủ có quyết định thành lập huyện đảo, tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) hơn 40 người được cử ra đảo lập nghiệp. Bao nhiêu con người đều dùng chung một hồ nước mưa tự nhiên. Không chịu nổi cảnh thiếu nước ngọt, nhiều chị em bỏ đảo về đất liền.
 
Thời gian gần đây, Đại học Nha Trang giúp đảo xây dựng hệ thống thu gom nước tự động nhưng chỉ giải quyết về cơ bản vì nước ở đây đa phần là nước lợ. Vì thế, nhiều anh lính trẻ cho rằng, mùa đẹp nhất ở đảo là mùa đông. Những tưởng lính đảo hay đùa để quên bớt khó khăn, gian nan nhưng về sau, tôi mới biết họ nói thật. Mùa đông mưa gió thường xuyên, nhưng được cái anh em dùng nước ngọt thỏa thuê, không phải tiện tặn “một gáo hai ba chức năng” như mùa nắng.
 
Quảng Bình có Hòn La, Thanh Hóa có Hòn Mê, Quảng Trị có Cồn Cỏ để tự hào là con mắt thần giữa vùng biển Đông. Xưa có anh hùng Thái Văn A bám trụ ở đài quan sát giúp đồng đội bắn cháy máy bay địch. Nay, trạm ra đa 540 của lực lượng hải quân tiếp tục làm mắt thần, quản lý vùng biển từ Đà Nẵng, Thuận An, Quảng Trị. Ngoài việc phát hiện tàu lạ, trạm còn thông báo và hỗ trợ ứng cứu nhiều tàu bị nạn trong vùng hải phận. Hôm chúng tôi đến thăm, anh em trong đơn vị mang hẳn hạt bí rang ra tiếp khách.
 
Anh Nguyễn Ngọc Thái, Trạm trưởng Trạm ra đa 540 khoe: Đặc sản của trạm đấy. Mỗi mùa, chúng tôi trồng được mấy tạ bí. Hôm nay, đồng chí Lê Quang Giáp lấy vợ ở xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh. Anh em gửi vào đất liền  mấy cân hạt bí làm quà cưới. Nhân đây, anh Thái mới bắc cầu qua chuyện yên bề gia thất của đồng đội. Mới hay đảo vắng phụ nữ, chuyện hôn nhân của hầu hết anh em là nhờ vào mai mối của gia đình, đến nay trạm vẫn còn 7 đồng chí thuộc diện “phòng không”. Anh Giáp được vợ là nhờ kết bạn qua thư với một cô giáo mầm non ở Nha Trang. Duyên số thế nào mới hay cô ấy là người ở gần đảo. Những lá thư tay ngày càng dày và họ quyết định tiến tới hôn nhân. Thời buổi internet bủa vây tưởng chừng sẽ giết chết những lá thư tay, vậy mà hôm nay tôi mới được chứng thực được sức sống của cây bút và trang giấy. Dù cho công nghệ số trở thành môi trường sống của nhiều người nhưng với đời lính, cánh thư mang theo tình yêu thương và niềm hy vọng sẽ mãi gắn bó với họ.
 
 
Cách đây hai năm, một anh lính hải quân bị đau ruột thừa. Gặp lúc trời đang bão, các loại thuyền không thể cập cảng kể cả tàu hải quân. Tình thế cấp bách, hải quân vùng ba quyết định điều máy bay trực chiến chở ê kíp bác sĩ ra đảo. Chi phí cho vận chuyển và phẫu thuật ngót nghét 200 triệu đồng. Đây là ca mổ chưa từng có trong lịch sử đảo Cồn Cỏ nhưng cũng chứng tỏ Đảng và nhà nước ta đang nỗ lực hết mình để chăm lo cho sức khỏe, tính mạng của người lính giữ đảo.
 
 

Các bạn trẻ Huế với chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ
 
Chúng tôi tìm đến Bến Nghè, một trong những điểm đẹp nhất Cồn Cỏ. Trước mặt là rạn san hô, bên phải là mũi Hổ, đứng ở lan can nhà rông nhìn ra, nhiều người trong đoàn suýt xoa vì cảnh chẳng khác gì trong phim Hàn. Bí thư Đoàn thanh niên huyện đảo Nguyễn Lê Tài giới thiệu sơ bộ cho đoàn về Cồn Cỏ. Diện tích đảo khoảng 2,3 km2, trong đó, 70% diện tích rừng được giữ nguyên. Đảo đã thành lập khu bảo tồn có tới 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô...
 
Tôi còn nhớ thông tin đọc được trên báo cách đây vài năm nói về nhận định của ông Donald J. Macintosh, Cố vấn trưởng dự án bảo tồn biển rằng: đáy biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất trong các đáy biển ông từng khảo sát ở các vùng Kiên Giang, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam. Thậm chí nơi đây, ông còn phát hiện ra san hô màu đỏ. Với những điều kiện như thế, Cồn Cỏ có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Tôi đã thử cảm giác ngâm mình dưới làn nước trong xanh, thỏa thích nhìn ngắm những chú cá rằn màu cam, màu ngọc bơi quanh. Với một chiếc kính lặn cá nhân, tôi dám chắc, thế giới sắc màu của san hô sẽ chinh phục ngay cả những nhà khám phá biển khó tính nhất.
 
Chia sẻ niềm vui với ông Cao Hồng Hải, Phó Chánh văn phòng huyện đảo, ông cũng cho biết, HĐND tỉnh vừa thông qua nghị quyết phát triển du lịch biển đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2010-2015. Hiện, Cồn Cỏ đang được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở. Để du lịch huyện đảo “cất cánh”, nói như ông Abelardo Pérez, chuyên viên cao cấp Viện quy hoạch Cu Ba giúp Cồn Cỏ lập quy hoạch khẳng định: Đến với Cồn Cỏ, trước hết là đến với rừng, đảo, biển, do đó, quá trình quy hoạch và xây dựng phải hạn chế sự tác động của con người.
 
Ngày 8/8/1959, trung đoàn 270 - trung đoàn bảo vệ giới tuyến thuộc đặc khu Vĩnh Linh ra Cồn Cỏ cắm cờ, khẳng định chủ quyền. Hơn 50 năm sau, Cồn Cỏ đã trở thành một đơn vị hành chính, cơ sở hạ tầng hiện đại với hàng trăm con người đang góp sức giữ cho đảo xanh. Nhìn từ ngọn hải đăng, rừng phong ba hoa trắng như đan tay ôm lấy hành lang đảo. Xa hơn một chút là điểm Sông Hương, dấu ấn duy nhất của xứ Huế tồn tại ở Cồn Cỏ. Người dẫn đường của chúng tôi nói rằng, đó là cách các vị lãnh đạo đơn vị đặt tên cho từng điểm để đỡ nhớ quê nhà. Hỏi dò mới hay, ngoài Sông Hương, tên gọi các miền quê khác cũng hiện diện trên đảo. Thì ra những người con từ mọi miền của tổ quốc đã đến đây để chiến đấu, cống hiến sức trẻ giữ đảo, xây đời. Cồn Cỏ nhỏ bé nhưng ôm trọn tình người đất Việt.
 
Cồn Cỏ hôm nay căng đầy sức sống, 11 ngôi nhà của 11 cặp vợ chồng trẻ xung phong ra đảo giờ đã rộn ràng tiếng trẻ học bài. Tên của các em được dùng đặt tên cho các quán ăn trên đảo như một minh chứng cho sự nối tiếp của những thế hệ ở Cồn Cỏ. Dù thiếu thốn, dù vất vả, song, ai cũng quyết bám trụ với đảo xem như đây là quê hương thứ hai của mình. Có đôi còn đưa cả anh, em ra đảo mưu sinh lập nghiệp như vợ chồng anh Vĩnh - chị Na.
 
Hôm chia tay, anh chị đãi chúng tôi bữa cơm và hẹn ngày gặp lại với lời hứa như đinh đóng cột: Tám năm ăn ở trên đảo, bao khó khăn đã trải nên không dễ gì rời xa vùng đất này. Chúng tôi sẽ bám trụ với đảo bởi niềm tin chờ ngày đón những đoàn khách du lịch. Tàu cưỡi sóng hướng về cửa Tùng, Cồn Cỏ nhỏ dần. Máy điện thoại của nhiều người rung lên. Các anh bộ đội gửi lời chào bằng mấy câu thơ của nhà thơ Hải Bằng: Mặc phi cơ oanh tạc. Mặc chiến hạm bao vây, Cồn vẫn trổ xanh cây. Đá vẫn phun ra lửa. Người vẫn chắc bàn tay. Giữ cho tròn đảo Cỏ. Tôi tin, đó là một lời cảm ơn và lời hứa đầy ẩn ý của các chiến sĩ trên đảo thép anh hùng...
 
 Tuệ Ninh
Cuối tháng 7-2010
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top