ClockThứ Ba, 06/09/2016 09:25

Giữ cổ thụ trong di tích

TTH - Đến nay, trong số hơn 5.000 cây lâu năm thuộc Quần thể di tích cố đô Huế, chỉ còn khoảng 200 cây cổ thụ có đường kính 50 cm trở lên, như: cây thông ở Thế Miếu, 2 cây tếch ở tây Điện Thái Hòa, cây vải trong cung Diên Thọ, cây sanh ở Ngự Tiền văn phòng…

Nét đặc thù trong kiến trúc khu di tích Huế là cảnh quan, với phần lớn diện tích được ưu tiên bố trí thiết kế cảnh quan. Trong tổng thể đó, hệ thống cây xanh là một trong những nhân tố chính tạo nét độc đáo cho từng khu di tích. Điều đó được thể hiện rõ qua quy hoạch, bố trí, lựa chọn chủng loại cây trồng đặc thù riêng cho từng khu vực.

Cây thông cổ thụ uốn lượn bên Thế Miếu

Đến nay, ở nhiều khu di tích vẫn còn lưu giữ nhiều cây trồng cổ thụ đặc trưng, thể hiện tính cách của từng vị vua, hay đánh dấu một điểm mốc lịch sử, một mối quan hệ bang giao... Đó chính là những “nhân chứng” sinh động trong mỗi câu chuyện liên quan đến triều đại này mà ngày ngày đang được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách.

Nói đến cây xanh trong hoàng cung Huế, ngô đồng luôn là cái tên được nhắc đến. Theo sử liệu, vua Minh Mạng là người đầu tiên đưa ngô đồng từ Quảng Đông về trồng sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế từng rung động: “Vẻ đẹp tuyệt vời nhất của ngô đồng là lúc chiếc lá cuối cùng trút xuống. Khi ấy, cả cây ngô đồng phủ đầy hoa tím phớt hồng lung linh rực rỡ như đàn chim phượng hoàng đang chen vai ca hót. Màu sắc ấy càng trở nên lộng lẫy trên nền mái ngói rêu phong u nhã của cung điện Huế, nhất là trong những buổi bình minh khi ánh nắng xuân rực rỡ ghé thăm. Có lẽ vì quá yêu quý loài hoa ngô đồng nên vua Minh Mạng mới cho chạm hình ảnh ngô đồng vào chiếc đỉnh mang thụy hiệu của ông: Nhân đỉnh”.

Cũng hấp dẫn được nhiều sự quan tâm của du khách là cây thông già có thế đứng mềm mại ở Thế Miếu. Cây thông già ấy nghe kể được trồng từ thời vua Minh Mạng, vẫn lặng lẽ đi qua tháng ngày trên giàn đỡ bằng kim loại. Trước cây, nhiều du khách dừng chân chụp hình kỷ niệm, nhiều người khác không cưỡng nổi tò mò cũng sờ sờ, gõ gõ đoán “ngày tháng năm sinh”…

Nhiều năm trở lại đây, tôn tạo không gian cảnh quan di tích là một trong ba lĩnh vực được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đồng thời quan tâm khi xây dựng các đề án trùng tu, phục hồi di tích. Theo đó, hệ thống cây xanh, nhất là cây cổ thụ, cũng được đầu tư chăm sóc nhiều. Tiếc rằng cùng với thời gian, thiên tai và chiến tranh, cảnh quan các khu vực di tích bị tàn phá xuống cấp nặng nề, làm mất nhiều cây xanh cổ thụ, cây kiểng quý.

Theo ông Lê Công Sơn, Trưởng phòng Cảnh quan môi trường (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), hệ thống cây xanh, cây cổ thụ ở các điểm di tích đang đứng trước thực trạng bị xâm hại bởi nhiều loài sinh vật tự nhiên. Vấn đề này ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của các cây cổ thụ và làm mất cảnh quan của các khu di tích. Nhiều năm qua, Trung tâm đã cố gắng cứu vãn bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng các biện pháp này chỉ là cấp bách, đối phó tạm thời và hiệu quả chưa cao. Do vậy, việc nghiên cứu một giải pháp có tính khoa học vững chắc để nhằm bảo tồn hệ thống cây xanh cổ thụ ở các khu vực di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế là một vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn nghiên cứu đề tài “Điều tra, đánh giá thực trạng và nghiên cứu giải pháp bảo tồn hệ thống cây cổ thụ ở quần thể di tích Cố đô Huế” và đang triển khai thực hiện.

Khi đề tài “Điều tra, đánh giá thực trạng và nghiên cứu giải pháp bảo tồn hệ thống cây cổ thụ ở quần thể di tích Cố đô Huế” được thực hiện, hệ thống cây cổ thụ thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng từng bước được thống kê, đánh giá tình trạng sức khỏe, phân loại đối tượng cần bảo tồn, số hóa định vị trên bản đồ, nghiên cứu giá trị lịch sử và sau cùng là xây dựng các giải pháp bảo tồn. “Để bảo tồn được hệ thống này, chúng tôi quan tâm nhiều nhất đến các giải pháp nâng cao sức sinh trưởng phát triển của cây, bảo vệ cây khỏi các động vật gây hại và cả tác động của du khách. Chiến lược này xuyên suốt từ nhiều năm nay nhưng vẫn còn cần phải đầu tư nhiều, vừa cả thời gian vừa cả sự ưu tiên về kinh phí”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa

Là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng cung Huế, việc trùng tu công trình điện Thái Hòa được tiến hành cẩn trọng.

Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa
Return to top