ClockThứ Tư, 27/07/2016 14:06

Gỡ “nút thắt” xây dựng nông thôn mới ở Phú Lộc

TTH - Được UBND tỉnh ký quyết định về việc lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới từ tháng 3/2015, nhưng đã gần một năm rưỡi trôi qua, quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở Khu Hai, Phú Lộc vẫn dậm chân tại chỗ.

Chậm triển khai

Phú Lộc có 15 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hiện tại có 3 xã Lộc Bổn, Lộc Điền và Vinh Hưng đã được công nhận chuẩn nông thôn mới; 9 xã đang thực hiện và 3 xã ở Khu Hai, gồm Lộc Thủy, Lộc Tiến và Lộc Vĩnh mới ở giai đoạn lập kế hoạch.

Không có quỹ đất nên chợ Lộc Vĩnh không thể xây dựng mới dù chưa thể đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân

Ba xã ở Khu Hai có quyết định xây dựng nông thôn mới bổ sung từ tháng 3/2015. Sau khi có quyết định, UBND huyện Phú Lộc cùng với các xã bắt tay xây dựng kế hoạch, thành lập các ban chỉ đạo; trong đó, xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể chung cho cả 3 xã được gấp rút thực hiện, song đến nay, đồ án vẫn chưa được thông qua.

Trong quy trình xây dựng nông thôn mới ở Khu Hai, đồ án và đề án được triển khai song song với nhau. Do đồ án chưa thống nhất, kéo theo đề án cũng không được phê duyệt. Mà thiếu đề án thì tính pháp lý và kinh phí để xây dựng nông thôn mới ở Khu Hai không có.

Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, nguyên nhân chậm trễ trong xây dựng nông thôn mới ở Khu Hai là vì 3 xã này nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Khi quy hoạch chi tiết xã nông thôn mới theo hướng đô thị thì bị vướng bởi quy hoạch đô thị của khu kinh tế, nên bắt buộc phải chờ sự đồng ý của khu kinh tế mới triển khai được.

Thiếu quỹ đất

Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa là tiêu chí đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới. Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, điều này nằm ngoài tầm tay của chính quyền địa phương, do quỹ đất của xã không có. Tất cả diện tích của xã đều thuộc sự quản lý của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Cũng do nằm trong vành đai của khu kinh tế nên quỹ đất cấp cho người dân để làm nhà ở xã Lộc Vĩnh hoàn toàn không có.

Không chỉ thiếu quỹ đất mà chuyện xây dựng nhà ở tại các xã Khu Hai cũng gặp nhiều vướng mắc. Một hộ dân ở Lộc Thủy cho hay, con cái của ông khá đông, đều đã lấy vợ, chồng. Số nhân khẩu tăng lên, nhu cầu nhà ở cũng cao hơn. Ông chia mảnh đất hiện tại ra nhiều phần để cho các con làm nhà ở, nhưng khi ra xã làm sổ đỏ, tách hộ thì không được vì nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Bức bách chỗ ở, nhưng khi các con ông làm nhà thì bị xã đình chỉ vì chưa xin giấy phép (quy định nằm trong Khu kinh tế khi xây dựng nhà phải có giấy phép). Ông lại tất bật đi xin giấy phép xây dựng, nhưng trong giấy phép có ghi chú là nếu sau này có giải tỏa thì chỉ được đền bù phần đất, còn phần nhà trên đất sẽ không được đền bù.

Lo lắng của người dân sống trong khu kinh tế, không biết chỗ mình ở có đảm bảo tính lâu dài, lúc nào bị giải tỏa, nên nhiều người chỉ chọn cách xây dựng các ngôi nhà tạm, thiếu kiên cố và an toàn.

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, thẳng thắn: “Làm gì đi nữa thì phải cho chúng tôi một số quỹ đất cụ thể. Mỗi năm xã có trên 50 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn. Dân số ngày càng tăng, kèm theo nhu cầu nhà ở cao, trong khi đó đất không có nên dẫn đến di dân tự do. Mà di dân tự do thì vấn đề an ninh, xã hội khó đảm bảo. Mặt khác, khi người dân xây dựng nhà ở chưa xin phép thì bắt buộc chính quyền phải can thiệp. Nhiều hộ không biết quy định, cứ nghĩ chính quyền xã cố tình gây khó khăn”.

Ông Hồ Trọng Cầu cho biết, tháo gỡ những vướng mắc xây dựng nông thôn mới ở Khu Hai là việc cấp thiết. Huyện đã có kế hoạch mời Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các xã cùng nhau có một cuộc họp chung để tìm cách tháo gỡ, dự kiến trong tháng 7/2016. Tại cuộc họp, huyện sẽ yêu cầu Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đưa ra những phương án cụ thể. Nếu không tình trạng vẫn sẽ kéo dài.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top