ClockThứ Năm, 26/09/2019 18:27

Gỡ “thẻ vàng” - thời gian không còn nhiều

TTH - Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, thị trường châu Âu (EU) đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% là thông tin của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU ((khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), được tổ chức ngày 25/9 vừa qua. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ sau 2 năm (23/10/2017) Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam.

Tác động của “thẻ vàng” trước tiên ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi toàn bộ các lô hàng xuất khẩu vào EU đều bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và phát sinh thêm chi phí kiểm tra nguồn gốc và phí lưu cảng, thậm chí bị trả về làm giảm sức cạnh tranh, lợi nhuận của các doanh nghiệp. Không những thế, khách hàng tại EU e ngại bị phạt theo quy định IUU nên sẽ giảm và ngừng nhập hàng hải sản của Việt Nam. Chưa hết, EU là thị trường tín chỉ nên khi bị thẻ đỏ, các thị trường khác có thể áp dụng các biện pháp tương tự đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Trên bình diện rộng hơn, khi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản gặp khó khăn sẽ dẫn đến lượng thu mua thủy hải sản giảm, giá thu mua thấp sẽ tác động ngược trở lại với chủ tàu, ngư dân. Sản phẩm đánh bắt được khó tiêu thụ, giá bán thấp sẽ khiến các chủ tàu không thể duy trì hoạt động, thậm chí nằm bờ; ngư dân phải bỏ nghề, xa biển…

Phân tích như trên để thấy tác động sâu rộng của “thẻ vàng” trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của từng địa phương và cả quốc gia, cũng như sự cấp thiết của việc chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC.

Gần 2 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC, như luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về IUU trong Luật Thủy sản 2017; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản đồng loạt treo biển cam kết chống khai thác IUU, chỉ mua nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Ngư dân bắt đầu thực hiện lắp đặt giám sát hành trình, ghi nhật ký đánh bắt của tàu; cải hoán tàu đáp ứng các quy định đánh bắt xa bờ. Các cảng cá được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc thủy hải sản khai thác cho các tàu cá.

Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương, ngư dân, doanh nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định chống khai thác IUU. Với Thừa Thiên Huế, việc cảng cá Thuận An xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu cập bến của các tàu cá, nhất là các tàu công suất lớn khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc khai báo, chứng nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt. Với ngư dân, việc đầu tư lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình hay đầu tư cải hoán, nâng công suất đáp ứng quy định tàu đánh bắt xa bờ cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn lực có hạn, năng lực tiếp thu, vận hành trang thiết bị mới, ghi nhật ký của ngư dân hạn chế…

Theo kế hoạch, tháng 11/2019, EC sẽ tiếp tục có đợt đánh giá về “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp, chủ tàu, ngư dân cần chung sức, rốt ráo thực hiện các quy định về chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam. Nếu không giải quyết được vấn đề chống khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Khi đó, toàn bộ các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU. Đây là điều không mong muốn, bởi những tác động xấu đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các địa phương và cả nền kinh tế của nước ta.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ, một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và bổ sung…

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế
Return to top