ClockThứ Ba, 07/01/2020 14:23

Hàng xóm mới

TTH - Tôi chưa thân thiết với nơi mới, có lẽ vì thời gian lưu lại đó chưa nhiều. Phần nữa thường ghé lại vào buổi sáng, lúc mọi người vừa tỉnh giấc hoặc lu bu với những chuyện đầu ngày. Buổi tối thì lại thường vào lúc người ta ăn cơm tối hoặc đốc thúc lũ trẻ nít học bài, xem thời sự. Vì mới, nên cứ nghĩ, mình gặp ai cũng cười chào, bày tỏ sự thân thiện thế là đủ…

Xóm ấm

Kể ra thì tôi cũng có phần ngài ngại, vì ngõ vào nơi mới là một xóm chợ tạm, hơi xô bồ. Ngay đầu ngõ lại có một quán net, nơi trẻ con và thanh niên suốt ngày cày game. Có lẽ vì phụ nữ bao giờ cũng có tính dè chừng với mọi thứ, chứ chồng tôi thì đơn giản hơn khi bảo, có chi mà ngại nếu ở đâu mình cũng chân thành.

Sau hơn 5 tháng, công trình cũng ngót việc nên thầy thợ cũng thưa dần. Lo công việc, sự vụ hàng ngày nên có khi phải tối mới chạy lên bật đèn, coi ngó. Dù chay vay nhưng kiếm không ra người nên vợ chồng tôi cũng tạm chấp nhận “hiện trạng” đang có.

Hôm rồi ghé qua giao việc ngày cho kíp thợ, cô hàng xóm níu lại bảo “chị, cho em số điện thoại đi. Hôm nọ nhìn qua thấy công trình bên nhà không ai bật đèn tối thui mà em không biết làm sao để gọi”. Nhân tiện, cô nói, xóm sắp cúng tất niên, mỗi nhà góp 100.000 đồng. Em nhận rồi góp giùm cho kẻo anh chị lật đật với công chuyện, người ngoài không biết lại tưởng anh chị không tham gia. Tôi cảm ơn cô, rồi cũng nhân tiện nói nhà em có khoảng sân rộng, khi nào chị đậu đỡ chiếc ô tô và được ngay cái gật đầu “Anh chị cứ thoải mái…”.

Sáng sớm khác, hàng xóm ở nhà phía đối diện gặp vợ chồng tôi lúc sáng sớm nên chạy qua góp chuyện. Biết chồng tôi mấy hôm phải lên ở lại đêm để giữ nhà, hàng xóm bảo sao không nói để mình sang ngủ cho. Có chi mà ngại. Giúp nhau mấy hột mà lo…

Hôm rồi đứng quan sát công trình một đỗi ở mé nhà, cô chủ máy xay xát sát đó đưa tôi chiếc ghế, nói chị ngồi tạm chớ đứng lâu mỏi chân rồi đó. Trò chuyện một lúc tôi biết nhà cô ở mãi tận bên trong và chiếc máy xay này là khoản thu nhập cố định của gia đình. Chợt nhớ lần trước, tôi thấy điều là lạ khi có người chở bao lúa đến. Không thấy chủ nên tự động mở rào, găm điện, khởi động máy và cho lúa vào tự xay. Nói chuyện này, cô chủ máy xay xát nói, dạ bình thường luôn chị ơi. Không gặp chủ thì khách tự xay, lần sau trả tiền cũng được. Biết nhau hết mà chị, biết luôn gia cảnh của từng nhà nên không có mất mát gì đâu chị!...

Tôi nhìn nụ cười hào sảng nơi cô, thấy mình bỗng trở nên “quê độ” chi lạ! Chỉ cách trung tâm thành phố dăm ba km, cuộc sống vẫn yên ả và an bình quá!

Sáng qua, tôi ghé ăn bánh canh chị Nở đầu kiệt. Cũng dăm ba chuyện làm vui, chị kể, nhà tui ở dưới xa nhưng tui ngồi đây cũng được chừng 30 năm rồi. Quen và thân thiết với kiệt này lâu nên xem mình như là người của xóm. Cũng quen nhau quá, nên không muốn dời đi chỗ khác cho gần nhà. Nhà chắc phải sau tết mới xong phải không cô? Dân xóm mình hiền lắm, chắc không có mất mát chi mô…

Cũng từ hôm đó, hàng xóm mới đã làm tôi tin vào sự quan tâm và bắt đầu thấy gần gũi…

An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩa xóm

Trong khoảng hơn 5 năm sống tại nhà chồng ở Huế, tôi nhiều lần xúc động trước những mỹ tục thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nơi đây.

Nghĩa xóm
Khi ta thành thật sống…

Xế trưa, sau trận mưa lớn kéo dài cả giờ đồng hồ, tôi trở về nhà và muốn bật khóc khi thấy toàn bộ số áo quần mang phơi từ sáng vẫn… ở nguyên ngoài trời. Dây đồ ướt sũng nằm trơ trọi bên ngoài, cách những cánh cửa đóng kín chỉ mấy bước chân. Khu tập thể nhà nối nhà sát rạt, từ ngày chuyển đến đây ở, hễ có mưa là tôi tri hô mọi người và chạy đồ giúp. Có nhà đi vắng cách nhà mình vài chục mét, tôi không ngại đội mưa giúp họ. Vậy mà…, sao họ vô tâm đến vậy?

Khi ta thành thật sống…
Bên hàng rào xanh

Bữa nọ, một người bạn facebook đăng bức ảnh những trái duối bé tròn bằng đầu ngón tay út chín vàng kèm lời khẳng định: “Dân quê thế hệ 8-9x trở về trước, ít ai không biết vị ngon huyền thoại này”. Ôi, trái duối thơm hương ký ức, gợi nhớ ngôi nhà xưa mấy mươi năm trước. Ngôi nhà có hàng rào làm bức tường phân chia địa giới, là đôi ba cây duối già cành lá lòa xòa và rặng râm bụt xanh mọng điểm xuyết những nụ hoa đỏ rói.

Bên hàng rào xanh
Lộn nghề

Chẳng đau chẳng ốm, buổi chiều vẫn còn ăn uống bình thường, nhưng đến đêm, bỗng nghe tiếng thở của mẹ có vẻ khác lạ.

Lộn nghề
Return to top