ClockThứ Hai, 02/03/2020 10:54

Hiệu ứng ngược

TTH - Cách triển khai đầy tính “pháp lệnh” của nhà trường khiến một cuộc thi mang tính khuyến khích ý tưởng, khuyến khích khả năng sáng tác, viết lách trở thành một bài “kiểm tra”, vô hình chung làm cho học sinh càng dị ứng, sợ hãi với văn chương, với các môn xã hội…

Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Cô chủ nhiệm nhắn tin vào group, phàn nàn lớp bị ảnh hưởng thi đua do một số bạn không nộp bài. Nhác thấy có tên đứa con, tôi giận run người, bởi mùa COVID-19, được ở nhà dài hạn, ăn và chỉ có mỗi chuyện học mà không nên tật, chuyến này không thể tha thứ được.

Vừa dắt xe vào nhà là tôi đã quát cu cậu ra chất vấn, hỏi bài gì mà không chịu làm, không chịu nộp cho lớp?!! Cu cậu hoảng hồn, lí nhí: “Dạ… môn văn...”. Chết cha, đó là môn học chính, vậy mà lại bỏ ngang xương. Sau này làm sao tốt nghiệp?!!

Nghe tôi quát một thôi, cu cậu lại càng hoảng, giọng càng lí nhí: “Dạ… nhưng bài này không tính điểm”. Nghe rất ngụy biện, rất muốn đánh đòn. Nhưng thôi, đang trong cơn nóng giận, tự nhủ hãy nén xuống, thong thả, truy ra bản chất thì cu cậu mới tâm phục khẩu phục. Nghĩ vậy, tôi thay áo xống rồi rửa mặt uống nước cho hạ hỏa. Xong, bảo đem cái đề văn ra xem. Nhác đọc cái đề, tôi… toát mồ hôi. Hóa ra không phải là bài kiểm tra, mà là của một cuộc thi nào đấy. Và với nghề viết lách lâu năm của mình, nhìn cái đề cũng rất… dễ nản. Nó gồm 2 câu như thế này:

Câu 1: Những hiến kế của anh/chị cho Thừa Thiên Huế ngày một mới và đẹp hơn. (Bài viết dài không quá 800 từ).

Câu 2: Anh/ chị nghĩ gì về văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay. (Bài viết dài không quá 1.000 từ).

Đề dành cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, lứa tuổi mà nhiều cháu đều đang rất… gà tồ, làm cái đề văn trong chương trình còn loay hoay, vậy mà bây giờ nhận một cái đề “to tổ chảng” thế này, bác học thế này, hỏi sao không choáng?! Đến nước ấy thì chỉ còn biết khuyên nhủ, động viên con cố gắng “khắc phục hậu quả”, dở hay gì cũng cố gắng mà làm, để khỏi ảnh hưởng thi đua của lớp, phiền lòng cô giáo chủ nhiệm…

Tìm hiểu thêm thì được biết, cái đề thuộc cơ cấu cuộc thi sáng tác “Cảm nhận cuộc sống” do Sở Giáo dục & Đào tạo phát động cho học sinh các cấp. Mỗi cấp có mỗi đề bài, riêng 2 câu vừa kể là đề bài dành cho khối học sinh THPT và học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Cuộc thi được phổ biến, triển khai đến học sinh/học viên. Đối với trường THPT, chỉ chọn 5 bài tốt nhất gửi về Sở GD&ĐT; với các trung tâm GDNN-GDTX là 2 bài. Trong kế hoạch, không thấy Sở GD&ĐT yêu cầu bắt buộc tất cả học sinh/học viên đều phải có bài dự thi…

Tuy nhiên, hình như để… chắc ăn, khi về trường, chí ít như trường của con tôi đang theo học, thì mọi học sinh bắt buộc đều phải có bài, và tính vào điểm thi đua của lớp. Chạy đua với thành tích như thế cho nên khi một vài cháu không có bài nộp, giáo viên chủ nhiệm đã hết sức khó chịu, và phụ huynh được chia sẻ, được… phàn nàn cũng vô cùng bối rối, khổ tâm.

Trở lại cái đề dành cho khối THPT và trung tâm GDNN - GDTX, theo chúng tôi, đó là đề tài rất hay, tuy nhiên hình như hơi quá sức với lứa tuổi của các cháu, đồng thời cũng… quá nhiều nữa. Chọn 1 trong 2 câu để làm đã là rất tốt rồi, buộc phải làm cả 2 câu thì… ngợp, mà đã ngợp thì dễ sinh ra nản, nản thì dễ buông xuôi, hoặc có làm thì làm theo kiểu đối phó, khó mong chất lượng. Lại nữa, với lứa tuổi các cháu, ra đề bài như vậy tôi thiển nghĩ là khá ôm đồm, ngôn từ lại hơi bác học nên khó gợi hứng thú cho các cháu tham gia. Như câu 1: “Những hiến kế để Thừa Thiên Huế ngày một mới và đẹp hơn”, theo tôi, làm câu đó phải là tầm của chuyên gia, của những nhà nghiên cứu, những nhà làm chính sách… may ra. Giá như ở câu này, hãy hỏi các cháu một cách mộc mạc về những gì đó rất gần gũi, liên quan đến phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", nói không với túi nylon sử dụng một lần, khơi gợi ý thức và cảm hứng giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp, giữ gìn thành phố xanh sạch, đẹp… thì có lẽ dễ cho các cháu trong làm bài, đồng thời ban tổ chức cũng dễ thu nhận được nhiều ý tưởng hữu ích từ cuộc thi.

Ở câu 2, hỏi về “văn hóa đọc” nghe có vẻ đao to búa lớn quá, trẻ rất dễ choáng, bởi hiểu thế nào khái niệm văn hóa đọc đã là không đơn giản. Thay vì thế, sẽ đơn giản hơn cho các cháu nếu hỏi một cách nhẹ nhàng, gần gũi hơn, chẳng hạn như: Bạn có thường đọc sách không? Theo bạn, sách có ý nghĩa gì trong cuộc sống? Bạn có lời khuyên gì, đề nghị gì để các bạn trẻ như bạn có hứng thú tìm đến với sách?...

Hỏi như 2 câu trong “Cảm nhận cuộc sống”, có lẽ chỉ trừ những cháu thật xuất chúng, có khả năng viết lách, thường xuyên thao thức với quê hương Thừa Thiên Huế, với văn hóa đọc mới đủ hào hứng đặt bút; còn thì chạy quanh đi nhờ, đi cop qua chép về; số nữa không nhờ được, không cop được thì… “nhờ trời”, chấp nhận bị phê bình, bị đánh hạnh kiểm. Một phóng viên theo dõi mảng giáo dục khi được chúng tôi trao đổi đã lắc đầu ngán ngẩm: Không ít phụ huynh phát khổ phát sở theo con vì “bị nhờ” làm cho bài “kiểm tra” này (!??).

Nhiều năm qua, các môn học thuộc ngành khoa học xã hội & nhân văn, đặc biệt là 2 môn văn, sử đã gây ra sự “chán ngán” không ít trong lớp trẻ. Chất lượng “rớt” thê thảm mà báo chí, các nhà giáo dục đã lên tiếng minh chứng cho điều đó. Muốn vực dậy chất lượng dạy và học văn-sử, trước tiên phải tạo được hứng thú, phải làm sao cho học sinh không cảm thấy ngán ngại với môn học. Một đề bài như vừa kể, lại thêm cách triển khai đầy tính “pháp lệnh” của nhà trường khiến một cuộc thi mang tính khuyến khích ý tưởng, khuyến khích khả năng sáng tác, viết lách trở thành một bài “kiểm tra” rất khó nhằn đối với các cháu, cách làm đó vô hình chung làm cho học sinh càng dị ứng, sợ hãi với văn chương, với các môn xã hội. Tiếc thay…

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Duy trì các mô hình xanh

Tại đợt ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh vào ngày 30-31/3, các địa phương, đơn vị đã đồng loạt tổ chức tu sửa, vệ sinh, tôn tạo lại các điểm xanh.

Duy trì các mô hình xanh
Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan

Ngày 29/3, Thanh tra (TT) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra (TT) và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT. Tại Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cùng gần 100 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT tham dự.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan
Return to top