ClockThứ Bảy, 02/01/2016 20:14

Hướng tới tương lai trong cái nhìn chiến lược

TTH.VN - Năm 2016, đất nước sắp bước thêm một bước trên tiến trình đổi mới và phát triển. Những biến động lớn, mạnh mẽ và nhanh chóng trên thế giới năm qua cũng đặt chúng ta trước nhiều cơ hội và thử thách, cho chúng ta thêm nhiều hy vọng và cũng mang đến nhiều ưu tư.

Hy vọng và ưu tư, nhiều cơ hội và thử thách

Cuộc đàm phán “trường kỳ” giữa 12 quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương để đi đến TPP đã kết thúc tính từ ngày 5/11/2015 - khi Hiệp định được công bố toàn văn (bằng tiếng Anh). Hiệp định này sẽ hoàn tất quá trình xem xét nội dung để được Quốc hội các nước thành viên thông qua và TPP sẽ chính thức trở thành khu vực kinh tế có quy mô lớn nhất toàn cầu - với hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 giá trị thương mại thế giới. TPP được đánh giá là một hiệp định mẫu mực bởi nó vượt trội ở cả tầm vóc và sức ảnh hưởng. TPP tỏ ra ưu việt hơn hẳn “ông lớn” WTO do thiết lập được các luật quốc tế với phạm vi can thiệp sâu hơn: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty Nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động v.v.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 25. Ảnh: Internet

TPP (sẽ) có tác động với Việt Nam mạnh hơn cả WTO. Theo đánh giá của giáo sư Peter A.Petri (Đại học Brandeis, Hoa Kỳ), Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Tuy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả lời một cách riết róng câu hỏi: Mạnh mẽ để cạnh tranh hay là bị “nuốt chửng”, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu các ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Mặc dù vậy, nhìn tổng thể và dài hạn, liều thuốc quý TPP (có cả vị đắng) sẽ là một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển và trưởng thành hơn trong sân chơi kinh tế toàn cầu. Lợi ích lớn nhất mà Việt Nam sẽ có là tìm được một đối trọng “đủ nặng” để có thể tái cân bằng quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm như đã có hiện nay, giảm bớt ảnh hưởng lệ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là Trung Quốc (không là thành viên của TPP). Nhưng để có được những điều đó, chúng ta còn rất nhiều việc cần (phải) làm - từ việc cải cách chính sách vĩ mô đến những điều chỉnh kỹ thuật cụ thể.

Chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn 

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Hòa bình, ổn định, liên kết, phát triển và hướng tới người dân là mục tiêu, định hướng hoạt động của Cộng đồng ASEAN. Sự kiện Cộng đồng ASEAN hình thành không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN, mà đó là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới.

Trong các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam không tách khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN. Những lợi ích của Việt Nam gắn liền với từng quốc gia liên quan với những vấn đềcụ thể và cũng gắn liền với lợi ích chung của cả cộng đồng ASEAN. Dù còn nhiều vấn đề Việt Nam cần phải hợp tác giải quyết với các nước Đông Nam Á lục địa (những vấn đề về tài nguyên nước, về môi trường, về bảo tồn sự đa dạng văn hóa dọc sông Mekong...) và những nước Đông Nam Á hải đảo (những vấn đề về tài nguyên biển, về chủ quyền biển đảo, về đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển) nhưng Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hiệp hội với những đóng góp quan trọng trong các hoạt động của ASEAN trên các lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa, trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, trong giáo dục - đào tạo…

Sự tăng cường liên kết nội khối đã tạo ra sức mạnh để cả khối cũng như mỗi nước thành viên đối phó (hiệu quả) với những sức ép từ bên ngoài. Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở Biển Đông thời gian qua, Việt Nam đã kiên trì trao đổi cùng các quốc gia trong khu vực để tăng đồng thuận; cùng bày tỏ lo ngại chung đối với những diễn biến đe dọa đến hòa bình, an ninh khu vực; kêu gọi sự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Lập trường chính nghĩa và hòa bình của Việt Nam đã được sựủng hộ của nhiều đối tác, trên nhiều diễn đàn quốc tế - trong phạm vi ASEAN và cả thế giới.

Trong chiến lược phát triển các mối quan hệ quốc tế của mình, Việt Nam khẳng định vị thế riêng, đồng thời với tư cách một thành viên tích cực trong ASEAN trước những thách thức. Khi chấp nhận thách thức và nỗ lực vượt qua, vai trò, vị thế của Việt Nam trong tương lai được khẳng định qua những mối quan hệ của Việt Nam với thế giới, trong đó trước tiên và quan trọng hơn cả là các mối quan hệ trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Nêu quan điểm củng cố những mối quan hệ cân bằng để cùng hợp tác, xây dựng mô hình phát triển tự do về kinh tế, trung lập về an ninh, độc lập về chính trị, Việt Nam nỗ lực củng cố các mối quan hệ đa phương và song phương với ASEAN cũng như với các nước ASEAN. Việt Nam đã tham gia sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN; chủ động tham gia xây dựng phương hướng phát triển và thảo luận để thông qua các quyết sách lớn của ASEAN; tích cực cùng các nước thành viên triển khai các nội dung ưu tiên hợp tác của ASEAN, nhất là triển khai hiệu quả, đúng hạn lộ trình xây dựng cộng đồng.

Xây dựng một chiến lược ngoại giao khôn ngoan

Vị trí địa lý của một quốc gia là điều không thể thay đổi, song vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế của quốc gia đó có thể biến đổi - với ý nghĩa tăng lên hoặc giảm đi vai trò của chủ thể - trong mỗi giai đoạn lịch sử. Điều này tương ứng và phụ thuộc với đường lối, chính sách điều hành đất nước trong thời kỳ đó, tỷ lệ thuận với sự vững mạnh nội lực của quốc gia và sự năng động trong các mối quan hệ quốc tế. Tài nguyên vị trí địa - chính trị có được và tồn tại khách quan, nhưng để có thể khai thác hiệu quả tài nguyên đó, phát huy những thế mạnh, nâng cao vị thế, vai trò của quốc gia trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu lại đòi hỏi những nhân tố chủ quan.

Việt Nam được ví như một “ban công” hướng ra Thái Bình Dương và là đầu cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là “ngã ba đường” giao lưu kinh tế và văn hóa của đường bộ và đường biển, giữa phương Đông và phương Tây. Vị trí đặc biệt của Việt Nam hấp dẫn tất cả các nước “lớn”, và cũng là nguyên nhân của các cuộc xâm chiếm Việt Nam đã từng xảy ra trong lịch sử.

Trong cục diện mới, những mâu thuẫn có tính chiến lược về chính trị - an ninh lại thường ẩn dưới (hoặc sau) những mâu thuẫn, tranh chấp kinh tế. Trong từng giai đoạn, những mâu thuẫn đó có thể nổi lên hoặc chìm lắng bớt nhưng luôn tồn tại âm ỉ, cần giải quyết. Hợp tác, hòa hoãn xen lẫn với cạnh tranh, kìm chế lẫn nhau giữa các cường quốc luôn diễn ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á nói riêng đang hiện hữu (và cả tiềm tàng) nhiều nguy cơ bấtổn và khó dự đoán về an ninh và chính trị. Ở đây đang diễn ra cuộc chạy đua - vừa cạnh tranh, vừa thỏa hiệp - giữa các thế lực đã phát triển là Mỹ, Nhật, với những thế lực đang nổi lên, đòi hỏi thiết lập một trật tự mới. Trung Quốc đã và đang không giấu giếm tham vọng khẳng định vai trò cường quốc (trước hết) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Cánh cửa” và “sân chơi” quan trọng mà Trung Quốc chọn để “bước ra” thể hiện vai trò, sức mạnh nhập cuộc của mình chính là Đông Nam Á - với tiêu điểm là những đặc quyền ở Biển Đông. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề trong quan hệ quốc tế (kể cả những vấn đề song phương giữa hai nước) đều (phải) được xem xét trong tương quan với các mối quan hệ khu vực, trong thế giới đang toàn cầu hóa. Mỗi nước “lớn” đều phải cân nhắc đến phản ứng của những nước “lớn” khác trước mỗi động thái của mình và các nước “lớn” sẽ không dễ áp đặt những toan tính của mình như trong những giai đoạn trước. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng, tiếng nói của khu vực và các nước “vừa” và “nhỏ” có “sức nặng” đến mức nào phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó một phần khá quan trọng phụ thuộc vào sự chủ động, sự nhạy bén, khôn khéo trong ngoại giao của những nước này với các nước “lớn” và cả giữa các nước “vừa” và “nhỏ” với nhau.

Hướng tới tương lai trong cái nhìn chiến lược toàn diện và dài hạn, vị trí địa - chính trị đặc biệt là ưu thế “trời cho” của Việt Nam. Cần khai thác để phát triển đất nước bằng một chiến lược ngoại giao khôn ngoan.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Return to top