ClockThứ Tư, 01/06/2011 22:01

Khao khát được nhìn thấy nhân vật Đại tướng trong tác phẩm của mình thật đời, thật mạnh mẽ...

TTH - Được giới chuyên môn đánh giá là một chương trình rất lạ, lần đầu tiên sử dụng một lúc ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ điện ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên sẽ truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 lúc 20 giờ ngày 25/6/2011 tại Quảng Bình. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn, tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh về chương trình nghệ thuật mà ông đang dàn dựng.
Tổng đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Ông có thể nói rõ hơn về sự kết hợp mới mẻ giữa yếu tố sân khấu - điện ảnh trong “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên”?

Phải rất khó khăn tôi mới quyết định như vậy cho chương trình có tầm cỡ thế này. Ngoài yếu tố sân khấu truyền thống là bục bệ cách điệu còn chất chứa cả ngôn ngữ điện ảnh từ xây dựng bối cảnh, phục trang, đạo cụ, và thậm chí là cách diễn nhằm mục đích cho khán giả tiệm cận hơn tới sự chân thực. Đây cũng là chương trình mô tả sự dữ dội, quyết liệt tại mặt trận Điện Biên Phủ, vì thế, tôi muốn cho khán giả nhìn thấy được những gì mà câu thơ Tố Hữu đã miêu tả: 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non... Nghĩa là nếu có máu đổ là máu đổ thật, và bùn non là bùn non thật, rất khốc liệt. Tôi cũng chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên không diễn cách điệu như sân khấu, mà diễn thật hơn, đời hơn như diễn điện ảnh để lôi kéo khán giả về một sự thật đầy cảm xúc.
Nhiều bộ phim, vở kịch... từng nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trận Điện Biên Phủ, ông sẽ “làm mới” đề tài này như thế nào để khán giả không bị nhàm chán?
Đó là một thử thách vô cùng lớn. Sân khấu hay tác phẩm điện ảnh cần nhất là sự bất ngờ để cuốn hút khán giả, làm mới tác phẩm; nhưng ở chương trình này, mọi thứ khán giả đều biết, hay nói tóm tắt là dù khốc liệt thế nào, khán giả cũng đã biết chiến dịch Điện Biên toàn thắng, tướng Đờ-cát đầu hàng… Làm sao để cuốn hút khán giả? Tôi đã chọn một cách nhìn mới mẻ về chiến dịch Điện Biên: đó là nhìn toàn bộ cuộc chiến đấu máu lửa tại Điện Biên Phủ dưới góc nhìn lãng mạn. Cách nhìn này phù hợp với nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - như ông nói: Tôi là một vị tướng lãng mạn! Cách nhìn này làm cho toàn bộ chương trình bay bổng, như một bản hùng ca, lãng mạn cả việc miêu tả quân ta, miêu tả tướng Giáp và lãng mạn cả khi miêu tả kẻ thù. Toàn chương trình vì thế như một bản tình ca da diết, có khi day dứt, có khi khốc liệt nhưng toát lên trên hết là vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của đất nước, vẻ đẹp tinh thần của Đại tướng. Đó chắc chắn là một cách nhìn mới và tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút khán giả. Để đi tới ngày hôm nay, thực sự chúng tôi phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Nhưng bây giờ không phải lúc nhắc lại khó khăn đó nữa, bây giờ là niềm hứng khởi của chúng tôi- êkip sáng tạo và hàng trăm diễn viên đang chuẩn bị “vào trận” và chiến thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên năm 1994. Ảnh: TL
 
20h ngày 25/6/2011, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 với thời lượng trên 2 giờ, trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên sẽ biểu diễn phục vụ khán giả Quảng Bình trong các ngày 22 đến 24/6/2011. Tối 9/6/2011 sẽ tổ chức Lễ khai trương chương trình long trọng tại Quảng Bình.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên” được ông chuẩn bị suốt 3 năm liền. Vì sao lại có sự “trăn trở” dài hơi như thế?
Nếu tính từ dòng viết khởi thảo kịch bản đầu tiên tới giờ đã 3 năm. Có rất nhiều cảm xúc trong tay khi chuẩn bị kịch bản này. Tôi là một nhà văn quê Quảng Bình, vì thế, trước hết, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải là người đầu tiên viết về Đại tướng trong một tác phẩm sân khấu. Hơn nữa, đối với các nhà viết kịch, các đạo diễn, được sáng tác và dàn dựng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là niềm vinh dự to lớn. Tôi viết và chỉnh sửa kịch bản tới mấy chục lần. Dù là cách viết thế nào, tôi vẫn khao khát được nhìn thấy nhân vật Đại tướng trong tác phẩm của mình thật đời, thật mạnh mẽ nhưng thật lãng mạn, thật cương quyết nhưng thật giàu cảm xúc. Ông là vị tướng vĩ đại vì không bao giờ ông thấy mình vĩ đại. Ông là vị tướng có đức hy sinh cao cả nhưng không bao giờ ông day dứt bởi hai chữ hy sinh. Ông là vị tướng trăm trận trăm thắng nhưng không bao giờ ông dùng xương máu của chiến sỹ làm phương tiện cho mình giành chiến thắng. Không ai yêu lính như ông. Không ai đau đớn trước sự hy sinh của lính như ông. Ông là vị tướng tài năng lỗi lạc nhưng bao giờ ông cũng cho rằng chiến thắng thuộc về Đảng, về Bác Hồ, về tập thể. Ông lớn lao mà vẫn bình dị như cây cỏ. Ông là vị tướng huyền thoại, là danh tướng của thế giới nhưng cuộc sống của ông lại bình dị và êm đềm như một câu hò sông nước Lệ Thủy quê ông. Một con người như vậy thật lớn lao và cũng thật khó cầm bút để viết về ông. Nhưng tôi đã viết bằng tất cả cảm xúc, lòng kính trọng với một quyết tâm: bằng mọi giá phải dựng cho bằng được một chương trình lớn về ông như là sự tri ân. Và bằng các thủ pháp nghệ thuật, tôi muốn khán giả lại được gặp ông, một vị tướng vĩ đại của mọi thời đại nhưng dung dị, nhân văn và tài hoa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) nghe báo cáo tình hình chiến sự Điện Biên.
Ảnh: TL
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh không chỉ là tác giả kịch bản của những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Ngã ba Đồng Lộc, chuyện tình bên dòng sông mà còn là tác giả kịch bản của hàng trăm tập phim truyền hình với những bộ phim có tiếng tăm: Cô gái mang tên dòng sông, Vào đời, Lập nghiệp… Ông còn là tác giả sân khấu nổi tiếng với những tác phẩm lớn: Đặng Thùy Trâm, Vú Cát, Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ, Hồn trinh nữ... và là tác giả những cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang: Người và dã thú, Đêm thức, Cát trọc đầu… Mấy năm gần đây ông nổi lên như là một tổng đạo diễn gặt hái nhiều thành công, với kịch bản và cách dàn dựng mới lạ, gần đây nhất là sự kiện nghệ thuật BÀI CA KHÔNG QUÊN gây xúc động lòng người.
Chương trình nghệ thuật này sẽ quy tụ rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng?
Đúng thế! Tôi mong muốn các nghệ sĩ của cả ba miền bắc trung nam đều vinh dự tham gia chương trình này.
Ở Sài Gòn có Lỹ Nhã Kỳ, Lan Phương là hai diễn viên nữ nổi tiếng và tài hoa, tôi lựa chọn vào vai Julie và Galal. Các diễn viên khác như NSƯT Trung Hiếu, NSUT Bắc Việt, Nghệ sĩ Tiến Minh, Hà Sĩ Toàn, Thùy Linh, Công Lý… và các nhà hát kịch Thanh Hóa, Nam Định, đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, đoàn nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị, Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế… Gần 400 diễn viên cả nước sẽ có mặt trong chương trình này. Tôi cũng đã lựa chọn một êkip sáng tạo hàng đầu của nước ta trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh: NSND - Họa sĩ Lê Huy Quang, NSƯT, họa sĩ Vũ Huy, NSƯT nhạc sỹ Hoàng Anh Tú, NSƯT Bành Bắc Hải cùng các đạo diễn phối hợp: NSƯT Ngọc Bình- Hoàng Giang Châu- Đào Quang… Bên cạnh đó, các NSND Lê Tiến Thọ, NSƯT Vương Duy Biên, NSƯT Lê Chức, NSƯT Trịnh Lê Văn, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh là những người anh, người bạn của tôi luôn sát cánh cùng tôi trong quá trình dàn dựng chương trình này.
Xin cảm ơn ông và chúc chương trình đại thắng!
Tuệ Ninh (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phố biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế

Bên cạnh phổ biến những quy chế mới liên quan hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương có phục vụ ca Huế lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Phố biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế
Nhà thiết kế Đoan Trang vinh dự đoạt giải Ba tại Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024

Nhận lời mời của Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Uzbekistan tham dự Lễ hội thêu và trang sức bằng vàng quốc tế diễn ra từ ngày 3 - 5/5 tại TP.Bukhara, nghệ nhân, nhà thiết kế, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Thêu may Đoan Trang (2/56 Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP. Huế)-bà Nguyễn Thị Đoan Trang vinh dự là đại diện Việt Nam đoạt Giải Ba.

Nhà thiết kế Đoan Trang vinh dự đoạt giải Ba tại Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024
Chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới:
Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn

Đó là thông tin được Ban Tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới chia sẻ vào chiều 9/5.

Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn
Khát vọng làm mới những ca khúc về Huế

Có mặt đều đặn và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi âm nhạc và xuất hiện thường xuyên trong các chương trình nghệ thuật ở Huế, ca sĩ Phan Huy Thành đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán, thính giả. Đặc biệt, những ca khúc viết về Huế được Phan Huy Thành biểu diễn mang màu sắc tươi trẻ, như: Cơm hến, Trai Huế, Nón… thật sự mang đến làn gió mới góp phần lan tỏa và thăng hoa hình ảnh cảnh vật và con người xứ Huế đến với người nghe.

Khát vọng làm mới những ca khúc về Huế
Return to top