ClockThứ Ba, 31/03/2015 06:13

Không để biến tướng, thương mại hóa

TTH - Ngày 15/3, Nghị định số 10/2015/ NĐ – CP của Chính phủ về việc mang thai hộ có hiệu lực. Nghị định cho phép 3 cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW) và Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. GS.TS Bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc BVTW Huế cho biết, đơn vị đang nhận hồ sơ để triển khai vấn đề này.

Áp dụng cho 3 nhóm nguyên nhân chính không thể mang thai

Theo bác sĩ Lê Việt Hùng, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản BVTW Huế kỹ thuật mang thai hộ là noãn của người vợ (không thể mang thai vì lý do sức khỏe, bất thường tử cung) và tinh trùng của người chồng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi; phôi được chuyển vào buồng tử cung một phụ nữ khác (người mang thai hộ). Quá trình thai nghén diễn ra bình thường, phụ nữ này sẽ mang thai và sinh một em bé có đặc điểm di truyền hoàn toàn thuộc về cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Trước đây, phương pháp mang thai hộ được thực hiện thành công tại Bệnh viện Từ Dũ với sự cho phép đặc biệt của Bộ Y tế.

Thực hiện thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện Trung ương Huế

 
Từ năm 2003, kỹ thuật mang thai hộ không cho phép thực hiện ở Việt Nam theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó đến nay, các cặp vợ chồng có chỉ định y khoa để thực hiện mang thai hộ phải ra nước ngoài điều trị, nếu có đủ điều kiện, hoặc chấp nhận không thể có con vĩnh viễn. Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 cho phép trở lại việc thực hiện mang thai hộ ở Việt Nam là một quyết định nhân văn, mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng. Tuy vậy, nhiều người có nhu cầu mang thai hộ vẫn băn khoăn: Mang thai hộ sẽ được thực hiện với những trường hợp nào? Quy trình được tiến hành ra sao?
Bác sĩ Lê Việt Hùng giải thích: “Kỹ thuật mang thai hộ được áp dụng cho 3 nhóm nguyên nhân chính không thể mang thai: Người vợ không có tử cung do dị dạng bẩm sinh hoặc đã bị cắt tử cung do bệnh lý tử cung, do tai biến sản khoa. Người vợ có tử cung nhưng bị dị dạng nặng hoặc bệnh lý nặng không thể mang thai. Người vợ bị những bệnh nội khoa nặng khi mang thai sẽ nguy hiểm tính mạng. Trường hợp sẩy thai nhiều lần hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần do nguyên nhân liên quan đến tử cung hoặc nội mạc tử cung”.
Quy trình mang thai hộ chỉ có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Người vợ trong cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ sẽ được kích thích buồng trứng, theo dõi và chọc hút noãn. Noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng người chồng để tạo phôi. Phôi có thể được chuyển ngay vào tử cung người mang thai hộ đã được chuẩn bị bằng nội tiết hoặc phôi sẽ được đông lạnh và sẽ được rã đông và cấy vào tử cung người nhận mang thai hộ vào thời điểm thích hợp. Người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải đảm bảo có đủ tinh trùng để TTTON và người vợ phải có dự trữ buồng trứng đủ để cho việc thực hiện TTTON.
 
Không để biến tướng, thương mại hóa
BVTW Huế đã nhận hồ sơ của 6 cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và có nhiều trường hợp mang thai hộ khác đang chờ làm hồ sơ. Sau khi có thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiến hành thực hiện ngay những trường hợp đầu tiên. Trước mắt, chi phí thực hiện kỹ thuật cho mỗi trường hợp mang thai hộ được tính như chi phí mỗi trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm.
Liệu việc mang thai hộ có biến tướng hoặc thương mại hóa? Giám đốc Bùi Đức Phú cho biết, Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” được giải thích là việc một phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đứa trẻ sinh ra được trao lại cho bố mẹ sinh hoặc cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra.
Nghị định Chính phủ quy định chặt chẽ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó quy định rõ các điều kiện của các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Người mang thai hộ là người thân thích, cùng thế hệ của bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ với nhiều quy định chặt chẽ khác về các lĩnh vực y tế, tâm lý, pháp lý.
Về việc triển khai bước đầu kỹ thuật mang thai hộ, BVTW Huế sẽ bám sát các điều khoản của Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và mang thai hộ. Giám đốc Bệnh viện thành lập đơn vị điều phối để rà soát tính pháp lý của các hồ sơ mang thai hộ; thành lập hội đồng chuyên môn của bệnh viện để tư vấn về y tế và tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; đồng thời, quyết định kỹ thuật TTTON; phối hợp với các trung tâm tư vấn về pháp luật để tư vấn về pháp luật; báo cáo Bộ Y tế các trường hợp mang thai hộ có đủ điều kiện để tiến hành kỹ thuật. Tất cả việc làm này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cặp vợ chồng vô sinh cần sinh con qua kỹ thuật mang thai hộ có được đứa con của chính mình, đảm bảo tính nhân đạo của phương pháp mang thai hộ và tránh hiện tượng thương mại hóa và các hệ quả xấu về sau.
Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Return to top