ClockThứ Bảy, 28/05/2022 06:45
ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH THEO THÔNG TƯ 22:

Không nặng về điểm số

TTH - Theo lộ trình, từ năm học 2021-2022, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT sẽ áp dụng đối với lớp 6. Giáo viên đánh giá học sinh theo hướng khuyến khích, tương tác giữa thầy và trò, chứ không nặng về điểm số.

Thông tư 22: Giáo viên tiếp tục gặp khó khi nhận xét học sinhHỗ trợ giáo viên tiểu học xây dựng đề kiểm tra theo thông tư 22

Chương trình giáo dục phổ thông mới không nặng về điểm số

Các môn học được đánh giá như nhau

Sau 1 năm thực hiện Thông tư 22 cho thấy, có nhiều điểm mới phù hợp. Đáng chú ý là không còn phân biệt môn chính, môn phụ khi đánh giá, mà chỉ đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của các em theo 4 mức độ: tốt - khá - đạt - chưa đạt (bỏ mức độ trung bình, yếu kém). Khen thưởng học sinh cũng sẽ theo 3 mức độ: xuất sắc - giỏi - hoàn thành (bỏ khen thưởng học sinh tiên tiến, không phân biệt học sinh trung bình).

Điểm mới của Thông tư 22/2021 là áp dụng cho chương trình phổ thông mới. Theo thông tư, có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số (các môn học còn lại).

Sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, các trường đã triển khai kịp thời đến giáo viên và học sinh. Theo nhiều giáo viên, hình thức đánh giá học sinh rất phù hợp, giáo viên có thể nhận xét, đánh giá ngay ở những bài tập trong quá trình dạy. Do vậy, giáo viên kịp thời động viên, uốn nắn, biểu dương học sinh trong quá trình dạy học, giúp các em tiến bộ, đặc biệt học sinh yếu kém sẽ tự tin và phấn đấu hơn.

Về phía phụ huynh, nhiều người đồng tình khi nhà trường thực hiện thông tư này đối với học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022. Chị Trần Thị Hà, có con học Trường THCS Hùng Vương chia sẻ, Thông tư 22 bỏ cách tính điểm trung bình các môn, giúp học sinh không còn áp lực giỏi toàn diện, qua đó giảm bệnh thành tích trong giáo dục. Các môn học đã được đánh giá như nhau không còn chú trọng 2 môn toán, văn như trước khiến chúng tôi thực sự yên tâm về kết quả học tập của con.

Ở góc độ quản lý, sau 1 năm triển khai, cô giáo Đoàn Thị Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Sào Nam (TP. Huế), nhìn tổng thể, Thông tư 22 đang đi đúng hướng và hiệu quả hơn trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Giảm số lượng đầu điểm kiểm tra thường xuyên giúp giảm áp lực về hồ sơ, đầu điểm cho giáo viên, đặc biệt với những bộ môn nhiều giờ. Thông tư cũng chỉ ra vai trò phối hợp giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục, đồng hành với học sinh.

Cần chi tiết, cụ thể

Có một vài khó khăn mà nhiều trường học đang phải đối diện khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6. Đó là, 1 giáo viên phải dạy 1 môn tích hợp, đặc biệt là môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn lý - hóa - sinh). Phần lớn, các trường học trên địa bàn không có giáo viên được đào tạo cả 3 phân môn này. Khó khăn ở chỗ, nếu 3 người dạy 3 phân môn, đến lúc đánh giá học sinh thì 3 giáo viên phải ngồi lại với nhau. Trong trường hợp đánh giá, nhận xét không đồng nhất sẽ sai lệch kết quả. Thế nên, thời gian đến khi  giáo viên được đào tạo cả 3 phân môn thì sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá năng lực học sinh.

Cũng theo quy định tại Thông tư 22, đối với những môn học từ 70 tiết trở xuống thì thời lượng kiểm tra giữa kỳ và thời gian cuối kỳ là 45 phút. Đối với môn học trên 70 tiết, thời gian kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ từ 60 - 90 phút. Tuy nhiên, quy định này cũng gây những bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng kiểm tra một môn học theo Thông tư 22 chưa sát thực tế nên nhà trường lúng túng trong quá trình thực hiện.

Để triển khai hiệu quả Thông tư 22, trong những năm tiếp theo, nhiều giáo viên cho rằng, ngay đầu năm học các trường cần triển khai chi tiết, cụ thể đến từng tổ nhóm chuyên môn về các quy định kiểm tra, đánh giá. Từ đó, thảo luận thống nhất các nội dung, hình thức, sản phẩm kiểm tra, đánh giá, bảo đảm phù hợp với đặc trưng bộ môn, điều kiện thực hiện của nhà trường. Cùng với đó, tăng cường đổi mới hình thức kiểm tra để có tính khách quan và chính xác hơn.

Không ít giáo viên âu lo liệu có tình trạng mỗi nơi ra đề kiểm tra ở một mức độ khác nhau, dẫn tới kết quả không phản ánh đúng chất lượng dạy học? Theo ngành giáo dục, những bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông chứ không phải theo cảm tính của giáo viên hay nhà trường.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Return to top