ClockThứ Hai, 21/12/2020 16:19

Khu di tích Danh tướng Nguyễn Tri Phương cần được tôn tạo

TTH - Khu nhà thờ, lăng mộ Danh tướng Nguyễn Tri Phương tuy đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1990, nhưng đến nay địa điểm này vẫn ít người biết đến.

Học sinh, sinh viên khám phá, trải nghiệm di sảnHơn 6,4 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo địa đạo Khu ủy Trị Thiên HuếTôn tạo, khai thác giá trị lăng Trường Thái, di tích Hổ Quyền – Voi Ré

Hiện trạng khu lăng mộ Danh tướng Nguyễn Tri Phương

Chưa xứng tầm di tích cấp Quốc gia

Khu di tích lăng mộ Nguyễn Tri Phương và Phò mã Nguyễn Lâm tọa lạc tại thôn Đại Phú, xã Phong Chương (Phong Điền). Theo sử sách, Nguyễn Tri Phương (tên thật là Nguyễn Văn Chương) sinh năm 1800 tại làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền (nay là xã Phong Chương, huyện Phong Điền).

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Thành Hà Nội thất thủ, ông bị quân Pháp bắt giữ nhưng ông đã cự tuyệt hợp tác và tuyệt thực tới chết.

Sau khi ông hy sinh, Vua Tự Đức xuống dụ cho lập đền thờ trung hiếu tại quê nhà. Lăng mộ ông và Phò mã Nguyễn Lâm (con trai ông, cùng hy sinh khi giữ thành Hà Nội) được dòng họ xây dựng vào khoảng năm 1874. Qua chiến tranh và thời gian, nhà thờ và khu lăng mộ Nguyễn Tri Phương vẫn giữ được đến nay.

Ngày 14/7/1990, Khu di tích lịch sử nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương cùng lăng mộ Phò mã Nguyễn Lâm và lăng mộ Nguyễn Duy (em ruột ông Nguyễn Tri Phương) được Bộ Văn hóa-Thể thao ra Quyết định số 575-QĐ/VH công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Được biết, năm 2016, UBND huyện Phong Điền đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hàng rào bảo vệ, đổ mặt bằng cát cho khu lăng mộ di tích Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Lâm, kèm theo bãi đỗ xe, dựng biển chỉ dẫn vào khu di tích; đồng thời, làm mới các bộ cửa nhà thờ... Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên hiện nay di tích này vẫn còn rất sơ sài, chưa xứng tầm di tích cấp Quốc gia.

Cần đầu tư phát huy giá trị di tích

Ông Lê Văn Viêm, Trưởng thôn Đại Phú (Phong Chương, Phong Điền) cho biết, khu di tích lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm-Nguyễn Duy nằm ở vùng thấp trũng, hàng năm đều hứng chịu lũ lụt. Khuôn viên di tích lăng mộ chưa được bê tông, sau mùa mưa lũ lại xuống cấp, cỏ dại thi nhau mọc, rất tốn công sức nhổ, dọn. Hơn nữa, đường vào di tích nhỏ, hẹp, mặt đường chỉ rộng 2m được đầu tư xây dựng từ năm 2004 đã xuống cấp. Nhiều đoàn tham quan đi xe từ 12 chỗ trở lên, phải dừng ở Tỉnh lộ 4, đi bộ vào hơn 1,5km mới đến được di tích. Ngoài ra, khu lăng mộ còn sơ sài, chưa được đầu tư hàng rào cứng. Hơn nữa, bãi đỗ xe khu di tích nhỏ hẹp nên trong các dịp lễ, kỷ niệm hàng năm, quan khách, con cháu về dự đậu, đỗ xe tràn ra đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông...

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương, hiện nay, xã đã quy hoạch mở rộng đường vào di tích lên 8m; đồng thời quy hoạch bãi đỗ xe rộng 100m2. Ngoài ra, khoanh vùng bảo vệ di tích. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên chưa thể triển khai đầu tư xây dựng được...

Đầu năm 2020, con cháu hệ Trung Hiếu (Nguyễn Tri) do ông Trưởng hệ Nguyễn Tri Việt đã có tờ trình gửi các cấp, các ngành về việc đề nghị đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc di tích và liên quan trực tiếp đến di tích nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy. Sau khi nhận được đơn, ngày 31/3/2020, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các ban, ngành liên quan và đề xuất một số giải pháp trước mắt.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho biết, Phòng đã có báo cáo gửi UBND huyện xem xét bố trí vốn để triển khai các hạng mục bãi đỗ xe và các tuyến đường vào nhà thờ, lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy. Cũng theo ông Thắng, trên địa bàn huyện có 7 di tích cấp quốc gia và hàng chục di tích cấp tỉnh, hàng năm được bố trí nguồn vốn khoảng 300 triệu đồng nên rất khó khăn trong việc tôn tạo, tu sửa di tích. Vì vậy cần có nguồn vốn từ tỉnh, Trung ương.

Thực tế tại di tích lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy cho thấy, việc đầu tư kinh phí, nâng cấp sửa chữa di tích này cần phải sớm được thực hiện. Ngành văn hóa cần có chuyến khảo sát, đánh giá, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về hiện trạng di tích nhằm có hướng giải quyết kịp thời, xem xét những hạng mục nào cần sự đầu tư của tỉnh, những hạng mục nào cần sự đầu tư của trung ương và những hạng mục nào cần nguồn xã hội hóa… để nâng cấp di tích, tạo điểm đến, phát huy giá trị.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top