ClockChủ Nhật, 06/02/2022 14:44

19 tập đoàn, tổng công ty chủ động mọi tình huống để hoàn thành mục tiêu năm 2022

Nỗ lực vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong năm qua, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.

Tận dụng khung chuyển đổi số để tăng tốc, bứt phá sau đại dịch COVID-19Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng dần đến quý II/2022Sôi động dịch vụ thuê xe ô tô tự lái dịp tếtDoanh nghiệp Việt khẳng định trên 'bản đồ' bán lẻ

Đây là nền tảng và cũng là động lực để Ủy ban cùng các doanh nghiệp chủ động trước mọi tình huống, hoàn thành mục tiêu năm 2022 dù còn nhiều thách thức và rủi ro phía trước.

Biến nguy thành cơ

Năm 2021, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 99% kế hoạch (821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch (34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020); tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020).

Sản xuất pin tại Công ty Cổ phần Pin Hà Nội (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Trong đó, 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không thể phủ nhận rằng năm qua là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và trong nước do ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu. Dù vậy, một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước như Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Trong đó, VIMC từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong tốp đầu về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, đã quyết liệt cơ cấu lại toàn diện. Nắm bắt được thời cơ phục hồi thị trường vận tải quốc tế, VIMC đã biến nguy thành cơ để bứt phá mạnh mẽ.

Kết thúc năm 2021, VIMC báo lãi hơn 4.000 tỷ đồng, gấp 5,5 lần kế hoạch. Và đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng.

Năm 2021, một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước đạt 18.194 tỷ đồng (90,1% kế hoạch), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ước đạt 5.095 tỷ đồng (97,2% kế hoạch), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) ước đạt 6.245 tỷ đồng (79,1% kế hoạch)...

Trong đó, nhiều dự án trọng điểm về năng lượng đã được triển khai như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I; dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên.

Đối với các doanh nghiệp còn khó khăn trong năm 2021 như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Ủy ban chỉ đạo quyết liệt để đưa ra đề án tái cơ cấu, làm sao kịp thời phôi phục hoạt động cho các doanh nghiệp này, đúng thời điểm xã hội dần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nhu cầu vận tải của thị trường hồi phục và tăng lên.

"Qua đó, đáp ứng yêu cầu bức thiết đặt ra của nền kinh tế và nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, doanh nghiệp", ông Hoàng Anh khẳng định.

Tăng tốc hoàn thành mục tiêu

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Do đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xác định nhiệm vụ hàng đầu là cố gắng không ngừng để góp phần ổn định, phát triển kinh tế Nhà nước nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp trong Ủy ban nói riêng.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết ngay từ đầu năm, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2022 với nhiều nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng và giải pháp đề ra.

Dự báo dịch COVID-19 có thể còn phức tạp, nguy hiểm hơn, cùng với rủi ro thường trực về khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu..., Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xác định mục tiêu, phương châm điều hành của năm 2022 là quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững.

PVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng; đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn: Sông Hậu 1 và Thái Bình 2...

Bên cạnh đó, các dự án lớn của tập đoàn như Nhơn Trạch 3,4, Dự án khí Lô B cũng sẽ được khởi công. Ủy ban đã chỉ đạo PVN tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công, thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực mới, động lực mới cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.

Còn tại Tổng công ty Kinh doanh vốn và Đầu tư Nhà nước (SCIC), năm 2022, SCIC tập trung cao vào các giải pháp về xây dựng thể chế, chiến lược, trong đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035.

Về quản trị doanh nghiệp, SCIC tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp; áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục.

Mặt khác, SCIC tiếp tục tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số doanh nghiệp; trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty mới tiếp nhận, các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt; tăng cường giám sát thực hiện Quy chế người đại diện mới và kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống người đại diện.

Về đầu tư, SCIC kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của Tổng công ty, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế về đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.

Nhận định về năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng năm nay có thể có "độ rơi" của một số lĩnh vực, ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong tình huống ấy, Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc cần chuẩn bị và triển khai kịch bản, kế hoạch phù hợp để duy trì và phát huy hơn nữa vai trò của mình trong mục tiêu đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Song song với đó, Ủy ban tiếp tục rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và doanh nghiệp.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top