Cán bộ thú y tiêm vắc xin vụ xuân cho gia cầm
Trước mùa nắng nóng, bà Trần Thị Loan ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) sửa chữa chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo thoáng mát, thông gió, tráng để nắng chiếu trực tiếp vào nền chuồng. Mái và trần chuồng được phủ thêm tranh tre, nứa lá, tạo bóng mát. Với chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, bà Loan giảm độ dày đệm lót, làm thêm giàn cho gà tránh nóng, đảm bảo an toàn cho đàn lợn 10 con và 200 con gà.
Chủ trang trại GSGC ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) Trần Thiện Chương tiến hành sửa chữa, lắp đặt hệ thống làm mát như: giàn phun mưa trên mái, hệ thống quạt thông gió, hệ thống làm mát bằng hơi nước nhằm làm giảm nhiệt độ trong chuồng. Quá trình chăn nuôi, ông Chương bổ sung vào thức ăn một số loại vitamin nhằm tăng đề kháng cho vật nuôi, đồng thời tiến hành các biện pháp tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng chuồng trại…
Bà Trần Thị Bồng ở xã Phong Hải cho rằng, ở vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền) có lợi thế về chăn nuôi bò, ít dịch bệnh, tuy nhiên các đồng cỏ thường khô hạn vào mùa nắng nóng. Vùng cát ven biển ít cây cối cho bóng mát nên vào mùa nắng nóng, tốt nhất người dân phải bứt cỏ nuôi bò nhốt chuồng, tránh gia súc bị cảm nắng. Với những nơi có đồng cỏ dồi dào, thời điểm cho bò ăn thích hợp thường vào lúc sáng sớm, chiều mát, hoặc vào ban đêm.
Tại các vùng gò đồi, miền núi, các đồng cỏ thường dồi dào, nhưng theo kinh nghiệm của người dân, cần theo dõi quá trình chăn thả vào những ngày nắng nóng, không nên để gia súc ăn quá no.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin cho gia cầm
Ông Đặng Minh Lân ở xã Bình Thành (TX. Hương Trà) lưu ý, vào những ngày nắng nóng phải giảm 5 – 10% lượng thức ăn so với những ngày bình thường; cung cấp đầy đủ nước sạch và tắm mát cho gia súc.
Hộ ông Lân cũng như nhiều hộ ở Bình Thành lắp thêm vòi uống tự động để đảm bảo đầy đủ nguồn nước cung cấp thường xuyên cho gia súc. Đối với gia cầm nuôi thả vườn, cần được người dân đặt máng ăn, uống dưới mái che, hoặc bóng cây, tránh ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào gia cầm.
Để đảm bảo an toàn cho GSGC, theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, với điều kiện thời tiết như hiện nay, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp ứng phó các loại dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Ngành thú y huyện tăng cường phối hợp hướng dẫn người dân triển khai tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin cho đàn GSGC theo đúng kế hoạch. Ngoài tận dụng nguồn thức ăn, nguồn cỏ tự nhiên, bà còn cần quan tâm trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn.
Trưởng phòng Kinh tế-TX. Hương Trà, ông Trần Xuân Anh thông tin, Trạm Thú y TX. Hương Trà đã hoàn thành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho vật nuôi vụ xuân trên địa bàn huyện. Theo đó, đã tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng cho 100% số trâu, bò và tiêm vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn (hay còn gọi là vắc xin tam liên lợn)… cho 100% đàn lợn trong diện tiêm. Các địa phương đã hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, newcatsle gà, vắc xin cúm gia cầm.
Tăng cường giám sát các vùng giáp ranh có nguy cơ lây truyền dịch bệnh
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Nguyễn Văn Hưng, ngoài các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin, Chi cục CN&TY tăng cường triển khai kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Chi cục phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, đặc biệt chú ý đối với các bệnh dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, chốt chặn tại các vùng giáp ranh có nguy cơ lây truyền dịch bệnh, như các chốt kiểm dịch: Phong Thu (Phong Điền), A Lưới, Cầu Hai (Phú Lộc)...
|
Bài, ảnh: Hoàng Thế