ClockChủ Nhật, 20/12/2020 17:20

Cá tôm không phụ lòng người

TTH - Khác với những làng chài ven biển, đầm phá xác xơ sau các trận cuồng phong, Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) vẫn “sống khỏe” nhờ nguồn sản vật dồi dào sau thiên tai và rừng cây chắn sóng bên bờ phá.

Vùng đầm phá xa mà gầnBảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á- kỳ 3: Mô hình cho tương laiBảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á - Kỳ 2: Đối diện thách thứcBảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á- kỳ 1: Nguồn sống cho bao phận người

Ngư dân Quảng Lợi đánh bắt bên rừng cây ngập mặn

Làng chài “sống khỏe”

Cũng như hàng chục làng chài trải dọc theo bờ phá Tam Giang, làng Ngư Mỹ Thạnh - như chính cái tên của nó - cư dân nơi đây vốn lấy nghề “theo đuôi con cá” làm kế mưu sinh. Khác chăng, vùng đất nằm giáp ranh cuối hạ nguồn con sông Ô Lâu, hưởng được đặc ân phù sa sau bao thác ghềnh của con sông mẹ ở triền núi, để bồi đắp cho biền bãi hạ du.

Nếu vùng cửa sông Ô Lâu (Quảng Thái, Quảng Điền), nổi tiếng với việc hình thành tràm chim trong ký ức cũng như hiện thực thì vùng đầm phá Quảng Lợi nức tiếng với nguồn sản vật dồi dào.

Cuối đông, anh bạn người đầm phá kháo với tôi rằng, về Ngư Mỹ Thạnh mà xem ngư dân “mần” nghề dũi đánh tép. Nghề mới nhưng ngư dân làm quanh năm, “hái” ra tiền mỗi ngày. Thông thường, sau cơn lũ, nước bạc từ thượng nguồn về làm môi trường sống thay đổi, cá tôm cũng ốm o, khan hiếm dần. Đó cũng là lúc nghề ngư của dân đầm phá gặp khó.

Nhưng vài năm nay thì khác hẳn, từ khi có từng cây bần chua trồng ken dày bên bờ phá, xung quanh những “cồn nổi” giữa dòng Tam Giang đã làm cá tôm, cua và đặc biệt là tép sinh sôi vô kể. Trở về từ chuyến khai thác tép xuyên ngày, anh Phan Cư, ngư dân làng Ngư Mỹ Thạnh cầm mớ tép trắng phau trên tay, hồi hởi: “Chưa mùa đông năm nào tép nhiều như ri. Mỗi kg 40 nghìn đồng. Ngày hai vợ chồng siêng năng kiếm gần triệu bạc là thường!”

Rừng cây ngập mặn trở thành nơi cung cấp sinh kế cho người dân

Là thế hệ “hậu bối” của làng chài, anh Cư đã từng nuôi xen ghép các loại thủy sản trên đầm phá, rồi theo cha đặt lừ đánh cá tôm truyền thống, nghề ngư cũng chỉ đủ ăn, thậm chí khi mưa bão thất bát thì thiếu ăn. Từ khi học được nghề dũi tép ở thôn Trung Làng (xã Quảng Thái) kế bên, sinh kế gia đình anh đã thay đổi.

Bởi, vùng Quảng Thái vốn là đất của những tràm chim. Khi mực nước triều hạ, những biền bãi để lộ ra lớp thức ăn phù du cho các loại chim cò. Từ trong những rặng cây ngập mặn cũng hình thành loài tép bám trong rong rêu, rễ cây. Ngư dân ở vùng cửa sông một thời đã khai thác các loại thức ăn của chim cò để đảm bảo sinh kế. Nghề truyền nghề. Khi mà những cây bần chua ven đầm phá Quảng Lợi đã khép tán thì nghề dũi tép cũng khá thịnh ở Ngư Mỹ Thạnh.

Ngoài con tép, mô hình nuôi xen ghép từ những cồn nổi trên phá Tam Giang được bao bọc bởi rừng cây ngập nước cũng mang lại sinh kế cho ngư dân nơi đây. Nuôi xen ghép ven đầm phá không phải là mới, nhưng nuôi giữa rừng cây ngập mặn, tạo môi trường tự nhiên cho các loài thủy sản như ở Quảng Lợi thì chỉ có vài trăm trở lại đây.

Dẫn chúng tôi ra vuông lưới, ngư dân Phan Công Vũ bảo rằng, nuôi xen ghép dù lời lãi ít hơn nhưng đổi lại tỷ lệ rủi ro rất thấp. Mỗi năm nhờ vào rừng cây bần chua trồng trên phá có thể nuôi được 2 vụ, trừ chi phí lãi khoảng 50-60 triệu đồng. Ngoài ra, bộ rễ dày cùng rong rêu của rừng cây này là nơi trú ngụ của thủy sản, chủ  hồ có thể khai thác quanh năm.

An cư ắt… lạc nghiệp

Có dịp trò chuyện với ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông bảo rằng, thống kê mới đây cho thấy, sau các trận bão, lụt cuối năm 2020 này, nhiều làng chài ven biển, đầm phá nhà cửa bị tốc mái, hạ tầng, âu thuyền hư hỏng khá nhiều. Nhưng ở Quảng Lợi thì chỉ có 7 nhà bị tốc mái, vuông lưới, âu thuyền của ngư dân vẫn “vững chãi” trước gió bão.

Tìm hiểu nguyên nhân từ chính ngư dân vùng này cho thấy, những rừng cây ngập mặn khép tán đã trở thành “tấm khiên” che chắn cho dân làng. Không phải tự dưng, “câu chuyện Quảng Lợi” lại được nhắc đến những ngày sau bão lũ, là bởi nơi đây có diện tích rừng ngập mặn ven đầm phá được quy hoạch trồng khá bài bản. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, công góp của người dân, giờ đây rừng cây cho ngư dân làng chài những “trái ngọt” đầu tiên. Và, giấc mơ an cư lạc nghiệp của người dân cũng bắt đầu từ đây.

Thong dong lái chiếc thuyền từ âu thuyền Ngư Mỹ Thạnh “ra khơi”, ngư dân Phan Văn Ty nói chắc nịch: Trong trận bão số 5 và số 8 vừa qua, nếu không có cây rừng chắn gió thì khoảng 370 chiếc ghe thuyền trong này khó mà giữ được. Chuyện “chạy bão” của ngư dân giờ là quá khứ. Có rừng cây ngư dân mới an cư. An cư rồi mới “lạc nghiệp” được.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi nhớ như in về những trận cuồng phong qua năm tháng mà thôn dân làng Ngư Mỹ Thạnh phải gánh chịu. Làng nằm chông chênh bên bờ phá mỗi mùa mưa bão về. Cứ mỗi bận thiên tai, công tác chằng chống nhà cửa, di dời người dân luôn được chính quyền tính đến.

Từ năm 2016 đến nay, thông qua các dự án, đã có 45 ha rừng cây ngập mặn được trồng từ bến đò Cồn Tộc (Quảng Lợi) kéo dài đến vùng giáp ranh xã Quảng Thái trên chiều dài khoảng 10km. Nhiều đoạn rừng cây được trồng ken dày với bề dày từ 40-50m. Cây rừng khép tán đã làm giảm cường độ sóng, gió khi từ ngoài phá đi vào đất liền.

Kinh nghiệm của ngư dân, mỗi mùa bão, sóng từ ngoài phá Tam Giang vào cao từ 1-1,5m, khi đi qua rừng cây, cường độ đã giảm đi nhiều. Rừng cây bần chua cũng góp phần bảo vệ tuyến đê Tây phá Tam Giang trước tình trạng sóng lớn gây sạt lở bảo vệ nhà cửa, sản xuất tại địa phương và vùng lân cận.

Giấc mơ làng chài

Ngư Mỹ Thạnh vài năm trở lại đây còn biết đến với tour du lịch trải nghiệm đầm phá Tam Giang, giao cho chi hội nghề cá quản lý với các hoạt động đi thuyền, đánh bắt thủy sản… do một tổ du lịch gồm các chị em phụ nữ trong thôn đảm nhận. Tour du lịch Ngư Mỹ Thạnh đã từng bước phát huy hiệu quả, nghiệp vụ tiếp đón, hướng dẫn phục vụ du khách ngày được nâng lên. Chẳng mấy chốc mà ngư dân nơi đây thành những “hướng dẫn viên du lịch” thực thụ.

Lượng khách trong và ngoài nước chủ yếu từ các tour lữ hành của các công ty ở thành phố với bình quân từ 40-50 đoàn, khoảng 1.500 người/năm.

Ông Phan Đăng Bảo khẳng định, địa phương đã xây dựng đề án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng xã Quảng Lợi đến năm 2025 và định hướng năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đưa du lịch dịch vụ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của xã.

Trong đó, tiếp tục duy trì mô hình du lịch cộng đồng, truyền thống tại Ngư Mỹ Thạnh, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch lưu trú homestay, dịch vụ vận chuyển đưa đón khách trên đầm phá Tam Giang, rừng ngập mặn, tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con địa phương. Khôi phục phát triển các hoạt động sản xuất truyền thống gắn với văn hóa bản địa để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm…

Khép lại câu chuyện chính sách mà địa phương đang nỗ lực triển khai. Nhìn ra xa, những chuôm trộ ngư dân cũng đã hình thành trên diện tích mặt nước bờ phá Tam Giang. Làng chài Ngư Mỹ Thạnh xanh dần sau bão.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Return to top