ClockChủ Nhật, 01/09/2019 14:53

Tháo 'điểm nghẽn' trong quá trình chuẩn hóa

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết tại Hà Nội mở ra nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp định EVFTA: Quản lý chất lượng hàng hóa theo chuỗi, nguồn gốc, xuất xứXuất khẩu nông, thủy sản: EVFTA mới chỉ là 'cánh cửa'Hiệp định EVFTA và IPA: Tăng cường tương tác giữa khu vực công và tưNâng tầm doanh nghiệp, đón cơ hội

Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Far Eastern New Apparel Việt Nam - KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ đi kèm với thách thức bởi đây là một Hiệp định thế hệ mới, có lợi cho cả đôi bên. Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiêp, nhất là các doanh nghiệp dệt may muốn tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa hưởng lợi từ EVFTA phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ các "điểm nghẽn" để có thể thực hiện quá trình chuẩn hóa này.

EVFTA mở ra  thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn cho ngành dệt may của Việt Nam, khi EU cam kết sẽ xóa bỏ các dòng thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, mặt hàng dệt may sẽ xóa bỏ thuế dần trong vòng 7 năm về 0%. Việc giảm thuế này mang đến chất xúc tác lớn cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang thị trường EU.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, chỉ có tuân thủ quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, quản lý tốt việc lợi dụng xuất xứ, hàng Việt Nam có cơ hội lớn tại thị trường EU. Theo ông Giang, vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu để đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Hiện khó khăn doanh nghiệp dệt may phải đối mặt vẫn là yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cũng nêu rõ, hàng hóa xuất nhập khẩu muốn được hưởng ưu đãi thuế, phi thuế hay hạn ngạch như cam kết thì cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ với nguyên tắc hàm lượng giá trị nội khối không dưới 40%. Một trong những điểm đáng chú ý của EVFTA, theo bà Trang là cam kết sở hữu trí tuệ, gồm các cam kết về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bằng sáng chế, thông tin bí mật.

Với mặt hàng dệt may, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hoá, nghĩa là hàng hoá đó ít nhất phải sản xuất tại Việt Nam. EU cũng cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ, chẳng hạn vải sản xuất tại Hàn Quốc, nước có FTA song phương với EU cũng được công nhận nguyên tắc xuất xứ từ vải trở đi và được hưởng ưu đãi.

Bà Trang nhận định thách thức lớn của ngành dệt may trong thời kỳ tới là tăng trưởng nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu về EVFTA để tận dụng cơ hội. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm bắt các cam kết của Việt Nam với EU nhằm hiểu rõ hơn lợi thế mình có thể tận dụng. Tư duy đó bao gồm cái nhìn về thị trường lớn, cải tiến sản phẩm, chất lượng mẫu mã… để có thể chào hàng và gây ấn tượng ngay từ đầu với khách hàng đến từ EU.

Hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, việc cắt may được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt hoặc doanh nghiệp EU. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong việc nhận ưu đãi do doanh nghiệp trong nước chưa chủ động sản xuất sợi và vải. Bởi, nguồn nguyên liệu này lâu nay doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc khối EU.

Ông Giang cho rằng, doanh nghiệp đang nỗ lực để xoay chuyển vấn đề này bằng gia tăng đầu tư, liên kết đầu tư mở rộng sản xuất… nhằm mục đích cuối cùng là được hưởng mức thuế 0% của Hiệp định thương mại đã được ký kết.

Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, về quy tắc xuất xứ của EVFTA đối với mặt hàng dệt may sẽ đơn giản hơn so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đối với CPTPP, yêu cầu phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Điều đó có nghĩa là các công đoạn từ sợi – vải – cắt may đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, còn EVFTA chỉ yêu cầu từ vải.

Một điều đặc biệt nữa là sau quá trình bàn luận, trao đổi, EU đã đồng ý cho phép cộng gộp xuất xứ với những nước đã có FTA với EU như Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, các doanh nghiệp dệt may hoàn toàn có quyền nhập khẩu vải từ Hàn Quốc sản xuất các mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường EU để hưởng ưu đãi về thuế quan. Tất cả các quốc gia sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với EU trong tương lai cũng sẽ được tính cộng gộp theo phương thức này.

Với những thách thức như vậy, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta phải có thị trường lớn để lập được chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài, giúp ngành dệt may cạnh tranh ở cấp độ cao hơn. Đó chính là mục tiêu khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU, tạo ra thị trường bền vững; đồng thời có thêm điều kiện để đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ sâu hơn.

Đặc biệt, nếu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị tạo ra cho Việt Nam sẽ cao hơn. Và sẽ đi kèm với những thách thức. Khâu yếu nhất hiện nay của ngành là khâu dệt và điểm nghẽn là nhuộm. Nếu như muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó. Do vậy, nếu không có sự chuẩn bị tổng thể, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, vượt qua thách thức này đối với ngành dệt may, việc tận dụng cơ hội này rất khó.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào EU với mức thuế GSP (chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập). Đây là một trong số những ưu đãi của EU dành cho các nước đang phát triển hoặc kém phát triển, với mức thuế cho các mặt hàng dệt may  khoảng 9%. Hiện nay, thuế  thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường của EU là 15% và nếu cắt giảm sẽ giảm dần từ 13%, 11%, 9% trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lo ngại rằng hàng rào thuế quan sẽ giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng. Về vấn đề này, ông Phí Việt Trịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm phân tích, các tiêu chuẩn này được xây dựng hoàn toàn dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, họ rất ít khi đưa ra các tiêu chuẩn không có cơ sở khoa học.

"Một khi chứng minh được rằng chúng ta quan tâm đến sự an toàn của người tiêu dùng thì cánh cửa EU sẽ luôn rộng mở chào đón", ông Trịnh cho hay.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top