Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19”
Thảo luận tại Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19” diễn ra ngày 23/7, các đại biểu nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Trong số 126.000 doanh nghiệp, có tới 86% doanh nghiệp phải hứng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có các giải pháp về an sinh xã hội với gói 62.000 tỷ đồng, cùng với đó là giải pháp tiền tệ về hạ lãi suất điều hành, giãn, hoãn khoanh nợ; giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất; Các giải pháp thúc đẩy đầu tư công bằng việc đẩy nhanh giải ngân vốn chưa sử dụng năm 2019 và vốn kế hoạch 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tốc độ giải ngân còn chậm, việc tiếp cận các “gói” hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến việc phục hồi sau đại dịch chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, đại dịch đã khiến GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua; Xuất nhập khẩu giảm sút, trong đó xuất khẩu giảm 1,1% và nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những “điểm tối” của nền kinh tế, ông Lực nhìn nhận, kinh tế Việt Nam vẫn “nổi” một số điểm sáng. Cụ thể, việc phòng chống dịch đạt kết quả tích cực, Chính phủ đã chỉ đạo tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng, bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu hồi phục từ tháng 4/2020; giải ngân đầu tư công cải thiện tích cực; tỷ giá duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất giảm nhanh…
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán phục hồi khá trong quý 2 sau khi giảm mạnh trong tháng 2, tháng 3; hội nhập quốc tế được tăng cường; kinh tế số phát triển mạnh; cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển khá khả quan.
“Trong bối cảnh dịch bệnh đã xuất hiện xu hướng đầu tư kinh doanh mới, nhiều nhà đầu tư đã hướng vào những tài sản an toàn hơn như vàng; Xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) tăng vì nhiều công ty phá sản hoặc có giá cổ phiếu giảm sâu; Tiếp đó là xu thế cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư; xu thế áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc. Dịch bệnh đã tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi số ở các doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Do đó, từ trong đại dịch, bản thân doanh nghiệp phải nhìn ra được những điểm yếu để cấu trúc lại và tăng khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Trước dự đoán tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, nhiều ý kiến đề xuất, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiện quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu trước các biến động kinh tế của doanh nghiệp.
Theo VOV.VN