Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đối thoại với doanh nghiệp tại tọa đàm
Nộp ngân sách trên 2.000 tỷ đồng
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định ghi nhận sự đóng góp của các DN FDI vào sự phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh.
Năm 2018, các DN FDI nộp ngân sách hơn 2.100/6.700 tỷ đồng tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết việc làm cho trên 21 ngàn lao động nhưng so với tiềm năng, lượng DN, các dự án FDI đầu tư vào Thừa Thiên Huế vẫn chưa nhiều.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Đình Khánh, ngoài khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện, các DN FDI còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tìm kiếm các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn pháp lý, đào tạo, tìm kiếm thị trường, hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu công nghiệp phụ trợ, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu cũng như đội ngũ công nhân lành nghề còn thiếu và yếu…
Theo đánh giá, tiến độ triển khai thực hiện các dự án FDI ở Thừa Thiên Huế thấp so với cả nước, cụ thể: Tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đăng ký còn quá thấp (25,6%); còn nhiều dự án chưa triển khai và triển khai chậm tiến độ (28/102 dự án tạm ngưng hoạt động và chưa triển khai; 8/102 dự án đang triển khai xây dựng cơ bản).
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại buổi tọa đàm, đại diện một số DN FDI đánh giá cao hỗ trợ, giúp đỡ, ủng hộ từ phía địa phương đối với DN khi đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nhiều vấn đề “nóng” về nhân lực, hạ tầng, kết nối giữa chính quyền- DN, giữa DN với nơi đào tạo; định hướng phát triển nguồn nhân lực được các DN FDI thẳng thắn chia sẻ.
Giám đốc điều hành Laguna Lăng Cô- ông Gavin Herholdt- bày tỏ. Trong quá trình làm việc tại Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Những hỗ trợ này theo ông Gavin là “rất tích cực, hữu ích và hiệu quả hơn” so với những nơi trước đây ông từng làm việc.
Đồng quan điểm, ông John Tapper Chủ tịch HĐQT Công ty Co- Plus cho rằng: "Một số DN khi đến Huế phàn nàn địa phương chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục giấy phép nhưng tôi không nghĩ vậy. Trong quá trình làm việc ở đây, tôi nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả”.
Chia sẻ về vấn đề nhân sự tại Huế, ông Hayakawa Akihito - Giám đốc Công ty Brycen cho biết, công ty ông gặp vấn đề rất lớn về nhân sự. Chúng tôi làm trong lĩnh vực IT nên tuyển dụng nhân sự trẻ rất dễ nhưng đa phần họ có tư tưởng “chỉ làm một thời gian rồi đến các thành phố lớn tìm kiếm cơ hội chứ không gắn bó lâu dài”. Tổng giám đốc Công ty TNHH MSV Furukawa Masatoshi cũng cho rằng, Huế thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực may mặc. Vì vậy, MSV mong có sự kết hợp giữa các trường đại học với DN cũng như định hướng từ chính quyền để đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Ngoài thách thức về nguồn nhân lực, đại diện các DN FDI cũng chỉ ra những rào cản về văn hóa, đặc trưng vùng miền, tính tự ti của người Huế hay ý thức của người dân đối với môi trường… đã phần nào làm chậm sự phát triển của Huế. “Tôi thấy Huế cái gì cũng có, cái gì cũng sẵn sàng nhưng chưa phát triển mạnh nên rất cần sự thay đổi”, Chủ tịch HĐQT Công ty Wellpower Vietnam Energy Nguyễn Văn Quý Ngọc bày tỏ.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, về vấn đề nhân sự, chính quyền sẵn sàng có những chương trình hỗ trợ nhưng về phía các DN, cũng rất cần DN phản ánh “DN cần cái gì” trong chính sách để chính quyền cập nhật, bổ sung, đưa ra những chính sách có hiệu quả, hiệu lực ngay cho DN. “Tỉnh mong muốn CLB FDI là môi trường để các DN FDI nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh để cùng phát triển và mỗi thành viên trong CLB là một “sứ giả” để kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế. Đồng thời, tỉnh cam kết sẽ đồng lòng, đồng sức cùng cộng đồng DN cũng như sẵn sàng lắng nghe những phản hồi, kiến nghị, yêu cầu của DN. “Đây được xem là “mệnh lệnh” để tỉnh thay đổi với mục tiêu để DN có môi trường phát triển tốt hơn”, ông Định nói.
3 tháng đầu năm 2019, Thừa Thiên Huế cấp mới 5 dự án (DA) đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 60,5 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 107 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD. Đứng thứ 23 so với cả nước và xếp thứ 7/19 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2018, doanh thu khu vực FDI đạt trên 881 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt hơn 567 triệu USD.
Bài, ảnh: LIÊN MINH