ClockThứ Sáu, 04/12/2015 11:14

Dự báo xu hướng ngập lụt trong tương lai ở TP Huế

TTH - Biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của cư dân đô thị. Chính quyền và người dân đô thị Huế đang và sẽ đối mặt với hiểm họa do tác động của BĐKH trong quá trình quản lý đô thị cũng như vấn đề bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai. 

Cùng với sự gia tăng lượng mưa và cường độ mưa, TP Huế luôn hiện diện một số rủi ro do ngập lũ khi mưa lớn xảy ra. Kèm theo quá trình đô thị hóa sẽ làm bê tông hóa bề mặt, ngăn chặn nước mưa thấm xuống mặt đất – do vậy tạo ra nước chảy tràn nhiều hơn. Mưa lớn và kéo dài tạo ra một lượng rất lớn nước chảy tràn bề mặt, và có thể dễ dàng làm ngập một số các khu vực trũng thấp có hệ thống thoát nước hạn chế.

Ngập lụt trên đường Hùng Vương. Ảnh: Hoàng Triều

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia (thực hiện trong dự án M – BRACE – đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của TP Huế) , BĐKH có khả năng làm tăng rủi ro lũ lụt ở TP Huế theo ba cách: từ biển (mực nước biển dâng cao sẽ hạn chế khả năng thoát lũ); từ mưa nội vùng với cường độ lớn gây ngập úng; và mưa trên lưu vực sông Hương chuyển lũ về thành phố hoặc tổng hợp các yếu tố trên.

Về yếu tố nước biển dâng: Nằm cách bờ biển khoảng 20km, TP Huế chịu tác động trực tiếp của bão và mức nước biển dâng. Đối với các trận bão đổ bộ đến vùng ven biển Thừa Thiên Huế thường kèm theo mưa lớn, gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế và cư dân đô thị Huế bị ảnh hưởng bởi sự phá hoại của bão và ngập lũ. Dự báo sẽ làm tăng diện tích ngập lụt, thời gian ngập và số người bị ngập lũ vào mùa mưa.

Từ mưa nội vùng: Theo số liệu quan trắc, Huế là một trong những khu vực có lượng mưa lớn, trung bình hàng năm dao động từ 2.700mm đến 2.800mm. Mưa là một yếu tố khí hậu có tính biến động mạnh mẽ nhất.

Tài liệu quan trắc trong một thế kỷ gần đây tại TP Huế cho thấy, trong 50 năm qua lượng mưa trung bình có sự biến động khá lớn qua các thập kỷ. Sự biến đổi này không nhất quán giữa tháng trong năm. Tuy nhiên, có thể thấy điểm chung là lượng mưa trung bình năm trong những năm gần đây có xu hướng tăng và thập kỷ 1991-2000 có lượng mưa trung bình lớn nhất và có tính đột biến, đến 3.273 mm.

Dưới tác động của BĐKH lượng mưa trung bình năm trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong thập kỷ 2001-2010 tăng từ 10-22% so với 30 năm trước đó (1971-2000); trong đó trung bình tháng 10 tăng 27%.

Dự báo trong những năm đến, lượng mưa và cường độ mưa sẽ gia tăng vào mùa mưa nên hiện tượng ngập lũ đô thị sẽ ngày càng ác liệt. Ngược lại vào mùa khô, khi lượng mưa bị suy giảm đến 23%, hiện tượng khô hạn sẽ xảy ra nghiêm trọng. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch cung cấp cho cư dân đô thị trở nên rất hiện hữu, bởi trên 95% lượng nước sạch được khai thác từ sông Hương. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao và hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước mặt, gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn từ biển và ô nhiễm môi trường.

Về yếu tố mưa trên lưu vực sông Hương chuyển lũ về thành phố: Theo kết quả nghiên cứu của dự án M – BRACE - Kết quả phân tích xu thế biến đổi của lượng mưa ở thượng nguồn sông Hương là vùng núi Nam Đông trong thập kỷ từ 2001-2010 so với thời kỳ 1971-2000 lượng mua trung bình năm tăng 10%, riêng lượng mưa mùa đông (tháng I) tăng từ 21-25% ở vùng núi.

Số liệu quan trắc trên sông Hương trong 10 năm từ 2001 -2010, trung bình hàng năm có 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng mức báo động II, năm nhiều nhất có 8 trận, năm ít nhất có 1 trận, trong đó có 36% lũ lớn và đặc biệt lớn. Những năm có hiện tượng La Nina số đợt lũ và đỉnh lũ lớn hơn rõ rệt.

Bằng phương pháp tham khảo, phỏng vấn với các tiêu chí: mật độ dân số, ngành nghề, hộ nghèo, hạ tầng để đánh giá khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, một nghiên cứu mới đây đã chia khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu theo 5 mức độ. Theo đó, mức độ chống chịu từ thấp đến rất thấp thuộc các phường: An Đông, An Tây, Hương Sơ, Phú Hậu, Phú Hiệp; mức độ chống chịu trung bình là các phường: An Hòa, Hương Long, Kim Long, Phú Bình, Phú Cát, Thủy Biều, Thủy Xuân, Vỹ Dạ, Xuân Phú. Những khu vực có khả năng chống chịu cao đến rất cao gồm các phường: An Cựu , Phường Đúc, Phú Hòa, Phú Nhuận, Phú Thuận, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành, Vĩnh Ninh và Trường An.

Thời gian kéo dài: Phụ thuộc vào tình hình mưa và thuỷ triều, thời gian kéo dài trung bình của một đợt lũ khoảng 3-5 ngày, dài nhất 6-7 ngày. Thời gian truyền lũ: trung bình 5-6 giờ với khoảng cách 51 km từ thượng nguồn (Thượng Nhật) đến hạ lưu (Kim Long).

Lũ lụt đã gây ra nhiều thiệt hại. Tính từ năm 1990 đến 2011 (22 năm), thiệt hại do thiên tai lụt bão gây ra cho Thừa Thiên Huế nói chung đã làm 596 người chết, và thiệt hại vật chất ước tính khoảng 8.320 tỷ đồng, trung bình khoảng 378 tỷ đồng/năm

 Ví dụ trận lũ ngày 29/9/2009: TP Huế có khoảng 57.000 nhà bị ngập lũ (khoảng 85% diện tích thành phố), trong đó một số phường như: Thuận Lộc, Xuân Phú, An Đông, Hương Sơ, Phú Hiệp ngập 100%, sâu từ 0,3 đến 1,5m.

Theo kết quả ddề tài nghiên cứu mới đây nhất của Sở GTVT, với các trận mưa có tần suất 50% , lượng mưa 3h là 162mm, mực nước trên các sông là 2 m thì có đến trên 90% các tuyến đường nội đô bị ngập từ 0,1-0,5m.

BĐKH ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nên số người mất việc làm có nhiều khả năng gia tăng đáng kể. Bộ phận người lao động trong khu vực chính thức (sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ lớn,...) có thể được tái sắp xếp và bố trí theo xí nghiệp, đơn vị của họ, khả năng mất việc làm có thể xảy ra nhưng mức độ không lớn. Tuy nhiên đối với trong khu vực phi chính thức (lao động tự do, buôn bán, dich vụ), một số lượng lớn những người hoạt động sẽ bị ảnh hưởng.

Dự án “Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại khu vực miền Trung” tiến hành trước đây đã xây dựng bản đồ ngập lũ cho lưu vực sông Hương, trong đó có TP Huế với các mốc thời gian tương ứng: mô phỏng lại trận lũ năm 2009, tính toán mức ngập lũ các năm 2020, 2050, có xem xét đến tác động của BĐKH với kịch bản phát thải trung bình (gọi là kịch bản B2).

Kịch bản gốc B2 là kịch bản phát thải nhấn mạnh các giải pháp địa phương về bền vững kinh tế, xã hội và môi trường phát triển kinh tế ở mức trung bình, chuyển đổi công nghệ chậm và không đồng bộ. Theo kịch bản này có thể thấy, tỷ lệ ngập lụt đến năm 2020 và 2050 sẽ giảm do áp dụng biện pháp giảm lũ như đưa hồ chứa vào hoạt động và vận hành và tăng trồng rừng ở vùng núi.Kế thừa kết quả nghiên cứu của dự án “Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại khu vực miền Trung”, dự án “Đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của TP Huế - gọi tắt là dự án M - BRACE” cũng đã được tiến hành từ 2011 đến 2013. Trong nhiều kết quả nghiên cứu, dự án đã chỉ ra khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho từng khu vực ở TP Huế. Đây là sự cần thiết để cảnh báo cho chính quyền và người dân có giải pháp ứng phó.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ thi công chợ tạm Khe Tre

Công trình xây dựng chợ tạm Khe Tre (Nam Đông) đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Dự kiến, tháng 6/2024 sẽ hoàn thiện và bàn giao các hạng mục đình chợ chính và đình chợ phụ, sớm giúp các tiểu thương có nơi kinh doanh, buôn bán.

Đẩy nhanh tiến độ thi công chợ tạm Khe Tre
Dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững

Đó là nội dung được trao đổi thảo luận tại hội thảo “Giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững Trung Trường Sơn” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức tại TP. Huế vào ngày 5/6. Tham dự có lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) các sở ban, ngành đơn vị liên quan của 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam.

Dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững
Tự nguyện giao nộp cá thể trăn gấm nguy cấp

Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông thông tin ngày 5/6, đơn vị đã tiếp nhận một cá thể trăn gấm từ ông Hoàng Tôn Bảo Thiện, trú tại thôn Phú Nhuận, xã Hương Xuân (Nam Đông) tự nguyện giao nộp.

Tự nguyện giao nộp cá thể trăn gấm nguy cấp
Đảm bảo chất lượng công trình đường tránh lũ

Chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu thi công sử dụng vật liệu đúng theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt khi thi công công trình mở rộng đường trung tâm xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) nhằm đảm bảo chất lượng cho tuyến đường tránh lũ.

Đảm bảo chất lượng công trình đường tránh lũ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top