Người dân đóng cọc tre trên sông Bồ nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đang tiếp diễn do khai thác cát sạn. Ảnh: Nhân Huế
Một văn bản hành chính nào đó, đòi hỏi từ ngữ phải rõ ràng, chính xác để đảm bảo chỉ có một cách hiểu. Không thể một văn bản hành chính mà làm cho người ta có thể hiểu như thế này cũng được mà như thế kia cũng được. Nếu rơi vào trường hợp này, văn bản hành chính đó sẽ kém hiệu lực.
Gần đây, tình trạng khai thác cát sạn trên các sông “gây nhiều tranh cãi”. Chính quyền thì cấp phép khai thác với những ràng buộc pháp lý cụ thể. Nhưng khi đơn vị khai thác thực tế thì gây nên sự phản ứng của người dân. Vì sao người dân phản ứng? Họ sợ sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Khi người dân phản ứng thì chính quyền và các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát các đơn vị khai thác cát sạn chặt chẽ hơn. Phản ứng này là rất cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ nghiêm về mặt pháp lý của các đơn vị khai thác. Chúng ta đã từng được biết, sự phản ứng của người dân đôi khi là bộc phát dẫn đến vi phạm pháp luật. Cho nên vai trò “cầm cân nảy mực” của chính quyền lúc này là rất quan trọng, vừa đảm bảo quyền lợi của đơn vị được phép khai thác tài nguyên cát và cũng vừa đảm bảo quyền lợi của người dân. Muốn vậy thì phải rõ ràng, minh bạch để đảm bảo sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật của các bên. Chính quyền phản ứng nhanh nhạy chính là việc giải quyết những mâu thuẫn có thể phát sinh khi nó chưa trở thành vấn đề lớn. Điều này sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.
Trở lại vấn đề văn bản hành chính. Mới đây, đọc một văn bản hành chính liên quan đến việc khai thác cát sạn của một đơn vị, cảm nhận của tôi là: một văn bản hành chính mà từ ngữ sử dụng có “độ mơ hồ” quá lớn. Điều này rất dễ gây nên sự hiểu không chính xác. Nói tóm lại, một văn bản như thế thiếu sức thuyết phục. Đó là báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền về kết quả kiểm tra, đo đạc độ sâu khai thác cát sỏi lòng sông của Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải ngày 7/3/2019.
Báo cáo này đã sử dụng nhiều từ ngữ khó xác định độ chính xác. Xin được trích như sau: Từ dòng 1-3, trang 2 của báo cáo viết như sau: “Trên cơ sở kết quả đo đạc độ sâu của Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin và môi trường tỉnh, nhìn chung, độ sâu khai thác cát sỏi của Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải trong phạm vi khu vực mỏ được UBND tỉnh cấp phép tương đối đảm bảo…”.
Chỉ một đoạn văn ngắn mà chúng ta đã thấy hai từ hết sức “mơ hồ”, khó xác định chính xác nội dung. Đó là: “nhìn chung”, “tương đối”. Trong văn học hoặc trong ngữ cảnh nào đó không thuộc về mặt pháp lý, sử dụng những từ này có thể là được nhưng trong một văn bản hành chính thì rất không nên. “Nhìn chung” thì như vậy, còn “nhìn riêng” thì sao? Tương tự: “tương đối đảm bảo” cũng có thể hiểu là không đảm bảo. Nhưng không đảm bảo đến mức độ nào, có nghiêm trọng không thì người đọc không thể hiểu được!
Tương tự, ở dòng 8 từ trên xuống (trang 2): “Độ sâu đo được khoảng 9,5 ms”. Anh đo vào lúc nào, các chỉ số kỹ thuật hiện thị lúc đó ra sao? Làm gì có chuyện “khoảng”. Đã khoảng thì có thể nhiều hơn có thể ít hơn, cho nên không tạo được độ tin cậy cao từ một văn bản như vậy!
Cũng tại văn bản này, trang 2 có đoạn như sau: “… Chiều dài mỏ lớn (khoảng gần 2 km), phạm vi khu mỏ được thu nhỏ theo tỷ lệ (1:10.000) để thể hiện được trên khổ giấy A4 nên không thể hiện được trên bình độ độ sâu trên bản vẽ cũng như trong giấy phép khai thác. Do đó, đối chiếu kết quả đo đạc độ sâu ngày 30/1/2019 của Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin và môi trường tỉnh thì chưa xác định được độ sâu chính xác trước khi cấp phép và độ sâu khai thác hiện tại chênh lệch nhau bao nhiêu (m) nhưng kết quả đo đạc này là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc khai thác sau này của Công ty TNHH MTV xây dựng giao thông Tuấn Hải trong thời gian tiếp theo”.
Đến đây thì chúng ta thấy “độ nhòe” của văn bản hành chính này quá lớn.
Thứ nhất: Mục đích xác định phạm vi khai thác mỏ là để “thể hiện được trên khổ giấy A4” chứ không cần thực tế nó là như thế nào. Văn bản ghi rõ “không thể hiện được (độ sâu – ghi chú của PV) trên bình đồ độ sâu cũng như trong giấy phép khai thác”. Nếu thực tế đúng như báo cáo này thì chúng ta đang quản lý tài nguyên hết sức lỏng lẻo. Phạm vi xác định cho khai thác là “khoảng gần 2 km”. Đến khi cấp phép thì không xác định được độ sâu bao nhiêu ?
Thứ hai: không xác định được mức chênh lệch độ sâu giữa giấy phép và thực tế khai thác nhưng “kết quả đo đạc này là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc khai thác sau này…”. Đã không xác định được thì làm sao có thể làm cơ sở để kiểm tra, giám sát về sau?
Chuyện kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ trong việc khai thác các loại tài nguyên nói chung, tài nguyên cát nói riêng là chuyện xảy ra ở nhiều nơi. Nên rừng tự nhiên, nói một cách hài hước là “cơ bản khai thác xong”. Các loại khoảng sản qúy như ti tan, cũng “cơ bản khai thác xong”. Giờ là cát. Cát hiện đang khan hiếm (điều này thể hiện qua giá tăng cao). Nếu chúng ta không quản lý tốt thì có thể cũng đến hồi , cát “ cơ bản khai thác xong”.
Liên quan đến những bất cập trong hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Bồ, baothuathienhue.vn đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh tình trạng khai thác cát sạn tác động đến môi trường, gây sạt lở bờ sông, khiến người dân lo lắng, đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc. Bạn đọc có thể tham khảo theo địa chỉ:
Link 1, Link 2, Link 3, Link 4
|
VĂN SƠN