Người dân ven sông Bồ chăm sóc cá diêu hồng
Hơn tháng nay, ông Nguyễn Công Mỹ ở thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ cũng như nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Bồ rất lo lắng khi cá diêu hồng đã đến kỳ thu hoạch không bán được. Các nhà hàng, khách sạn, thị trường tiêu thụ cá diêu hồng rất kém do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến các lái buôn không thu mua.
Ông Mỹ và các hộ nuôi thu hoạch bán lẻ tại các chợ, sản lượng bán hằng ngày chẳng là bao so với lượng cá lớn trong lồng.
Ba lồng cá của ông Mỹ không bán được đành giữ lại trong hồ hơn tháng nay, mỗi ngày phải tốn chi phí thức ăn 1-1,5 triệu đồng. Không chỉ tốn thức ăn, công chăm sóc, người dân còn nơm nớp âu lo về dịch bệnh. Trong điều kiện nắng nóng, mực nước trên các sông đang xuống thấp, dòng chảy yếu, thiếu ô xy, môi trường nước “xấu”, nguy cơ dịch bệnh, cá chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Giá cá diêu hồng hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 40 ngàn đồng/kg, nhưng ông Mỹ và người dân vẫn mong muốn bán, chấp nhận lỗ. Nếu rủi ro xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại lớn hơn nhiều. Ông Mỹ nan giải: Các lái buôn không liên lạc được, một số tư thương bảo không mua vì không biết bán cho ai.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong chia sẻ, từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay, các loại nông sản gặp khó đầu ra, giá cả rất thấp. Bằng các biện pháp “giải cứu”, như vận động cán bộ, giáo viên, người dân mua, hỗ trợ các hộ nuôi đưa đi tiêu thụ, đến nay phần lớn các loại gia cầm, rau má… đang được tiêu thụ. Tuy nhiên do giá thấp nên các hộ sản xuất “may ra” hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Riêng đối với cá diêu hồng trên địa bàn xã đang bí đầu ra. Nguy cơ rủi ro, thua lỗ vẫn còn tiếp tục khi sản phẩm chưa biết đến khi nào bán được.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự cho rằng, lo lắng nhất hiện nay là hơn 20 tấn cá diêu hồng nuôi trên sông Bồ vẫn chưa có đầu ra. Trước mắt, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vận động các hộ nuôi thu hoạch tỉa để bán, vừa được giá vừa hạn chế thiệt hại. Đồng thời vận động cán bộ, người dân trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm thông qua các “kênh phân phối” như phụ nữ, thanh niên, các tổ chức chính trị, xã hội…
Huyện Quảng Điền đang liên hệ với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, cấp đông, chờ thị trường tiêu thụ ổn định trở lại. Huyện cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua cá cho người dân, như phí vận chuyển, cấp đông…
Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, ngành nông nghiệp, công thương phối hợp với chính quyền địa phương đã và đang kết nối với các siêu thị, cửa hàng, doanh nghiệp, hệ thống phân phối bán lẻ tổ chức tiêu thụ nông sản cho người dân. Hàng chục ngàn con gia cầm, nhiều loại nông sản như rau má, củ quả… đã được tiêu thụ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 20 tấn cá diêu hồng nuôi trên sông Bồ đã đến kỳ thu hoạch, tập trung ở huyện Quảng Điền chưa thể tiêu thụ. Các ban ngành đang tích cực triển khai các biện phái “giải cứu” cho số cá này thông qua việc hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thu mua sản phẩm.
Bài, ảnh: Hoàng Triều