Để tìm hiểu rõ hơn về những nỗ lực trong thời gian qua và các giải pháp trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
|
Tỉnh Bình Định đã lắp đặt bị thiết bị giám sát hành trình khai thác thuỷ sản đạt 99,29%. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN |
Đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU). Việc chống khai thác IUU đã có sự tiến bộ nào so với trước, thưa ông?
Với sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với nỗ lực của các địa phương, sau gần 7 năm Việt Nam nỗ lực gỡ "thẻ vàng", ngành thủy sản đã có rất nhiều tiến bộ.
Thứ nhất, về khung pháp lý, thể chế, đến nay đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về khai thác bền vững trong nước, cũng như đáp ứng các quy định về nghề cá của khu vực và thế giới.
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang quản lý, theo dõi tàu cá ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như phần mềm quốc gia để quản lý một cách thống nhất các tàu cá ở Việt Nam.
Thứ ba, chúng ta đã thiết lập được một hệ thống xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính pháp lý của sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường khác khi có yêu cầu.
Thứ tư, hiện nay các lực lượng thực thi pháp luật trên phạm vi cả nước như: kiểm ngư trung ương, cảnh sát biển, biên phòng... đang từng bước kiện toàn và tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý nghề cá một cách chặt chẽ hơn. Bên cạnh việc tuyên truyền thì xử lý nghiêm các vụ vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác bất hợp pháp.
Thưa ông, đâu là những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các yêu cầu của phía EU trong việc chống khai thác IUU?
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại.
Cụ thể, đặc điểm nghề cá quy mô nhỏ với số lượng tàu cá rất lớn khai thác manh mún trên khắp vùng biển Việt Nam. Do đó, việc quản lý gặp nhiều khó khăn hơn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân nhưng vẫn còn một bộ phận khoảng 5-10% ngư dân chưa tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác bất hợp pháp, cố tình vi phạm....
Thêm nữa, với đặc điểm của Việt Nam có rất nhiều cửa sông, cửa biển nên việc kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ở ven biển gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, mặc dù lực lượng chức năng đã được kiện toàn nhưng vẫn không đủ nhân lực để kiểm soát hết các cửa sông, cửa lạch khi tàu cá xuất, nhập bến hoặc neo đậu tại bến.
Sau những đợt thanh tra, đâu là những khuyến nghị của EC để Việt Nam có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU, thưa ông?
Những khuyến nghị của EC thực sự hữu ích cho sự phát triển cho ngành thủy sản Việt Nam với những giải pháp trước mắt nhằm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" và quan trọng hơn là hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững lâu dài.
Thứ nhất, EC khuyến nghị phải hoàn thiện, kiện toàn khung pháp lý, thể chế, để làm sao đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản trong nước, cũng như đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tổ chức nghề cá khu vực và thế giới. Đây là việc đầu tiên, căn cốt mà chúng ta đã hoàn thiện.
Bên cạnh đó, EC khuyến nghị việc quản lý tốt các đội tàu và theo dõi, giám sát hoạt động của đội tàu cá khi khai thác trên biển, làm sao để tất cả các tàu cá từ lúc xuất bến đi khai thác và cập cảng phải đảm bảo tính hợp pháp và khai thác đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế.
EC cũng khuyến nghị cần phải đảm bảo việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất được nguồn gốc khi sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp. Đặc biệt, EC cũng khuyến nghị kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thủy sản nhập khẩu qua các cảng biển, tránh tình trạng các doanh nghiệp trộn lẫn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu không hợp pháp rồi xuất khẩu đi nước khác.
Bên cạnh đó, EC cho rằng cần xử lý nghiêm và triệt để các hành vi khai thác bất hợp pháp để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là điểm mấu chốt mà các nước lân cận cũng kiến nghị với EC về tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Một điểm quan trọng nữa mà EC khuyến nghị là kiểm soát chặt chẽ các tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trường hợp tàu cá nào ngắt kết nối sai quy định, hoặc ngắt kết nối quá 10 ngày tới 6 tháng cần phải điều tra, xác minh, xử lý nghiêm triệt để hành vi này.
Để gỡ được “thẻ vàng” IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp gì, thưa ông?
Trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo các địa phương để triển khai.
Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU gửi các địa phương, bộ, ngành và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến trước khi đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam.
Đối với giải pháp dài hạn nhằm phát triển nghề cá bền vững, Bộ đang xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các đề án, chương trình, quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt.
Thời gian tới Bộ sẽ tăng cường việc nuôi biển, giảm dần sản lượng và tần suất khai thác để cân bằng nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng như đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy hoạch các khu bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.... đó là các nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ cũng có giải pháp làm sao để có những cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nhằm đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.