ClockChủ Nhật, 14/10/2018 07:37

Gửi sợi chỉ hiện đại lên khung dệt zèng

TTH - Zèng giờ đây thoát ly khỏi truyền thống, để tìm lối đi mới mà ở đó những khách hàng khó tính có thể chấp nhận được. Ít ai biết, hành trình ấy là một sự tình cờ…

Lồng ghép quảng bá tiêu thụ sản phẩm zèng vào du lịch homestayHáo hức với zèngDệt Zèng cuốn hút bạn trẻTrao chỉ hỗ trợ cho các hợp tác xã dệt thổ cẩm zèng

Không chỉ tài trợ chỉ miễn phí, ông William Harold Watson III (thứ 2, từ phải sang), Giám đốc Công ty TNHH Coats Phong Phú còn đến tận những bản làng có dệt zèng trên địa bàn A Lưới để tìm hiểu

“Zèng quá đẹp và tôi nghĩ nó không chỉ dừng lại đó…” – ông William Harold Watson III (người Mỹ), Giám đốc Công ty TNHH Coats Phong Phú (gọi tắt Coats Phong Phú) đã thốt lên như vậy trong một lần đi xem triển lãm thổ cẩm ở TP. Hồ Chí Minh. Những tấm zèng có xuất xứ từ vùng núi A Lưới – một địa danh lúc đó ông chưa hề biết đến ngay lập tức đập vào mắt, mọi thứ thật ngỡ ngàng.

“Ông Tây” bén duyên với zèng

Trở về sau buổi trưng bày, chuyên gia về sản xuất chỉ tuổi ngoài 50 đã cất công tìm hiểu zèng. Thông qua Trung tâm Phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa (CPED – trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế) ông đã gần như nắm được “tiểu sử” của zèng. Để rồi không lâu sau, công ty nơi ông làm giám đốc, quyết định tài trợ miễn phí sợi chỉ giúp những nghệ nhân của vùng đất nằm bên dãy Trường Sơn hùng vĩ làm mới sản phẩm chính trên kỹ thuật vốn có từ của zèng.

Mỗi tháng, Coats Phong Phú chuyển ra cho các hợp tác xã thổ cẩm zèng trên địa bàn huyện A Lưới 500 kg sợi chỉ. Loại chỉ này được sản xuất theo công nghệ hiện đại với nhiều màu sắc mới, sợi mỏng mượt, chất lượng và phù hợp. Những hợp tác xã dệt thổ cẩm zèng được thụ hưởng trực tiếp. Ngày đầu khi cầm những cuộn chỉ trên tay, các nghệ nhân vừa bỡ ngỡ, vừa lo lắng. Họ đặt ra những câu hỏi cho chính mình, rằng có thể dệt được không, phối màu ra sao, sản phẩm ra đời có phá vỡ tính truyền thống và quan trọng nhất là khách hàng có chấp nhận?

Những tấm zèng với biến tấu mới lạ

“Khi bắt tay thử nghiệm những công đoạn với loại chỉ mới cũng là lúc những câu hỏi ấy lần lượt được giải đáp. Sợi chỉ rất mượt, khi dệt nhẹ nhàng mà cho ra màu sắc rất đẹp, ngay cả người dệt cũng bất ngờ với sản phẩm mình làm ra”, nghệ nhân A Viết Thị Tâm, Giám đốc HTX dệt may thổ cẩm A Đớt – một trong những HTX được tài trợ chỉ miễn phí nói với giọng vui sướng. Chị Tâm kể rằng, HTX mình nhận được hơn 300kg chỉ và đã sản xuất ra rất nhiều sản phẩm có mẫu mã mới.

Đúng như lời chị kể, khi nhìn vào những sản phẩm, như khăn choàng, tấm trải bàn… chúng tôi không tin vào mắt mình. Chiếc khăn với màu sắc hoàn toàn mới lạ, trên đó đính những hạt cườm óng ánh vô cùng sang trọng, nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra đó được làm từ khung zèng và đôi bàn tay của những nghệ nhân tài hoa. Với kinh nghiệm làm nghề, những nghệ nhân ước lượng rằng, cứ 1kg chỉ có thể sản xuất ra được một tấm zèng với chiều dài khoảng 3m, chiều rộng 70-80cm, trung bình có thể may được một chiếc áo dài.

Cuộc hội ngộ ân tình

Khi những sản phẩm đầu tiên “ra lò”, được khách hàng chấp nhận và tấm tắc khen bởi sự đột phá trên từng sợi chỉ, đường nét cũng là lúc những người được thụ hưởng thấy mình mang ơn người đã âm thầm tài trợ. Họ ước mong được gặp để nói lời cảm ơn, và trao tặng tấm khăn mà mình đã dệt từ sợi chỉ hiện đại đến ông William Harold Watson III – người đã gửi tặng sợi chỉ ấy.

Nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra những tấm vải như thế này (ảnh) được làm từ khung zèng

Không lâu sau, người đàn ông có dáng hình cao to với nét mặt cười hiền ấy xuất hiện trước niềm vui của các nghệ nhân cùng cái ôm thật chặt. “Vui quá, chúng tôi chờ ông đến lâu lắm rồi đó, ông có biết không”, các nghệ nhân zèng ở A Lưới xúc động. Thông qua người phiên dịch, ông William Harold Watson III hạnh phúc, quên hết mệt mỏi sau một hành trình dài.

Ngồi trong ngôi nhà rông, bên bếp lửa ấm đầu mùa mưa cuộc trò chuyện về zèng như cuốn hút ông William Harold Watson III. “Tôi đến đây không chỉ để xem các chị sử dụng chỉ ra sao mà tôi đến đây để tìm hiểu thêm về loại thổ cẩm zèng mà tôi mê tít trong một lần tình cờ gặp. Qua zèng tôi đã hiểu thêm về văn hóa, con người ở vùng đất A Lưới này. Thật thú vị và tuyệt vời!”, khi ông Harold Watson III vừa dứt câu, cả không gian nhà rông ngập tràn tiếng pháo tay.

Nghệ nhân Lê Thị Kim Thoại (HTX dệt thổ cẩm Nhâm) kể với ông Harold Watson III rằng, sản phẩm từ sợi chỉ hiện đại đã bắt đầu có đầu ra với mức giá dao động 300.000 – 1 triệu đồng và được nhiều người ưng ý, tiếp tục đặt hàng. “Nhờ ông mà chúng tôi không phải mất tiền cho khoản chi phí đầu vào, mà còn khuyến khích được sự sáng tạo, tìm và đưa ra thị trường những mẫu mã mới”, chị Thoại tâm tình. Nói rồi chị chậm rãi lấy ra hai tấm khăn choàng tự tay mình dệt, một tấm đeo lên cổ ông Harold Watson III và một tấm gửi tặng phu nhân, chị nói: “Của ít lòng nhiều. Nếu không có ông và công ty chỉ của ông sẽ không có những sản phẩm này đâu”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, sự đóng góp của Coats Phong Phú và cá nhân ông Harold Watson III đã giúp cho việc bảo tồn nghề dệt zèng truyền thống của các hợp tác xã trên địa bàn. Những sản phẩm mới được làm từ sợi chỉ mà Coats Phong Phú tài trợ đang tạo ra chất liệu, mẫu mã mới phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại. Ông Hùng hy vọng, thời gian tới tiếp tục hỗ trợ và tìm đầu ra cho sản phẩm mới này cũng như tạo ra cuộc thi thiết kế sản phẩm, hoa văn… để tiếp tục làm mới zèng.

Tiếp tục kết nối, hỗ trợ đầu ra

Bà Lê Thị Quỳnh Châu, Giám đốc CPED kể rằng, việc tài trợ này hướng đến hỗ trợ gìn giữ và phát triển nghề truyền thống dệt zèng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tất cả là sự tình cờ, trong quá trình CPED hợp tác với doanh nghiệp xã hội Fashion 4 Freedom do bà Lanvy Nguyễn và Victoria Ho đồng sáng lập tổ chức biết được hai bà đang nghiên cứu nghệ nhân và nghề truyền thống Việt Nam trong đó có zèng của huyện A Lưới.

Trong quá trình đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm dệt zèng, hai bà phản hồi về việc chất lượng và mẫu mã sản phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác marketing và mở rộng thị trường. Trong đó, nguyên vật liệu hiện nay phổ biến là len hoặc chỉ may từ rất nhiều nguồn cung cấp khác nhau nên khó kiểm soát chất lượng để marketing và tìm thêm đầu ra cho địa phương. Vì thế, đã giới thiệu Coats Phong Phú hỗ trợ nghệ nhân, hợp tác xã zèng giải quyết vấn đề về nguồn chỉ có chất lượng cao. Trong thời gian một năm, Coats Phong Phú sẽ tài trợ miễn phí 6 tấn chỉ với mức giá 135.000 đồng/kg. Không dừng lại đó, CPED cho biết thời gian tới sẽ kết nối, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nói trên.

Coats Phong Phú là một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất các loại sợi chỉ may công nghiệp, sợi chỉ sản phẩm thủ công và các phụ liệu chuyên dụng trong ngành dệt may hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Nơi hội tụ tinh hoa nghề truyền thống

Sau thời gian nâng cấp, sửa chữa, tòa nhà số 15 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế (trước đây là Trung tâm Văn hóa Phương Nam) đã đưa vào hoạt động với diện mạo và tên gọi mới - Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trải nghiệm các nghề truyền thống Huế (viết tắt là Không gian NTT Huế).

Nơi hội tụ tinh hoa nghề truyền thống
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

TIN MỚI

Return to top