ClockThứ Tư, 17/02/2021 06:04

Hanh thông từ đầu năm

TTH - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh ở Thừa Thiên Huế vẫn đảm bảo theo kế hoạch trong dịp Tết Tân Sửu.

Các giao dịch ngân hàng vẫn thông suốt

Công nhân nhà máy nước Quảng Tế làm việc trong dịp tết. Ảnh: NK

Sản xuất xuyên tết

Dịp tết, lò nung của Nhà máy xi măng Đồng Lâm (Phong Điền) vẫn vận hành đều đặn. Ông Hoàng Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ lò nung Công ty CP xi măng Đồng Lâm cho biết: "Do đặc thù công việc nên công ty tổ chức cho công nhân làm việc dịp tết năm này là năm thứ 6, mọi công tác chuẩn bị được triển khai từ trước nên công việc diễn ra khá thuận lợi".

Tại phòng điều khiển trung tâm, các kỹ sư theo dõi việc vận hành của dây chuyền sản xuất từng phút, từng giờ. Trong dịp tết, nhà máy có khoảng 70 công nhân làm việc mỗi ngày, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch COVID - 19 trong trạng thái bình thường mới. Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Cty CP xi măng Đồng Lâm thông tin, công ty có chế độ cho những người làm trong lễ tết, đảm bảo quyền lợi anh em. Ngoài tiền lương ngày lễ, tết đối với những người làm ca đêm, được hưởng thêm 440%; đối với những người làm ca ngày, được hưởng thêm 350% ngày công lương. Suất ăn giữa ca nâng lên 35 nghìn đồng, so với ngày thường là 25 nghìn đồng.

Với tinh thần vận hành thông suốt, công nhân các nhà máy, xí nghiệp của HueWACO đều chia ca làm việc ngày tết. Tại Nhà máy nước Quảng Tế 1 và 2, nơi cung cấp 70% nước cho TP. Huế và các vùng phụ cận Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, đội ngũ công nhân và kỹ sư thực hiện các công việc, đảm bảo nước cấp luôn ổn định, chất lượng, an toàn.

Công nhân Nhà máy xi măng Đồng Lâm làm việc trong dịp tết. Ảnh: Hoàng Loan

Tương tự, dịp Tết Nguyên đán, phụ tải điện tại các khu dân cư tăng từ 8-10%, các đơn vị điện lực phải kiểm tra, đo tải, xử lý tiếp xúc tại các tuyến đường. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng bố trí lực lượng trực vận hành, trực sửa chữa điện, xử lý sự cố hệ thống mạng thường xuyên, tránh tình trạng bị mất điện.

Đồng loạt ra quân đầu năm mới

Sáng 16/2 (mùng 5 Tết Tân Sửu), hơn 5.000 CBCNV-LĐ tại các nhà máy may của Công ty CP Dệt may Huế, trong đó có 3 nhà máy may đóng tại phường Thuỷ Dương (TX. Hương Thuỷ), 1 nhà máy ở khu công nghiệp Phú Đa (Phú Vang) và 1 nhà máy đóng tại tỉnh Quảng Bình ra quân sản xuất đầu năm, khởi đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm mới Tân Sửu 2021. Để động viên tinh thần lao động tại các nhà máy, ngay khi bước chân vào cổng, các nhà máy, tổ sản xuất thực hiện thủ tục "xì lì" mừng tuổi cho CBCNV-LĐ, đồng thời yêu cầu tất cả CBCNV-LĐ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch COVID-19, như rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong quá trình làm việc.

Bắt đầu từ ngày 17/2 (mùng 6 tết), gần 200 doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu ra quân sản xuất, khởi đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm mới Tân Sửu 2021 để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu của Ban Quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đề ra trong năm 2021 là thu hút từ 10-12 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu đô thị, công nghiệp hỗ trợ… với tổng vốn đăng ký khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch năm 2020.

Đầu xuân, “thăm ló ngó đồng”

Ngay từ ngày 15/2 (tức ngày mùng 4 Tết Nguyên đán), nông dân nhiều địa phương đã ra đồng thăm lúa, trỉa dặm, chuẩn bị nông cụ, phân bón cho một mùa vụ mới. Cây lúa từ “chấp chới” sau đợt rét kéo dài lịch sử trong năm, giờ đã xanh rì trên đồng. Hơn 50 năm trồng lúa, “lão nông tri điền” Dương Liễu (Phú Dương, Phú  Vang) cho biết, nhiều diện tích lúa khó xuống giống do mưa rét, tiêu úng chậm. Đến khi tiêu úng được, gieo sạ gặp rét, chuột bọ thiệt hại khá nhiều. Tận dụng những ngày nắng ráo đầu năm, ông Liễu cùng nhiều nông dân ra đồng dặm thưa lại cây lúa, kiểm tra các loại sâu bệnh phát sinh để chuẩn bị vật tư, phương án phòng trừ và tiến hành bón phân đợt 1 cho cây lúa.

Nông dân Dương Xuân Thu (Quảng An, Quảng Điền) chia sẻ, với nông dân nhiều địa phương, ra đồng thăm lúa đầu năm là khởi đầu cho một mùa vụ may mắn, bội thu nên cũng phải chọn một “ngày tốt” tùy theo quan niệm từng người để ra “xông đồng”. Dự báo năm nay thời tiết khá thuận lợi, trong năm có lũ lớn đã thau rửa ruộng đồng, diệt hết chuột bọ nên hy vọng mùa vụ năm nay sẽ “thắng” lớn.

Nông dân tập trung ra đồng dặm thưa. Ảnh: MC

Theo Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh, vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh đưa vào sản xuất khoảng 28,5 nghìn ha lúa, cơ bản đã gieo cấy xong trước Tết Nguyên đán. Mặc dù tiết trời đầu vụ thuận lợi, nhưng thời điểm cây lúa bắt đầu sinh trưởng mạnh như hiện nay cũng là lúc nhiều loại đối tượng sâu bệnh xuất hiện gây hại. Cập nhật tình hình sâu bênh hiện nay cho thấy, bệnh đạo ôn lá trên cây lúa tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống nhiễm (nếp, 13/2, Xi23,...) có khả năng gây hại nặng trên diện tích chưa được phòng trừ. Các đối tượng khác như ốc bươu vàng, chuột, dòi đục nõn, sâu năn, sâu cuốn lá,... phát sinh gây hại mật độ, tỷ lệ hại thấp, tiếp tục theo dõi quản lý.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục BTVT thông tin, chi cục đã yêu cầu các địa phương, các HTX kiểm tra và chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm để hạn chế lây lan trên diện rộng. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, hướng dẫn nông dân tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh nhằm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối NPK theo đúng quy trình, điều tiết nước hợp lý để giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe ngay từ đầu vụ.

Khánh - Hương

Tàu, xe vắng khách

Bến xe (BX) ở phía nam TP. Huế từ sau ngày mùng 3 tết vắng lặng. Những ngày hậu tết (từ mùng 3 Tết trở đi), chỉ có 1-2 chuyến/ngày chuyến xuất bến đi các tỉnh. Ở bến phía bắc TP. Huế, năm nay khách không bằng 10% lượng khách năm ngoái. Riêng ở ga Huế, lượng khách lên xuống tàu giảm hơn 70-80% so với ngày thường; trường hợp đến trả vé, hủy vé có ngày lên đến 90%. Ở Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, từ mùng 1 đến mùng 4 có 5 hãng bay hoạt động, nhưng bình quân mỗi ngày chỉ đạt từ 14 - 20 chuyến, với khoảng 3.000 khách, giảm hơn 70% so với những ngày tết năm trước.

Hành khách xuống ga Huế phải khai báo y tế trước khi về nhà

Mặc dù cảnh tàu xe ảm đạm trong những ngày tết nhưng ngành giao thông vận tải vẫn chỉ đạo các ban ngành, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại, như yêu cầu các đơn vị vận tải, bến xe phải niêm yết công khai giá vé để hành khách lựa chọn; kiểm tra, xử lý những nhà xe nếu vi phạm trật tự, niêm yết giá...

Theo ông Phùng Tuấn Dương, Phó Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài, dù lượng khách ngày tết giảm sâu so với thời điểm không ảnh hưởng COVID-19 nhưng đơn vị luôn giám sát chặt từng chuyến bay để đảm bảo an toàn phòng ngừa dịch bệnh cho hành khách. Lãnh đạo Sở Giao thông và Vận tải cho biết, từ trước Tết Tân Sửu, đơn vị đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan, nhất là các bến xe, các doanh nghiệp vận tải hành khách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Minh Văn

Rau củ quả đắt khách sau tết

Sau 5 ngày tết, lượng thực phẩm, rau củ quả, trái cây các gia đình dự trữ để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và tiếp đãi khách cạn dần, nên trong sáng 16/2 (mồng 5 tết), số lượng khách đến chợ, siêu thị mua sắm hàng hoá tăng cao so với những ngày đầu năm mới. Trong đó, mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất là rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống…

Theo các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị và tiểu thương các chợ, do những ngày đầu năm mới cước phí vận tải, nhân công tăng cao hơn ngày thường cùng với nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao nên giá cả các mặt hàng có tăng nhẹ, dao động từ 5- 15% tuỳ theo nhóm hàng. Cùng với việc kinh doanh và mở cửa đón khách, các trung tâm thương mại, siêu thị như VinCom, Big C, Co.opMart Huế đều trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và yêu cầu khách hàng vào siêu thị phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID- 19.

Thanh Thư

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm

Đơn hàng tăng, tinh thần lao động hăng say trở lại ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là bức tranh chung tại các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hiện nay.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm
Hiến máu và hiến tiểu cầu đầu năm

Ngày 18/2, hơn 40 cán bộ, nhân viên Siêu thị Co.op Mart Huế đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo tại Trung tâm Huyết học truyền máu (TTHHTM) Bệnh viện Trung ương (BVTW Huế). Đây là lần đầu tiên siêu thị tham gia hiến máu quy mô đầu năm mới.

Hiến máu và hiến tiểu cầu đầu năm
Return to top