Làng rau Quảng Thành tất bật chuẩn bị rau vụ tết
Giữ cây truyền thống
Với 500 hộ dân tham gia, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động, nghề trồng rau ở Quảng Thành (Quảng Điền) đang nhộn nhịp vào vụ tết.
Ông Dương Thanh Hùng (thôn Thành Trung) cho biết, sau lụt đến nay, thời tiết có mưa rét nhưng vẫn có xen nắng nên rau trồng khá nhanh phát triển. Mỗi bó rau hiện nay dao động từ 9-15 nghìn đồng (tùy loại), người trồng có lãi khá. Hy vọng rau trong dịp tết sắp đến sẽ có giá ổn định.
Hộ ông Hùng trồng 3 sào xà lách. Theo tính toán của ông, với 3 sào rau bình quân đầu tư trên dưới 500 nghìn đồng tiền giống, phân và các thứ khác, cho thu hoạch chừng 7,5-8 tạ rau. Với giá như hiện nay, cho lãi hơn chục triệu đồng/vụ.
Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin, toàn xã có 30 ha rau các loại, trong đó có 5 ha trồng theo mô hình VietGap. Nghề trồng rau cho thu nhập khá ổn định, doanh thu đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm.
Khi mà những xứ đồng chính vụ ngập nước thì rau vùng cát Điền Lộc (Phong Điền) đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con xứ biển. Trong đó, vùng rau Nhất Đông, Nhì Đông được bà con đưa vào sản xuất các loại rau xanh cho thu nhập cao. Với 1ha rau các loại cải, tần ô, xà lách..., tổng doanh thu, mỗi vụ, người dân nơi đây có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
"Rau xanh Điền Lộc trồng quanh năm, được giá nhất là vào dịp cận tết, rau ở đây không chỉ có mặt ở các chợ đầu mối trong tỉnh mà còn theo thương lái ra Quảng Trị, Quảng Bình. Vụ rau năm nay nhờ nắng ấm xen kẻ nên hy vọng sẽ trúng lớn", ông Lê Thiềm (thôn Nhất Đông), phấn khởi.
Trong vài năm trở lại đây, cây măng tây và đậu bắp đã có mặt ở các vùng cát, vùng trũng Quảng Điền, Phong Điền. Với khoảng 1.000m2 cây măng tây, đậu bắp đầu tiên, giờ đây, hai giống cây mới này được bán đều đặn tại trang trại của anh Đồ Đình Đổng (Phong Điền). Bình quân giá bán 120 nghìn đồng/kg măng tây, 40 nghìn đồng/kg đậu bắp, mỗi ngày cho thu nhập vài trăm nghìn đồng.
Nhiều giống hoa mới được trồng tại làng hoa Phú Mậu
Thêm nhiều giống hoa mới
Qua nhiều năm kinh nghiệm mưa lũ gây ngập úng, nhiều hộ dân ở địa phương Thủy Vân (Hương Thủy), Phú Mậu (Phú Vang), Sịa (Quảng Điền) trồng hoa trong chậu đưa trên giàn hoặc trồng trong khu tập trung với nền đất được đắp lên cao. Các loài hoa được đưa vào trồng chủ yếu là cúc vạn thọ, hoa ly, cúc pha lê, đồng tiền và một số loài hoa mới, đáp ứng nhu cầu chưng tết và thờ cúng trong và ngoài tỉnh.
Được sự hỗ trợ của chính quyền, HTX trồng hoa Phú Mậu đã đầu tư công nghệ trồng nhiều giống hoa mới. Các loại hoa mới được bà con đưa vào trồng như lan mocara (Thái Lan), ly ly (Hà Lan), tuy lip (Đài Loan)… mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong dịp tết cổ truyền.
Ông Lê Văn Liêm, một hộ trồng hoa cho biết, hai năm trước, UBND huyện hỗ trợ gia đình ông 60 triệu đồng thí điểm trồng 500 cây lan mocara trên diện tích 150m2. Từ đó đến nay gia đình ông đã tập trung phát triển mô hình này.
“Được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, với sự hướng dẫn của cán bộ HTX, cùng kinh nghiệm trồng hoa truyền thống từ trước của gia đình nên mình dễ dàng tiếp thu trồng hoa “ngoại” theo công nghệ mới”, ông Liêm phấn khởi.
Theo ông Liêm, lan mocara là loài hoa quý, phù hợp với mô hình khép kín được che phủ bằng hệ thống lưới và ni lông. Tưới tiêu cho loài hoa này được ứng dụng hệ thống tưới tiêu đa năng. Sau 6 tháng trồng, lan cho lứa hoa đầu tiên với 6-7 hoa/cây. Vườn hoa ông Liêm hiện tại có hàng nghìn gốc các loại hoa truyền thống và các giống hoa mới, bình quân mỗi vụ tết, ông kiếm vài chục triệu đồng.
Tại thị trấn Sịa, ngoài giống cây truyền thống, giống hoa ly ly từ khi được triển khai trồng đã mở ra triển vọng về giống cây mới, mang thu nhập khá cho bà con nông dân nơi đây. Các hộ dân tham gia mô hình khá thành công bởi từ khi triển khai được đầu tư bài bản, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình. Từ hơn 1.000 củ hoa ly ly được nhập từ Hà Lan do Viện Cây trồng Hà Nội và Viện Cây trồng Đà Lạt cung cấp, về hỗ trợ người dân trồng thí điểm tại thôn Giang Đông, đến nay, qua nhiều vụ cho thấy, giống hoa này phù hợp với vùng đất ẩm thấp, tiết trời se lạnh dịp tết, đã trở thành một mặt hàng hoa có giá trong dịp tết cổ truyền của người dân đất lúa.
Theo Hội Nông dân xã Thủy Vân, để chuẩn bị phục vụ tết cổ truyền, gần 120 hộ dân trên địa bàn xã đã tiến hành trồng khoảng 10 nghìn chậu hoa trên giàn các loại. Trồng hoa trên giàn với nhiều giống mới không chỉ tránh được tác động của ngoại cảnh, thời tiết mà còn nâng cao chất lượng của hoa.
Toàn thị xã Hương Thủy đang có khoảng 20 ha các loại trồng trên giàn phục vụ tết, tập trung ở các địa phương như Thủy Lương, Thủy Dương, Thủy Vân, Phú Bài. Trong đó, có nhiều giống hoa tết mới mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo Sở NN&PTNT, từ sau lũ lụt đến nay, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới 130 ha các loại rau, hoa và gần 100.000 chậu hoa phục vụ tết. Các địa phương yêu cầu các HTX, hộ dân chuẩn bị vật tư, phân bón, giống rau ngắn ngày và các loại hoa để gieo trồng lại trên diện tích bị thiệt hại do lũ lụt khi thời tiết thuận lợi trở lại. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên