ClockThứ Năm, 01/02/2024 07:11

Giảm rác thải nhựa còn gặp rào cản

TTH - Chưa có những quy định, chế tài trong việc sản xuất, cũng như việc sử dụng vật liệu nhựa sử dụng một lần, nên mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) hiện nay ở Thừa Thiên Huế gặp nhiều rào cản.
HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Phát động giảm rác thải nhựa và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giớiGóp phần hạn chế rác thải nhựa

 Tuyên truyền giảm rác thải nhựa gần đây được các cán bộ hội đoàn, phường, xã của TP. Huế đẩy mạnh

Thiếu quy định pháp lý

Xu hướng chung, hiện nay các tiệm, quán bán đồ ăn, thức uống trên các tuyến đường ở TP. Huế dùng đồ nhựa để phục vụ cho khách ngày càng nhiều. Nhiều quán trà sữa, cà phê bán cho khách mang đi - nơi khu vực chúng tôi ở mỗi ngày bán cả hàng trăm ly nhựa các loại. Không riêng các quán cà phê, trà sữa, có hàng trăm cửa hàng tạp hóa, quán ăn, và các khu chợ, siêu thị… đang sử dụng phổ biến vật liệu nhựa, nhất là bao túi ni lông. Không riêng địa bàn TP. Huế, các huyện, thị xã, như Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy… hầu như các hàng quán đều dùng, bán đồ nhựa sử dụng một lần.

Từ tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống RTN trên toàn quốc. Mấy năm nay, Thừa Thiên Huế phát động phong trào không sử dụng đồ nhựa một lần đã được các cơ quan, đơn vị, công sở… và nhiều người dân hưởng ứng. Đáng nói hơn, gần đây với dự án (DA): “Huế đô thị giảm nhựa miền Trung” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) hỗ trợ đã triển khai nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa góp phần giảm RTN ở địa phương; nhất là ngành du lịch đã tiên phong kêu gọi phong trào chống RTN mạnh mẽ. Nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ tích cực hưởng ứng chung tay để Thừa Thiên Huế ngày càng xanh sạch sáng.

Vậy nhưng nhìn thực tế, cũng như qua đánh giá tại các hội nghị gần đây về phong trào chống RTN, lãnh đạo các ban, ngành chức năng thừa nhận, khó ngăn cấm việc sử dụng vật liệu nhựa trong kinh doanh, dịch vụ do không có cơ sở pháp luật. Giải pháp hiện nay chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động, thay đổi thói quen cộng đồng. Việc đồng hành cùng DA “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung” ở địa phương vẫn gặp khó khăn, hoạt động phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện đồng bộ trong cộng đồng.

Việc thiếu các quy định, chế tài khiến mục tiêu giảm RTN khó đạt như kỳ vọng; trong khi đó nhiều tổ chức, đoàn thể ra sức tuyên truyền, vận động thì không ít hộ, gia đình, hàng quán, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng vật liệu nhựa một lần thải ra môi trường.

Thu phí theo lượng rác thải

Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu RTN môi trường. Trong đó cảnh báo ô nhiễm RTN là thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thực hiện Chỉ thị 33, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn. Đồng thời tăng cường theo dõi quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức phân loại CTRSH tại nguồn từ TP. Huế đến các huyện, thị.

Năm 2023 nhiều dự án xử lý rác thải được xây dụng như, DA nhà máy Điện rác Phú Sơn, công suất xử lý 600 tấn/ngày theo công nghệ đốt rác phát điện; xây dựng các bãi chôn lấp tại 2 khu xử lý tập trung Phú Sơn (TX. Hương Thủy); Hương Bình (TX. Hương Trà); lò đốt chất thải rắn quy mô 20 tấn/ngày tại Lộc Thủy (Phú Lộc)…

Nhìn nhận thực tế, mặc dù đến nay đạt những kết quả tích cực nhưng vấn đề quan trọng là hoạt động kiểm soát đầu vào của RTN rất hạn chế, do thiếu những quy định mang tính bắt buộc đối với việc sản xuất, sử dụng CTRSH. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có số liệu chính thức về sản phẩm nhựa sử dụng một lần thải ra môi trường, nhưng với tình trạng nhiều hàng quán, cơ sở ăn uống đang sử dụng đồ nhựa dùng một lần để tiết giảm chi phí nhân công đã trở thành rào cản lớn cho mục tiêu tiết giảm CTRSH.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT chia sẻ, hiện nay địa phương đang triển khai một số quy định mới trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (bao gồm giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn). Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại địa phương đến năm 2030

Cùng với các chương trình, phong trào đang nỗ lực làm xanh sạch sáng ở các địa phương, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai thực hiện thực hiện thí điểm về mức phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại…

Lãnh đạo TP. Huế cho rằng, bên cạnh thu phí sử dụng CTRSH và đánh thuế đối với cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, chuyển giao các công nghệ về tái chế RTN và sản xuất vật liệu thân thiện môi trường. Khuyến khích sản xuất, phát triển các sản phẩm tự phân hủy trong tự nhiên để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Các cơ quan đơn vị không sử dụng kinh phí nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm rác thải nhựa bằng cách nào?

Giảm rác thải nhựa là chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần một lộ trình và hướng đi đúng. Trong đó, trước tiên, cần xây dựng một thế hệ biết phân loại rác.

Giảm rác thải nhựa bằng cách nào
Nhật Bản: Độc đáo làm móng từ rác thải nhựa

Khi vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa được đưa ra thảo luận trên các bàn đàm phán toàn cầu, với một cách thức riêng biệt, Naomi Arimoto, một thợ làm móng người Nhật Bản đang lồng ghép mối quan tâm này vào các tác phẩm của mình.

Nhật Bản Độc đáo làm móng từ rác thải nhựa

TIN MỚI

Mua thùng phi nhựa cũ tại Hà Nội Thu mua phế liệu chì
Return to top