|
Ứng dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thực sự đem lại hiệu quả to lớn cho giá trị nông sản |
Tiềm năng đan xen thách thức
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đều đồng tình về tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy ngành NNCNC của tỉnh là rất lớn. Trong đó, có tiềm năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản khi có vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng đa dạng; nguồn nhân lực KHCN của các viện, trường, đơn vị chuyên môn; các thiết chế, tiềm lực KHCN; cơ chế, chính sách...
Song thực tế, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất, trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại địa phương còn thấp. Bên cạnh đó, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KHCN theo vùng sản xuất tập trung, thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực... là những rào cản để phát triển NNCNC thời gian qua.
Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng chỉ rõ, trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu KHCN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững. Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất chưa thật sự mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ cao vào các khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến còn hạn chế...
|
Nhiều sản phẩm nông sản đem lại giá trị kinh tế cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo |
Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, những năm qua, ngành đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực. Đã tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển NNCNC, nông nghiệp an toàn (hữu cơ, VietGAP...) và ưu tiên phát triển nhóm các sản phẩm chủ lực quốc gia như: Lúa chất lượng cao, tôm, thịt lợn và gia cầm, nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh: thủy sản vùng đầm phá, sen, thanh trà, dược liệu và các sản phẩm OCOP. Đồng thời, cơ cấu lại trên từng lĩnh vực của ngành theo hướng đối tượng nào có lợi thế, có dư địa phát triển thì tập trung chỉ đạo, tập trung chính sách để hỗ trợ phát triển đối tượng đó.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 23 cơ sở đầu tư sản xuất NNCNC đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,3 tỷ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện hỗ trợ các nội dung thuộc thẩm quyền cấp huyện với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất sau khi được nhận hỗ trợ đã tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất và đạt kết quả cao về năng suất, giá trị nông sản.
Kêu gọi đổi mới sáng tạo
Theo bà Bùi Thanh Hằng, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Thừa Thiên Huế đang thiếu các điều kiện để thúc đẩy phát triển KNĐMST trong lĩnh vực NNCNC. Bà Hằng cũng chỉ ra các điều kiện cần để thực hiện, đó là: Cần đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực; cần phát triển nhân tài công nghệ và nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao; cần xây dựng mạng lưới hợp tác để kết nối các giải pháp ĐMST và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; cần tận dụng nguồn lực, nguồn vốn trong nước và quốc tế để phát triển nông nghiệp.
Ngoài các cơ chế, chính sách, tiềm lực tài chính... thì nghiên cứu, ứng dụng KHCN đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy phát triển NNCNC. Một số đơn vị nghiên cứu tham gia tại diễn đàn cũng đưa ra các ý kiến xung quanh việc tập trung ứng dụng những thành tựu về công nghệ gen, công nghệ enzym, công nghệ vi sinh, công nghệ thông tin, internet vạn vật (IoT), công nghệ tự động hóa, vật liệu mới để áp dụng thành công vào sản xuất NNCNC. Thậm chí có nhà nghiên cứu đề xuất giải pháp cho đô thị Huế trong thực hiện ứng dụng sản xuất nông nghiệp thông minh.
|
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được nhân rộng tại các địa phương |
Được xem là một trong những cơ sở tiên phong tham gia sản xuất NNCNC của tỉnh, ông Trương Như Hải, Cơ sở sản xuất NNCNC Hải Farm chia sẻ, để làm NNCNC được và đem lại hiệu quả, trước hết cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp 4 bên: Cơ quan Nhà nước, nông dân, chuyên gia, nhà đầu tư. Ngoài ra, cần xây dựng hệ sinh thái NNCNC tại địa phương, tạo môi trường giao lưu trao đổi giữa người sản xuất và người tiêu dùng tốt. Dùng các kênh truyền thông để hình thành dần dần thói quen sử dụng sản phẩm sạch an toàn cho người dân...
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Sở KH&CN cho rằng sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực NNCNC; thu hút các startup, nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng vùng trồng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết các sản phẩm NNCNC. Ngành đẩy mạnh đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực NNCNC, phát triển các mô hình, quy trình sản xuất nông nghiệp sáng tạo đáp ứng các yêu cầu trong canh tác bền vững, thân thiện với môi trường; hỗ trợ các ý tưởng KNĐMST thông qua các dự án KH&CN.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Văn Anh cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp, startup tham gia KNĐMST trong lĩnh vực NNCNC cần quan tâm tập trung dựa trên định hướng của ngành về các đối tượng có lợi thế, có dư địa phát triển. Để từ đó khai thác hiệu quả và tạo ra đa dạng các sản phẩm NNCNC.